Thanh khoản sụt giảm, VN-Index lần đầu mất điểm trong tháng 11

VNINDEX CHỨNG KHOÁN
15:57 - 07/11/2023
Màu đỏ bao phủ thị trường phiên 7/11.
Màu đỏ bao phủ thị trường phiên 7/11.
0:00 / 0:00
0:00
Trước áp lực chốt lời sau 4 phiên tăng điểm liên tiếp, thị trường chứng khoán mở cửa phiên 7/11 với không ít khó khăn.

Trái ngược với phiên hôm qua, thị trường chứng khoán mở cửa phiên 7/11 giảm điểm khá mạnh. Chỉ số VN-Index sớm giảm hơn 8 điểm chỉ sau vài chục phút giao dịch trước khi thu hẹp đà giảm về còn hơn 2 điểm vào 10h sáng.

Tuy nhiên đà phục hồi của VN-Index không thể duy trì trước áp lực chốt lời diễn ra ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Bước vào giờ nghỉ, chỉ số sàn HoSE giảm 5,4 điểm, với thanh khoản chưa tới 5.000 tỷ đồng.

Biên độ giảm không những không được cải thiện mà còn bị nới rộng hơn đáng kể trong phiên chiều. Thậm chí có thời điểm, chỉ số VN-Index giảm tới gần 15 điểm về còn 1.075 điểm.

Chốt phiên 7/11, VN-Index giảm 9,37 điểm, tương đương tỷ lệ 0,86% về còn 1.080,29 điểm. Đây cũng là phiên giảm điểm đầu tiên của tháng 11/2023, chấm dứt chuỗi 4 phiên tăng điểm liên tiếp từ đầu tháng 11 đến nay.

Thanh khoản sụt giảm đáng kể trong phiên thị trường đi xuống. Sàn HoSE có 634,5 triệu cổ phiếu giao dịch với giá trị 12.599 tỷ đồng, giảm lần lượt 8,4% và 10,55 so với phiên hôm qua. Đáng chú ý, nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại bán ròng 263 tỷ đồng sau 2 phiên mua ròng liên tiếp. Các mã được khối ngoại bán ra mạnh là MWG (121 tỷ đồng), VRE (92,28 tỷ đồng), MSN (34,39 tỷ đồng).

Đà giảm điểm của VN-Index có sự đóng góp lớn của nhóm VN30, khi bản thân chỉ số này cũng giảm tới 10,81 điểm, tương đương 0,98% về còn 1.092,71 điểm. Toàn nhóm có tới 26 mã giảm điểm với hàng loạt cổ phiếu giảm trên 2% là BCM (-2%), SSI (-2,2%), VHM (-2,4%), MSN (-3,1%), VRE (-3,5%), SSB (-3,6%).

Ở chiều ngược lại, chỉ có duy nhất 2 cổ phiếu trong rổ VN30 tăng điểm là HPG và MWG, tuy nhiên cũng chỉ tăng lần lượt 0,2% và 0,4%. MWG là mã được khối ngoại bán ròng mạnh nhất như đã nói ở trên, trong khi HPG là mã được khối ngoại mua ròng nhiều nhất với 95 tỷ đồng.

Trong phiên thị trường giảm điểm, cổ phiếu chứng khoán bị ảnh hưởng đáng kể. EVS (1,3%), ABW (1,1%), CTS (0,9%), FTS (0,1%) là số ít những mã tăng điểm, tuy nhiên đều với biên độ khá khiêm tốn. Trong khi nhiều cổ phiếu lớn ngành chứng khoán như VCI, VND, SSI, VIX đều có mức giảm lớn hơn 4,1%.

Đáng chú ý, cả 4 mã cổ phiếu này đều lọt top 10 cổ phiếu có thanh khoản lớn nhất toàn thị trường, trong đó SSI dẫn đầu với 18,33 triệu cổ phiếu được giao dịch, tương đương giá trị 527 tỷ đồng.

Tương tự là cổ phiếu bất động sản và ngân hàng. Đối với ngân hàng, chỉ có duy nhất 3 mã tăng điểm là PGB (1,6%), SGB (0,8%) và LPB (0,6%), trong khi có tới 19 mã giảm điểm với nhiều cái tên đáng chú ý như EIB (-1,7%), OCB (-2,2%), MSB (-3%), SSB (-3,6%)…

Cổ phiếu bất động sản cũng chỉ lác đác vài mã tăng điểm, đều là các cổ phiếu quy mô bé. Ở chiều ngược lại, nhiều cổ phiếu trụ của ngành lại giảm điểm đáng kể như DIG (-2%), NVL (-2%), DXS (-2,1%), TCH (-2,2%), PDR (-2,4%), DXG (-2,5%)…

Đi ngược lại xu thế chung của thị trường, cổ phiếu dầu khí có phiên giao dịch tích cực hơn cả với hàng loạt mã tăng điểm mạnh như PVB tăng trần (9,9%), PVC tăng 6,6%. Hàng loạt mã tăng điểm đáng chú ý khác là PSH (2,6%), OIL (2%), PVD (1,7%), PVS (1,7%)…

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.