Tập đoàn FPT báo lãi ròng quý III/2022 tăng trưởng 28%

FPT TÀI CHÍNH
14:28 - 25/10/2022
Tòa nhà FPT Tower
Tòa nhà FPT Tower
0:00 / 0:00
0:00
Trong 3 quý đầu năm 2022, doanh thu của FPT đạt 30.977 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 4.856 tỷ đồng, lần lượt tăng 24,1% và 28,3% so với cùng kỳ.

CTCP FPT (HoSE: FPT) vừa công bố BCTC hợp nhất quý III/2022. Theo đó, doanh thu thuần quý III/2022 đạt 11.148,5 tỷ đồng, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trừ đi giá vốn hàng bán, lợi nhuận gộp đạt 4.359 tỷ đồng, tăng 34%.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của FPT đạt 549,7 tỷ đồng, tăng 65,5%. Trong khi chi phí tài chính tăng từ 273 tỷ đồng lên 414 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng lần lượt 40,7% và 36% lên 1.131,4 tỷ đồng và 1.461,4 tỷ đồng.

Khấu trừ các khoản chi phí, lãi sau thuế FPT đạt 1.756 tỷ đồng, tăng 28%.

Theo FPT, kết quả kinh doanh duy trì mức tăng 2 con số nhờ vào tăng trưởng tốt ở mảng công nghệ, nhất là dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài và tăng trưởng biên lợi nhuận mảng viễn thông.

Cụ thể, mảng công nghệ đóng góp 58% doanh thu và 50% lợi nhuận trước thuế Tập đoàn, tương đương 6.490 tỷ đồng và 1.010 tỷ đồng. Với mảng dịch vụ công nghệ thông tin tại thị trường nước ngoài, với sự thúc đẩy bởi đà tăng đến từ thị trường Mỹ và APAC, FPT ghi nhận doanh thu 4.857 tỷ đồng (tăng 30,2% so với cùng kỳ) và lợi nhuận trước thuế 848 tỷ đồng (tăng 26,3%).

Doanh thu khối viễn thông có mức tăng 20,1% lên 3.731 tỷ đồng; lãi trước thuế 723 tỷ đồng, tăng 23,4%, chiếm tỷ trọng 33% doanh thu và 36% lợi nhuận của tập đoàn. Trong đó, dịch vụ viễn thông đem về 3.517 tỷ đồng doanh thu, tăng 18,2% và lợi nhuận trước thuế 640 tỷ đồng, tăng 20,5%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm doanh thu của FPT đạt 30.977 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 4.856 tỷ đồng, tăng lần lượt 24,1% và 28,3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thuộc về Cổ đông Công ty mẹ tăng 30% lên 3.943 tỷ đồng. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) 9 tháng tăng 30% lên 3.605 đồng.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản FPT tính đến ngày 30/9/2022 đạt 55.127 tỷ đồng, tăng 2,6% so với số đầu năm. Nợ phải trả giảm 3,7% xuống 31.071 tỷ đồng.

Về hoạt động kinh doanh đáng chú ý của công ty trong quý 3, ngày 13/10 vừa qua, Tập đoàn FPT vừa ký kết thỏa thuận đầu tư không chi phối, trở thành cổ đông chiến lược của LTS, Inc. - công ty trong Top 20 công ty tư vấn, quản trị kinh doanh và chuyển đổi số tại Nhật, với hơn 20 năm kinh nghiệm. Khoản đầu tư chiến lược có thể giúp FPT và LTS, Inc. khai phá tốt nhất các cơ hội trong lĩnh vực tư vấn và dịch vụ công nghệ, với mục tiêu đạt được các hợp đồng trị giá hàng chục triệu đô tại thị trường Nhật Bản cũng như quốc tế.

Trong kỳ, FPT Software cũng đã đạt thỏa thuận hợp tác với NCS (công ty thành viên của Singtel Group), phát triển trung tâm công nghệ với quy mô 3.000 nhân sự vào năm 2025. FPT hy vọng đây sẽ là cơ hội để tập đoàn tiếp cận với các công nghệ mới nhất, triển khai các dự án có quy mô lớn ở Singapore.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu FPT đang có xu hướng giảm kể từ khi đạt đỉnh lịch sử 95.180 đồng/CP phiên 14/4 (giá đã được điều chỉnh). Tính tới 14h phiên 25/10, thị giá FPT tăng 3,1% lên 73.300 đồng/CP, tương ứng vốn hóa 80.410 tỷ đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.