SSI: Xu hướng trung hạn của VN-Index vẫn là giảm

VN INDEX CHỨNG KHOÁN
09:53 - 09/01/2023
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
Sang năm 2023, SSI nhận định nền kinh tế cũng như TTCK Việt Nam dự kiến đối diện nhiều thách thức hơn như mức lạm phát dự kiến sẽ đạt đỉnh, lượng trái phiếu đến hạn vào năm 2023 cũng đạt mức cao nhất trong bối cảnh toàn cầu có rủi ro suy thoái.

Tháng 12/2022 tiếp tục là tháng khó khăn với thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Chỉ số VN-Index giảm 3,9% trong tháng và mất 32,78% điểm số trong năm 2022 và là năm sụt giảm mạnh của TTCK Việt Nam chỉ sau năm 2008. Tổng vốn hóa TTCK Việt Nam và riêng trên HoSE cùng sụt giảm khoảng 31% về còn tương ứng 7,8 triệu tỷ đồng và 5,8 triệu tỷ đồng.

Trong báo cáo chiến lược thị trường tháng 1/2023 cập nhật ngày 7/1, Chứng khoán SSI cho rằng giai đoạn hiện tại, TTCK Việt Nam đang đón nhận các yếu tố tích cực và tiêu cực đan xen. Rủi ro ngắn hạn đến từ sự giảm tốc trong lĩnh vực sản xuất, rủi ro thanh khoản khi lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn duy trì ở mức cao, lãi suất chưa có dấu hiệu hạ nhiệt hay kết quả kinh doanh quý 4 có thể suy yếu.

Mặt khác, Chính phủ đang có những động thái thực tế hơn nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường vốn, cụ thể là chuyển biến tích cực từ quá trình xem xét dự thảo sửa đổi Nghị định 65 trong thời gian gần đây.

Sang năm 2023, nền kinh tế cũng như TTCK Việt Nam dự kiến vẫn đối diện nhiều thách thức hơn như mức lạm phát dự kiến sẽ đạt đỉnh, lượng trái phiếu đến hạn vào năm 2023 cũng đạt mức cao nhất trong bối cảnh toàn cầu có rủi ro suy thoái và nhu cầu tiêu dùng trong nước bị ảnh hưởng tiêu cực từ lạm phát. SSI nhận định, TTCK Việt Nam chưa phản ánh hết các thách thức và rủi ro kể trên.

TTCK Việt Nam năm 2022 chịu tác động bởi yếu tố bên ngoài lẫn nội tại.
TTCK Việt Nam năm 2022 chịu tác động bởi yếu tố bên ngoài lẫn nội tại.

Trong ngắn hạn, phần nào có thể kỳ vọng vào sự khởi sắc của TTCK trong tháng 1 ở góc độ dòng vốn ngoại khi các quỹ đầu tư nước ngoài thường có xu hướng giải ngân vào đầu năm, đặc biệt là các quỹ ETF. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc đang dần mở cửa trở lại có thể khơi thông nhiều nguồn lực cho nền kinh tế và gián tiếp tác động tích cực lên TTCK.

Tuy nhiên, biến động của TTCK cũng sẽ rất mạnh trong bối cảnh thanh khoản hệ thống thấp, áp lực lãi suất, tỷ giá và năng lực thanh toán cho lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vẫn còn là rủi ro tiềm ẩn rất lớn.

Về mặt kỹ thuật, SSI cho biết, VN-Index giao dịch khởi sắc trở lại trong phiên đầu năm 2023 với một cây nến Long White Body (nến trắng thân dài) trên đồ thị ngày, sau giai đoạn xây nền tích lũy quanh đường trung bình động (MA) 50 ngày trong tuần cuối năm 2022. Chỉ số chinh phục trở lại MA 20 ngày, đóng cửa tại 1.043,9 điểm đi cùng với khối lượng giao dịch cải thiện so với những phiên cuối năm 2022.

Theo đó, xu hướng ngắn hạn của chỉ số VN-Index quay lại trạng thái trung tính; tuy nhiên xu hướng trung hạn vẫn là giảm. Vùng 1.083- 1.085 điểm (MA 20 tuần) sẽ là mốc xác định xu hướng tiếp theo của chỉ số trong thời gian tới.

