Tăng cường hợp tác hướng tới 'một ASEAN số'

CHUYỂN ĐỔI SỐ asean
18:38 - 11/10/2022
Tăng cường hợp tác hướng tới 'một ASEAN số'
0:00 / 0:00
0:00
Nhằm xây dựng cộng đồng kỹ thuật số và trở thành khối kinh tế hàng đầu, các nước Đông Nam Á coi chuyển đổi số là bệ phóng để tăng trưởng. Khu vực đang tăng cường hợp tác hướng đến xây dựng ASEAN số, năng động và phát triển bền vững

Hợp tác để tạo ra một "ASEAN số"

Tại sự kiện Tuần lễ số Quốc tế Việt Nam 2022 ngày 11/10, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định cuộc di chuyển từ thế giới thực vào thế giới số là công cuộc di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, cũng đồng thời là thách thức lớn.

"Trong thế giới số, chúng ta sẽ gần nhau hơn, ảnh hưởng lẫn nhau sẽ lớn hơn. Vì vậy, chúng ta sẽ phải học thêm để sống cùng nhau. Khả năng chung sống hoà bình cùng nhau là thước đo văn minh của nhân loại", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Một không gian sống mới, một môi trường sống mới sẽ cần đến những nguyên tắc mới, luật lệ mới và văn hoá mới. Cách duy nhất để thích nghi với những cái mới là trao đổi và học hỏi lẫn nhau.

Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chiến lược quan trọng để tăng tốc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và chính phủ số. Việc thiết lập các quan hệ đối tác số song phương và đa phương sẽ là một trọng tâm trong 10 năm tới nhằm phát huy tối đa các nguồn lực quốc tế để tăng tốc xây dựng Việt Nam số (Digital Vietnam).

Trên cơ sở đó, sự kiện Tuần lễ Số quốc tế lần đầu được tổ chức với chủ đề "Đối tác toàn cầu vì một tương lai số bền vững" (Global Partnership for the Sustainable Digital Future) và sẽ được duy trì để thành sự kiện thường niên của các nước khu vực Đông Nam Á. Sự kiện như là một dịp để các nước trong khu vực cùng nhau trao đổi về chuyển đổi số, thể chế số, hạ tầng số, công nghệ số, nền tảng số, ứng dụng số, nhân lực số, an toàn số và hợp tác số...

Hội nghị ASEAN về 5G diễn ra ngay sau phiên toàn thể là sáng kiến của Việt Nam, được Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng thông báo tại Hội nghị Bộ trưởng Viễn thông và CNTT ASEAN 2018, nhằm đẩy mạnh phối hợp trong khu vực về chính sách, đầu tư, phát triển công nghệ, dịch vụ và ứng dụng 5G. Mục tiêu của Hội nghị lần này là nhằm thảo luận về phương hướng thúc đẩy triển khai 5G và trao đổi các khuyến nghị về lộ trình thực hiện 5G cho Asean trong giai đoạn từ nay đến 2025.

Hợp tác số giữa các nước ASEAN là để tạo ra một ASEAN số. Để thực hiện được "Một ASEAN - One ASEAN" thì chuyển đổi số và hợp tác số là lời giải tốt nhất.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các nước trong khu vực cần đẩy mạnh phối hợp trong khu vực về chính sách, đầu tư, phát triển công nghệ cũng như thảo luận phương hướng thúc đẩy triển khai 5G và trao đổi các khuyến nghị về lộ trình thực hiện 5G cho ASEAN trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhiệt liệt chào mừng các tổ chức quốc tế: ITU, GSMA, Unicef, Unesco, ILO và World Bank; các đoàn đại biểu ASEAN (Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Brunei, Indonesia, Singapore, Philippines và Malaysia); các chuyên gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và EU; các công ty công nghệ số quốc tế: Nokia, Huawei, Samsung, LG, Cisco, Qualcomm, KDDI, Softbank, Red Hat, Kaspersky... đã tới tham dự sự kiện.

Tầm nhìn, hành động và đề xuất của Việt Nam về quốc gia số

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, chính phủ số cần đóng vai trò tiên phong trong quá trình chuyển đổi số của quốc gia, thúc đẩy kinh tế số, xã hội số.

Chính phủ số nhằm chuyển đổi cách thức phục vụ, mang đến sự hài lòng cho người dân. Còn kinh tế số sẽ góp phần đưa Việt Nam đạt được mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao năm 2045. Xã hội số với những chính sách an sinh xã hội thuận lợi, xã hội toàn diện, văn minh an toàn vì hạnh phúc của người dân.

Năm 2022, Việt Nam đã thông qua chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số. Đây là cách tiếp cận mới tạo nên sự tăng trưởng nhờ công nghệ số, trong đó dữ liệu số như là yếu tố chủ chốt. Bên cạnh đó, phát triển số được xác định là dòng chủ lưu để Việt Nam đạt được các mục tiêu trở thành nước phát triển, giúp người dân hạnh phúc hơn.

Để hỗ trợ quá trình chuyển đổi số, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đề xuất chiến lược về kinh tế số và xã hội số, trong đó các nước hợp tác và cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm, đặc biệt là việc phát triển khung pháp lý, luật giao dịch điện tử, thuế, các giao dịch xuyên biên giới, các khuôn khổ sandbox dành cho dịch vụ mới...

Ngoài ra, ông Dũng cũng đề xuất xây dựng khuôn khổ chung về kỹ năng số bởi Việt Nam coi kỹ năng số là yếu tố quan trọng để khai phá thế giới số. Việc xây dựng khuôn khổ sẽ hỗ trợ quá trình di chuyển của lực lượng lao động giữa các quốc gia.

Tuần lễ Số Quốc tế Việt Nam 2022 (Vietnam International Digital Week - VIDW2022) do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức với chủ đề "Đối tác toàn cầu vì tương lai số bền vững" tập trung thúc đẩy và mở rộng các quan hệ đối tác số với các ưu tiên gồm: hoàn thiện thể chế và môi trường quản lý; đẩy nhanh phát triển công nghiệp công nghệ số, hạ tầng số để xây dựng không gian mạng an toàn và tin cậy; nâng cao kỹ năng số cho người dân để tăng tốc quá trình chuyển đổi số.

Tuần lễ Số Quốc tế Việt Nam 2022 sẽ diễn ra từ ngày 11-14/10. Sự kiện bao gồm các hội nghị, diễn đàn về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, phát triển mạng 5G, hợp tác bảo vệ dữ liệu, phòng chống tin giả, nâng cao kỹ năng số.

Trong các ngày từ 12-14/10, Bộ TT&TT sẽ phối hợp với các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và các tổ chức quốc tế tổ chức như UNESCO, ITU, WB tổ chức các diễn đàn chuyên môn với các chủ đề khác nhau, như: Diễn đàn Chuyển đổi số vì một xã hội số mở rộng; chuyển đổi số trong các ngành công nghiệp và sản xuất thông minh; phát triển kết nối số hướng đến quan hệ đối tác số; diễn đàn kỹ năng số cho cộng đồng...

Đọc tiếp