Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị phát triển thị trường lao động

LAO ĐỘNG việc làm
10:55 - 20/08/2022
Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”, ngày 20/8.
Hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”, ngày 20/8.
0:00 / 0:00
0:00
Khẳng định lao động là một trong bốn thị trường hết sức quan trọng với nền kinh tế đất nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần phát triển thị trường lao động tập trung vào yếu tố con người và tôn trọng tính khách quan của thị trường.

Hậu Covid-19, cả nước đang đứng trước áp lực giải quyết việc làm cho gần 2 triệu lao động rời khỏi thị trường lao động. Tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực, địa bàn còn tồn tại, chưa có giải pháp để nâng tầm, khai thác và thu hút lao động tại chỗ hiệu quả. Cùng với đó là tiềm ẩn nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt lao động cho giai đoạn phục hồi và phát triển.

Yêu cầu đặt ra với thị trường lao động Việt Nam là thích ứng, đáp ứng tiến trình tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đưa nguồn nhân lực thực sự là động lực cho phát triển kinh tế xã hội.

Phát triển lao động vừa đảm bảo yếu tố thị trường vừa đảm bảo yếu tố xã hội

Trước tình hình đó, ngày 20/8 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập”, nhằm tháo gỡ khó khăn, tìm ra kế sách phát triển thị trường lao động trước những thách thức.

Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tiếp tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính,và kết nối trực tuyến đến đầu cầu 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tham dự Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, LĐTB&XH, VHTT&DL, GD&ĐT, Công an, Ngân hàng Nhà nước..., Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đại diện một số doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, và đại diện một số tổ chức, chuyên gia quốc tế.

Đánh giá thực tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, lao động là một trong bốn thị trường hết sức quan trọng với nền kinh tế đất nước. Điều đó cũng phù hợp với định hướng phát triển nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá chiến lược đã được đề cập trong Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng.

Đảng, Nhà nước đã dành nhiều quan tâm, điều hành thị trường quan trọng này. Tuy nhiên, thực tế, thị trường lao động vẫn còn nhiều vấn đề hạn chế, tồn tại. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã làm bộc lộ nhiều điểm yếu kém cần khắc phục. Việc phát triển thị trường lao động còn nhiều khó khăn, thách thức phải giải quyết trong thời gian dài.

Nhắc đến chủ đề của hội nghị, Thủ tướng yêu cầu đánh giá lại những việc đã làm được trong công tác điều hành thị trường lao động thời gian qua, đồng thời có những giải pháp để giải quyết, xử lý vấn đề trong thời gian tới, nhất là việc ứng phó với những cú sốc có thể đến, như đại dịch Covid-19.

Nhấn mạnh tinh thần cầu thị, Thủ tướng mong muốn được lắng nghe các ý kiến thẳng thắn từ các lãnh đạo, chuyên gia trong và ngoài nước. Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ cũng gợi ý hướng thảo luận về việc đổi mới cơ chế chính sách quản lý thị trường lao động để thị trường phát triển hài hòa, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

"Hướng thảo luận tiếp theo là giải pháp nào để khắc phục những tác động bất lợi, trong đó có vấn đề đại dịch Covid-19, tình hình cạnh tranh chiến lược trên thế giới”, Thủ tướng Phạm Minh Chính gợi mở.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị phát triển thị trường lao động  ảnh 1

Ảnh: Quốc Chính.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

“Xuyên suốt trong đường lối của Việt Nam là lấy con người làm trung tâm, phát huy tối đa yếu tố con người, tôn trọng, khuyến khích sự vận hành khách quan của thị trường nhưng vẫn phải giữ định hướng xã hội chủ nghĩa. Vừa đảm bảo yếu tố thị trường và đảm bảo yếu tố xã hội sẽ góp phần làm ổn định tình hình kinh tế xã hội đất nước".

Hiến kế phát triển thị trường lao động hiện đại, bền vững

Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ LĐTB&XH sẽ trình bày báo cáo tình hình thị trường lao động thời gian qua, nhận diện những thuận lợi, cơ hội, khó khăn, thách thức hiện nay để đề xuất các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động nhanh, hiệu quả để làm cơ sở phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.

Hội nghị cũng sẽ lắng nghe những kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trình bày, đề cập đến bối cảnh chịu tác động kép bởi đại dịch Covid-19 và cách mạng công nghiệp lần thứ tư khiến thị trường lao động Việt nam đang có nhiều thay đổi mạnh mẽ.

Trong đó, hai thách thức nổi lên là: thiếu hụt lao động có kỹ năng và các thay đổi về yêu cầu kỹ năng đối với người lao động dưới tác động của việc thay đổi công nghệ, chuyển đổi số và tự động hóa khiến cho yêu cầu về kỹ năng của người lao động cũng thay đổi nhanh hơn, chu kỳ thay đổi cũng ngắn hơn.

Hội nghị cũng là dịp để các địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia trong nước và quốc tế "hiến kế" phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập.

Hội nghị lần này được kỳ vọng sẽ là cú hích thúc đẩy việc khôi phục thị trường lao động "hậu Covid-19", để phục vụ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Tin liên quan

Đọc tiếp