Sửa Luật đất đai: 'Gỡ điểm nghẽn phân bổ nguồn lực cho sản xuất kinh doanh'

Đất Đai QUỐC HỘI
14:49 - 02/11/2022
Sửa Luật đất đai: 'Gỡ điểm nghẽn phân bổ nguồn lực cho sản xuất kinh doanh'
0:00 / 0:00
0:00
Trao đổi với Mekong ASEAN, đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn ĐBQH Thái Bình cho rằng, kỳ vọng lớn nhất trong Luật đất đai sửa đổi lần này là sẽ giải quyết được tất cả "điểm nghẽn", khơi thông nguồn lực đất đai vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 1/11, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) với nhiều chính sách mới, quan trọng.

Mekong ASEAN đã có cuộc trao đổi với đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn ĐBQH Tỉnh Thái Bình, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội xoay quanh những kỳ vọng đối với lần sửa đổi Luật này.

Mekong ASEAN: Từ góc độ cá nhân, kỳ vọng của ông đối với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này như thế nào?

Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước, giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ và ảnh hưởng lớn đến việc thực thi quy định của nhiều luật khác.

Theo tôi, kỳ vọng lớn nhất là Luật đất đai sửa đổi sẽ giải quyết tất cả "điểm nghẽn", khơi thông nguồn lực đất đai vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao đời sống của người dân.

Trọng tâm và lâu dài, nguồn lực đất đai phải trở thành nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước trong vòng 10 - 20 năm tới như chiến lược phát triển đã đề ra đến năm 2045.

Đối chiếu với các mục tiêu này, gỡ điểm nghẽn trong vấn đề phân bổ nguồn lực đất đai cho sản xuất kinh doanh là thách thức lớn song cũng chính là điểm kỳ vọng lớn nhất.

Xuất phát từ chính yêu cầu phát triển và thực tiễn, các điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) gần đây cũng chỉ ra rằng khả năng tiếp cận các thủ tục đất đai được đánh giá là một trong những điểm rất khó khăn đối với doanh nghiệp hiện nay.

Báo cáo PCI năm 2021 cho biết, 50% doanh nghiệp được điều tra cho rằng họ gặp khó khăn thủ tục về đất đai, nghĩa là cứ 2 doanh nghiệp tiếp cận đất thì có một doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc. Câu chuyện này đã tồn tại nhiều năm, ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề phân bổ nguồn lực đất đai cho doanh nghiệp. Đây là vấn đề đáng quan ngại!

Mekong ASEAN: Vậy theo ông, đâu là giải pháp gỡ nút thắt phân bổ nguồn lực đất đai?

Để làm được điều này, tôi cho rằng cần sử dụng nhiều hơn các công cụ thị trường trong phân bổ nguồn lực đất đai vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, phát triển thị trường quyền sử dụng đất là yếu tố quan trọng.

Cụ thể, nên bổ sung cơ chế, cách thức giao dịch để sau khi nhận chuyển nhượng, thuê đất thì quyền sử dụng phải được tương đối cởi mở, để người có quyền sử dụng đất có thể tiếp tục vay vốn, cầm cố, thế chấp, cho thuê lại, thậm chí đi góp vốn.

Mặt khác, cần nghiên cứu để bổ sung, thậm chí cho cả cơ chế góp quyền sử dụng đất có thời hạn, người góp đất có thể nhận lại quyền sử dụng đất của mình sau khi hết thời hạn họ góp đất. Hay vấn đề cho thuê quyền sử dụng đất, cần có cơ chế để người nhận cho thuê được quyền thế chấp, cho thuê lại, liên doanh liên kết bằng quyền sử dụng đất đó

Mekong ASEAN: Bên cạnh việc phân bổ nguồn lực, vấn đề quan trọng nào được đặt ra trong dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này?

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một định chế rất quan trọng, bởi nhìn một cách tổng thể, tất cả những quyết sách về đất đều gắn với vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Nếu sử dụng tốt, sẽ là công cụ giúp phân bổ nguồn lực hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách bài bản, khoa học, ngăn nắp. Ngược lại, quy hoạch không tốt sẽ là rào cản rất lớn gây lãng phí nguồn lực và ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Trong đó, công tác tham vấn quy hoạch người dân trở nên quan trọng nhất, vì hơn bao giờ hết khi quy hoạch lập ra sẽ tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân, đến quyền của người sử dụng đất.

Dĩ nhiên, cần một cách tiếp cận dễ dàng và thực chất hơn chứ không đơn thuần chỉ là làm cho có. Những người sử dụng đất trực tiếp bị ảnh hưởng bởi quy hoạch phải được đóng góp ý kiến, nếu không đồng ý phải được giải trình, không đồng ý giải trình phải được phản biện.

Bên cạnh đó, Luật đất đai (Sửa đổi) cần giải quyết được mâu thuẫn giữa các quy hoạch. Các quy hoạch được lập ở các thời gian khác nhau, các cấp khác nhau, tiêu chí nào để xét quy hoạch này không phù hợp với quy hoạch kia?

