‘Tăng tốc tận dụng thời cơ dân số vàng nâng cao năng suất lao động’

LAO ĐỘNG Năng suất
15:21 - 20/08/2022
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Phát triển hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động.
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Phát triển hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng lấy dẫn chứng về tỷ lệ lao động có chứng chỉ còn thấp, mới đạt 26%, từ đó chỉ ra yêu cầu tăng tốc tận dụng thời cơ dân số vàng, tránh rơi vào cảnh "chưa giàu đã già".

Không để tình trạng "chưa giàu đã già" xảy ra

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, thách thức với Việt Nam tới đây là tốc độ già hóa của Việt Nam đang cao hơn mức dự báo. Ngay trước 2030, tiến trình già hóa dân số đã diễn ra rồi. Nếu không tranh thủ, tăng tốc nhanh để tận dụng thời cơ dân số vàng phát triển đất nước thì dễ rơi vào cảnh “chưa giàu đã già”, chưa kịp phát triển đã lại phải quay sang lo gánh nặng an sinh xã hội.

Với thách thức đang đặt ra này, tại hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” ngày 20/8, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực luôn là nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước coi trọng, coi là nhiệm vụ đột phá chiến lược, để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa.

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

Việc Chính phủ tổ chức hội nghị này là hết sức ý nghĩa, quan trọng cả trong ngắn hạn và dài hạn. Sau hội nghị nên có Nghị quyết hoặc Chỉ thị của Thủ tướng hoặc Nghị quyết của Chính phủ để tạo sự chuyển biến trên thị trường lao động”.

Thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, phát triển thị trường lao động, đáp ứng cung cầu lao động.

Ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác điều hành thị trường của Bộ LĐTB&XH tuy nhiên vẫn còn những hạn chế, Bộ trưởng KH&ĐT chỉ ra, tỷ lệ lao động có chứng chỉ còn thấp, mới đạt 26%, nhất là lao động quản lý, lao động chuyên gia. Năng suất lao động của Việt Nam kém hơn Trung Quốc 4 lần, Malaysia 7 lần, Singapore 16 lần. Việt Nam phát triển sau Thái Lan cũng tới 10 năm.

Từ đó, Bộ trưởng KH&ĐT nêu 5 giải pháp trong ngắn hạn, 6 giải pháp trong dài hạn. Về 5 giải pháp ngắn hạn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị cần theo dõi, nắm bắt nhu cầu lao động, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, cung ứng lao động cho quá trình phục hồi phát triển.

Đồng thời, phát triển hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động, làm tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học; giải quyết vấn đề khan hiếm lao động cục bộ. Thực hiện tốt các quy định hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định 80/2021/NĐ-CP; tiếp tục triển khai hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để phục hồi sản xuất và kinh doanh sau đại dịch.

Tiếp theo là 6 nhóm giải pháp dài hạn, Bộ trưởng Dũng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu lao động trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đáp ứng yêu cầu tình hình mới, huy động mạng lưới trí thức người Việt trong và ngoài nước.

Bộ KH&ĐT cũng cho rằng cần xây dựng chiến lược quốc gia phát triển nguồn nhân lực, thống nhất đầu mối quản lý đào tạo nhân lực, đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế.

Cùng với đó là đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao năng lực tự chủ của các cơ sở đào tạo nhân lực, đa dạng hóa các hình thức liên kết đào tạo, nghiên cứu giữa các cơ sở đào tạo, hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

“Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, giải quyết việc làm. Có các chính sách để các cơ sở kinh tế phi chính thức chuyển sang khu vực chính thức. Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ thông tin để kết nối cung cầu lao động, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, xây dựng và phát triển kinh tế số, xã hội số”, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu ra các giải pháp tổng thể.

Vòng quay lao động qua doanh nghiệp còn lớn hơn vòng quay của vốn

Thách thức mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu ra đối với thị trường lao động Việt Nam cũng là trăn trở của ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khi thị trường lao động đang ở thời kỳ dân số vàng nhưng chưa bền vững.

Ông Khang nêu một nghịch lý, vòng quay lao động qua doanh nghiệp còn lớn hơn vòng quay của vốn. Một doanh nghiệp chỉ có nhu cầu 15.000 lao động nhưng thực tế số lao động qua đây trong thời gian ngắn đã tới 27.000 lượt người. Điều đó cho thấy việc làm chưa thực sự bền vững.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến nghịch lý trên, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề cập đến các vấn đề chăm lo cho người lao động, như chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, hỗ trợ nhà ở.

Trước tình hình quan hệ lao động có những biểu hiện phức tạp, cần phòng ngừa những tranh chấp lao động có thể phát sinh, Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị thực hiện quyết liệt các chính sách hỗ trợ người lao động đã được đề ra như Bộ LĐTB&XH đã đề xuất, xây dựng kế hoạch.

Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

"Tiếp nữa là chú trọng việc phát triển nguồn lao động cho các lĩnh vực sản xuất trọng yếu như điện tử, may mặc, da giày đang có biểu hiện thiếu hụt hiện nay, nâng cao năng lực đào tạo kỹ năng với người lao động để tăng năng suất lao động".

Về lâu dài, ông Nguyễn Đình Khang cho rằng cần có dự báo sự phát triển thị trường, nhất là ở những ngành có hàm lượng tri thức cao, hàm lượng kỹ năng để cung ứng cho thị trường; xây dựng dữ liệu thông tin phục vụ cho thị trường và công bố thông tin về nhu cầu lao động đến từng dự án, chương trình cụ thể; đầu tư hạ tầng cơ bản để phục vụ người lao động ở những địa bàn phát triển công nghiệp như nhà ở, nơi học tập, khám chữa bệnh cho người lao động và gia đình, con em của họ.

Thị trường lao động trong nước cũng đang chịu những ảnh hưởng mạnh do đại dịch Covid-19. Tính trong quý II/2022, cả nước vẫn còn hơn 8 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Trong đó có 0,4 triệu người bị mất việc, chiếm 5,3%; 0,5 triệu người không tìm được việc làm, chiếm 5,7%; 2,2 triệu người phải tạm nghỉ, tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm 27,6%; 2,4 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 29,5% và 6,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 81,7%.

Nguồn: Cục Việc làm

Tin liên quan

Đọc tiếp