Trường hợp chinh phục khu vực 1.083- 1.085 điểm này thành công, đà hồi phục trên chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục mở rộng hướng đến vùng mục tiêu đầu tiên là ngưỡng tâm lý 1.100 điểm. Ngược lại, sẽ có rủi ro chỉ số quay lại xu hướng giảm ngắn hạn với vùng hỗ trợ quan trọng là 1.020 – 1.000 điểm.

Trong bối cảnh thị trường khó dự đoán và rủi ro tiềm ẩn còn cao, SSI đề xuất chiến lược phù hợp là tận dụng biến động cho mục tiêu đầu tư dài hạn. Các mã cổ phiếu STB, GMD, KSB, PLX và PVD được công ty chứng khoán đánh giá tiềm năng bởi ngoài câu chuyện tích cực riêng ở từng doanh nghiệp, còn được kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong năm 2023 nhờ yếu tố dẫn dắt tăng trưởng rõ ràng.

Như STB của Ngân hàng Sacombank đang giao dịch ở mức P/B 1 lần và P/E là 6,2 lần. Hoạt động kinh doanh cốt lõi trong quý 3/2022 tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực với tỷ lệ NIM tăng cao nhất trong các quý gần đây (khoảng 4,43%). Cả hoạt động cho vay và các hoạt động khác đều ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội, với 7.000 tỷ đồng tổng thu nhập (tăng 68% so với cùng kỳ). Các chỉ số khác của hoạt động cho vay cũng được duy trì ổn định, với tỷ lệ nợ xấu thấp và tỷ lệ LLR cao, lần lượt là 0,9% và 154%.

Trong quý 4/2022, SSI dự báo STB sẽ đạt lợi nhuận trước thuế là 1.900 tỷ đồng (tăng 63,5% so với cùng kỳ), giúp lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 6.300 tỷ đồng (tăng 43,7% so với cùng kỳ).

Sang năm 2023, SSI dự báo lợi nhuận trước thuế của STB sẽ tăng trưởng mạnh hơn, đạt 11.500 tỷ đồng (tăng 83% so với cùng kỳ) khi phần lớn trái phiếu VAMC sẽ được trích lập dự phòng vào năm 2023.

Đáng chú ý, STB là một trường hợp đặc biệt trong ngành ngân hàng trong những năm sắp tới khi đây là một trong những ngân hàng cuối cùng đang phải xử lý nợ xấu còn lại của chu kỳ tín dụng trước. Trong những năm qua, STB đã nâng cao chất lượng tài sản một cách ấn tượng và không cho vay trái phiếu doanh nghiệp cũng như chỉ duy trì dư nợ cho vay bất động sản ở mức thấp.

Hay PVD của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí đang giao dịch ở mức P/B 0,8 lần và P/E 24 lần. Doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận mạnh trong 2023-2024 dựa trên các hợp đồng kí mới với mức cước tốt hơn.

Theo PVD, công ty đã gần như hoàn thành kí mới các hợp đồng khoan cho 2023, với mức giá trung bình dự kiến khoảng 80.000 USD/ngày cho thuê với giàn khoan Jack – up. Ngoài ra, hiệu suất sử dụng giàn cũng sẽ cao hơn 2022, do các giàn kí các hợp đồng dài hạn hơn, một số giàn kí hợp đồng 2 năm tại các thị trường nước ngoài.

Tại thời điểm đầu quý 4/2022, SSI ước tính PVD có thể ghi nhận lỗ tỷ giá trong quý 4. Tuy nhiên, tại thời điểm cuối 2022, tỷ giá USD/VND đã giảm khá mạnh và PVD thực tế có thể ghi nhận lãi tỷ giá, giảm bớt ảnh hưởng của tỷ giá lên kết quả cả năm 2022.

Với triển vọng tăng giá dài hạn cho giàn tự nâng của PVD, SSI nâng ước tính lợi nhuận của PVD cho các năm 2023-2024-2025 (tương ứng với mức thuê giàn trung bình 74.000 USD, 90.000 USD và 86.000 USD/ngày). Và do đó, nhóm phân tích nâng định giá của PVD lên 21.200 đồng/cp với phương pháp DCF.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.