Sửa Luật Hợp tác xã: Cần chính sách ưu đãi mạnh mẽ, trọng tâm hơn

Hợp tác xã QUỐC HỘI
13:55 - 10/11/2022
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Quốc hội cho rằng việc hỗ trợ của Nhà nước đối với các tổ chức kinh tế hợp tác trong dự thảo Luật còn quá nhiều, mang tính dàn trải, thiếu tập trung và thiếu tính trọng tâm.

Sáng 10/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Hợp tác xã sửa đổi. Vấn đề sửa đổi tên Luật Hợp tác xã thành Luật các tổ chức kinh tế hợp tác còn nhiều ý kiến trái chiều.

Phía ý kiến nên giữ nguyên tên cũ cho rằng tên gọi hợp tác xã đã gắn liền với lịch sử phát triển của Việt Nam, phù hợp và ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ. Phía ý kiến ủng hộ sửa tên cho rằng sử dụng tên gọi Luật các tổ chức kinh tế hợp tác như Chính phủ trình sẽ bao quát được toàn bộ đối tượng và phạm vi điều chỉnh của luật.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng góp ý về các nội dung cụ thể trong dự thảo Luật. Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho biết, Luật Hợp tác xã hiện hành cách đây 10 năm đã xuất hiện những bất cập cần tháo gỡ như cơ cấu tổ chức quản lý có điểm chưa phù hợp, thiếu minh bạch trong thông tin, độ tin cậy chưa cao, tài sản tài chính của hợp tác xã còn nhiều vấn đề để bàn cãi. Đặc biệt, các chính sách của Nhà nước chưa khuyến khích, tạo điều kiện cho hợp tác xã phát triển bền vững.

Từ những bất cập trên, đại biểu nêu rõ việc sửa đổi Luật Hợp tác xã là cần thiết. Tuy nhiên theo ông Hoà, nội dung quy định trong dự thảo về tổ hợp tác còn mờ nhạt so với hợp tác xã. Quy định tổ hợp tác không có tư cách pháp nhân rất khó hoạt động.

Do đó đại biểu đề nghị điều chỉnh tổ hợp tác phải có pháp nhân; đồng thời cần giải thích mô hình hợp tác xã siêu nhỏ để có căn cứ vào vốn điều lệ để phân loại. Ngoài ra, đại biểu đề nghị quy định thành viên tổ hợp tác có đủ 18 tuổi trở lên để thực hiện đầy đủ các quyền dân sự.

Về Liên đoàn hợp tác xã, đại biểu cho rằng đây là tổ chức mới, chưa có tiền lệ, cần phải có đánh giá thực tế trong các mô hình thí điểm để có sự thuyết phục lớn.

Đại biểu Phạm Văn Hòa. Ảnh: Quochoi

Đại biểu Phạm Văn Hòa. Ảnh: Quochoi

Đại biểu Nguyễn Kim Tuyến (Đoàn Tiền Giang) góp ý về về các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước. Đại biểu cho rằng việc hỗ trợ của Nhà nước đối với các tổ chức kinh tế hợp tác (từ điều 16 đến Điều 21) còn quá nhiều, mang tính dàn trải, thiếu tập trung và thiếu tính trọng tâm, chưa đặc trưng và mang tính thực chất mà tổ chức kinh tế hợp tác thực sự cần.

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm xác định nội dung hỗ trợ mang tính tập trung nhằm mang lại tính khả thi cao và đảm bảo được hiệu quả hỗ trợ và phù hợp với nguồn lực kinh tế. Bên cạnh đó, một số nội dung chính sách còn mang tính khái quát cao, thiếu tính định lượng.

Cũng liên quan đến nội dung chính sách ưu đãi, đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn Phú Thọ) đề nghị quan tâm đến đối tượng được thụ hưởng chính sách. Hiện nay ở nước ta số lượng hợp tác xã nông nghiệp chiếm đến gần 70% trên tổng số hợp tác xã.

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thiết kế chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần phù hợp và ưu tiên cho các tổ chức kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; theo quan điểm của Nghị quyết 20 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Về nguồn vốn thực hiện chính sách quy định tại Điều 18, đại biểu Nguyễn Thành Nam nhận thấy, đây là yếu tố cốt lõi để các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với hợp tác xã có tính khả thi nhưng dự thảo luật quy định còn chung chung, chưa cụ thể.

Ông đề nghị cần quy định cụ thể rõ việc bố trí ngân sách Nhà nước trung hạn, hàng năm, tạo điều kiện thuận lợi cho phân bố và tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế tập thể.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam. Ảnh: Quochoi

Đại biểu Nguyễn Thành Nam. Ảnh: Quochoi

Vì sao nên đổi tên?

Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu nêu.

Về việc đổi tên gọi, Bộ trưởng cho biết có nhiều lý do. Đầu tiên là phù hợp phạm vi bao quát của dự thảo Luật, phù hợp với Nghị quyết 20- NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương với tinh thần tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể. Thứ hai là tôn trọng quy luật của kinh tế thị trường khi có những thay đổi về phạm vi, đối tượng, quy mô, đảm bảo tính phổ quát và bao quát.

Thứ ba là nhấn mạnh sự hợp tác giữa các tổ chức kinh tế, hợp tác để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo ra các chuỗi giá trị. Thứ tư là tạo nhận thức mạnh mẽ trong công tác tuyên truyền, thu hút người dân, tổ chức tham gia phát triển kinh tế tập thể.

Đặc biệt trong nhiệm kỳ này, Quốc hội thông qua nhiều dự án Luật quan trọng, vì vậy Bộ trưởng cho rằng đây là thời điểm rất phù hợp để thay đổi tên gọi của Luật cho phù hợp.

Có rất nhiều lý lẽ và quan điểm khác nhau về việc đổi tên; ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, phối hợp với cơ quan thẩm tra tiếp thu để đưa ra tên Luật cho phù hợp. Cũng có ý kiến cho rằng cần có báo cáo về việc đổi tên, chúng tôi sẽ đánh giá kỹ hơn, rõ hơn để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội.Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

Về mô hình liên đoàn hợp tác xã, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, trên thực tiễn nhu cầu thành lập mô hình liên đoàn hợp tác xã đã có; đồng thời đây cũng là là mô hình phổ biến tại nhiều nước trên thế giới trên tinh thần tự nguyện, tự chủ và tự chịu trách nhiệm. Quy định nội dung này tại luật để định vị pháp lý cho loại hình này, là cơ sở pháp lý để Chính phủ hướng dẫn và quản lý.

Về các chính sách hỗ trợ phát triển các tổ chức kinh tế hợp tác, Bộ trưởng đồng ý với nhiều ý kiến đại biểu rằng cần thiết kế chính sách mạnh mẽ hơn, tập trung, có trọng tâm trọng điểm, cụ thể, rõ ràng hơn.

Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp thu, nghiên cứu, tập trung làm rõ tính đặc thù cho từng lĩnh vực; chú trọng chính sách chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao khả năng tiếp cận vốn, tăng cường áp dụng thành tựu khoa học công nghệ, áp dụng các mô hình kinh tế mới như kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh...

Về các vấn đề khác như Liên minh hợp tác xã, tổ hợp tác, quỹ hỗ trợ, thành viên, giao dịch nội bộ, quỹ chung không chia, mô hình quản trị tài chính, kế toán, quản lý Nhà nước... Bộ trưởng cho biết sẽ rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo sự phù hợp, thống nhất, thúc đẩy mô hình kinh tế này phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Tin liên quan

Đọc tiếp