Quy hoạch của cấp trên - cấp dưới, quy hoạch quốc gia - quy hoạch vùng, quy hoạch giữa thời gian trước - sau phải đảm bảo sự tương thích, vấn đề này nếu không được đặt ra trong Luật đất đai thì phải được đặt ra trong một Luật khác. Nếu không xác định được tiêu chí này thì rất khó để điều chỉnh quy hoạch.

Các chính sách mới, quan trọng của dự thảo Luật đất đai:


- Quy định cụ thể quyền và trách nhiệm của Nhà nước;

Quyền, nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; Hoàn thiện các quy định về các quyền của người sử dụng đất;

- Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;

- Về thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;

- Về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất;

- Về cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; điều tiết quan hệ giữa Nhà nước - thị trường - xã hội;

- Về phát triển quỹ đất, thị trường quyền sử dụng đất; - Về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp;

- Giải quyết những tồn tại hạn chế trong quản lý đất có nguồn gốc nông, lâm trường;

- Quy định về quản lý, sử dụng đất đa mục đích;

- Về chuyển đổi số và cải cách hành chính;

- Về thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm;

- Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai

Mekong ASEAN: Cải cách thể chế là điểm nhấn nhiều kỳ vọng trong lần sửa đổi Luật lần này, quan điểm của ông về nội dung này thế nào?

Theo tôi, các cải cách về thủ tục đất đai trong lần sửa luật này mấu chốt nằm ở tư duy luật đất đai trong chuỗi thủ tục đầu tư.

Luật đất đai hiện nay có những quy định chồng chéo với 22 luật và có liên quan đến nhiều luật khác. Nếu đặt riêng từng luật rất hợp lý, nhưng đặt trong chuỗi các thủ tục liên quan đến một dự án đầu tư thì bắt đầu trở nên bất cập. Do đó, luật đất đai phải là một mắt xích hợp lý trong tổng thể các chuỗi quy định, chính sách, thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường.

Cải cách thủ tục không chỉ đơn thuần là cắt giảm thời gian, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa hồ sơ mà phải cải cách thủ tục đặt trong chuỗi thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng để triển khai dự án. Thủ tục đất đai phải là một mắt xích hài hòa, hợp lý, không lấn sân, bao trùm, không gây ra xung đột với các luật lệ khác.

Đây là vấn đề phải giải quyết bằng luật, ở những nguyên tắc cơ bản nhất, làm cơ sở cho Chính phủ sau này quy định chi tiết.

Mekong ASEAN: Về vấn đề tài chính đất đai được đặt ra trong dự thảo, theo ông đâu là điểm đáng chú ý?

Tài chính đất đai là câu chuyện đã được bàn luận nhiều. Song, từ góc nhìn cá nhân, tôi kỳ vọng Luật đất đai (Sửa đổi) phải cân bằng được tiền thu trực tiếp từ sử dụng đất và giá trị gia tăng trên đất.

Nếu chỉ tập trung vào giá cho thuê đất hay giao đất vô hình chung sẽ tạo gánh nặng cho chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cản trở cơ hội kinh doanh, không tạo được giá trị gia tăng - nguồn thu ổn định lâu dài từ thuế, lao động, sản xuất kinh doanh.

Trong khi, tạo điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh, tạo ra nguồn thu, giá trị gia tăng cho đất mới là mục đích lâu dài hướng đến, Do đó, tư duy cân bằng giữa giá đất và giá trị tạo ra từ đất là điều quan trọng.

Pháp luật về đất đai của Việt Nam đã trải qua nhiều thời kỳ phát triển, bắt đầu từ Luật Đất đai 1987, tiếp theo đó là Luật Đất đai 1993, Luật Đất đai 2003 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) và hiện hành là Luật Đất đai 2013.

Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành gồm nghị định của Chính phủ, thông tư của các bộ… đã tạo được hành lang pháp lý khá hoàn thiện điều chỉnh các quan hệ pháp luật về đất đai.

Sau gần 10 năm thi hành Luật Đất đai vào năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, phát huy nguồn lực về đất đai trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là việc sử dụng đất đai có hiệu quả trong phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, phát triển nhà ở các đô thị.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình tổ chức thi hành Luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế; nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững; việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp.

Việc xem xét dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp này được cả người dân và doanh nghiệp mong đợi với kỳ vọng sẽ gỡ bỏ những nút thắt chồng chéo, khơi thông nguồn lực đất đai, giúp ổn định đời sống xã hội, tiếp thêm động lực cho thị trường bất động sản.

Theo kế hoạch dự kiến, sáng 3/11, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Sau đó dự án Luật sẽ tiếp tục được đưa ra thảo luận, lấy ý kiến góp ý tại hai kỳ Quốc hội tiếp theo và được thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV vào cuối năm 2023.

Đọc tiếp

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Quý đầu năm 2024, Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng, giảm 92% so với mức 11.917 tỷ đồng của quý cùng kỳ năm ngoái. Lý giải nguyên nhân, doanh nghiệp này cho biết do chưa đến kỳ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cho các sản phẩm đang xây dựng dở dang.