Sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự theo trình tự, thủ tục rút gọn

CHÍNH SÁCH Việt nAM
21:13 - 20/10/2021
Sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự theo trình tự, thủ tục rút gọn
0:00 / 0:00
0:00
Chiều 20/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV đã nghe Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đã trình bày trước kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XV về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Sửa đổi một số điều luật để tương thích với yêu cầu trong Hiệp định CPTPP

Theo Tờ trình của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, qua nghiên cứu, rà soát, đối chiếu, xin ý kiến các bộ, ngành, quy định tại khoản 1 Điều 155 và khoản 8 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chưa thực sự tương thích với điểm g khoản 6 Điều 18. Với 77 Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có nội dung liên quan đến việc cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu mà không cần yêu cầu của người bị hại.

Từ đó, đặt ra yêu cầu phải bỏ quy định dẫn chiếu đến hành vi này tại khoản 1 Điều 155 và khoản 8 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự. Do vậy, việc xây dựng dự án Luật và trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 2 là hết sức cần thiết, vừa để đáp ứng yêu cầu của Hiệp định CPTPP vừa bảo đảm đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong CPTPP tại Nghị quyết số 72/2018/QH14.

Toàn cảnh phiên họp.

Bổ sung trách nhiệm cho lực lượng công an xã

Cũng theo Tờ trình của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, hiện nay lực lượng công an xã đã được tổ chức chính quy về chức danh, cơ cấu lực lượng, năng lực, trách nhiệm và có nhiệm vụ quan trọng, đóng vai trò là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn xã. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, vai trò của lực lượng công an xã trong đấu tranh phòng, chống tội phạm lại càng quan trọng.

Hiện nay, Công an xã đã được tổ chức chính quy 100%, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Luật Công an nhân dân; trong đó, có những quy định chung về nhiệm vụ tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm. Do vậy, việc bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với công an xã (tương đương với trách nhiệm của công an phường, thị trấn...) tại Điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự không mâu thuẫn với quy định của Luật Công an nhân dân và Pháp lệnh Công an xã.

Đề xuất sửa luật cho phép tạm đình chỉ vụ án vì những lý do bất khả kháng về thiên tai, dịch bệnh

Bên cạnh đó, tình hình thiên tai lũ lụt nghiêm trọng xảy ra ở một số địa phương thời gian qua cùng đại dịch COVID-19 khiến nhiều nơi phải thực hiện việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, khiến việc khởi tố, điều tra, truy tố nhiều vụ việc, vụ án hình sự gặp khó khăn, trì hoãn do không thể tiến hành được các hoạt động tố tụng.

Viện kiểm sát cũng không thể xử lý tình huống bằng cách ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc đình chỉ vụ án vì không có căn cứ. Nhiều vụ án, vụ việc đã phải gia hạn thời hạn giải quyết. Tuy nhiên khả năng không thể hoàn thành hồ sơ hoặc không thể tiến hành được đầy đủ các thủ tục tố tụng để khởi tố, kết luận điều tra, quyết định truy tố trong thời hạn luật định là khá cao.

Trong khi đó, khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 229 và khoản 1 Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự lại không có quy định cho phép tạm đình chỉ trong trường hợp “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”, dẫn đến nhiều vụ án, vụ việc không có cách giải quyết tiếp theo sao cho hợp lý và đúng với quy định của pháp luật.

Đáng nói hơn, theo quy định của pháp luật, trong giai đoạn điều tra, nếu hết thời hạn điều tra mà không thể hoàn thiện được hồ sơ và thực hiện đầy đủ các hoạt động tố tụng theo luật định để chứng minh bị can đã thực hiện tội phạm thì sẽ phải đình chỉ điều tra. Điều này có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm, người phạm tội, phải xem xét trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, thậm chí là xử lý trách nhiệm hình sự đối với người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, làm ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, giảm sút lòng tin trong nhân dân, trong khi việc này hoàn toàn không xuất phát do lỗi chủ quan từ phía các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ông Lê Minh Trí cũng cho biết những trở ngại, hạn chế do khách quan đem lại, là những khó khăn, vướng mắc cấp bách từ thực tiễn cần được xem xét, tháo gỡ để giải quyết, đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, không bỏ lọt tội phạm, người phạm tội, không làm oan người vô tội; tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan có thẩm quyền ban hành các quyết định tố tụng có căn cứ, đúng pháp luật.

Đề xuất xây dựng, ban hành Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết: nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 155, khoản 8 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự để đáp ứng yêu cầu của Hiệp định CPTPP, bảo đảm đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định tại Nghị quyết số 72/2018/QH14 và các nội dung sửa đổi, bổ sung khác cũng bảo đảm sự tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Các nội dung sửa đổi, bổ sung để giải quyết yêu cầu cấp thiết của thực tiễn xử lý vụ án hình sự trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đều thuộc trường hợp có thể xây dựng, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Từ những lý do đó, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 2 là hết sức cần thiết để đáp ứng yêu cầu của Hiệp định CPTPP, bảo đảm đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP tại Nghị quyết số 72/2018/QH14 và giải quyết ngay những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn do thiên tai, dịch bệnh gây ra. Nhưng sẽ không mở rộng đến các nội dung khác chưa được tiến hành nghiên cứu, đánh giá, tổng kết đầy đủ, chi tiết theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tin liên quan

Đọc tiếp