Thanh toán không tiền mặt muốn phát triển phải có truyền thông

thanh toán Việt nAM
14:42 - 11/03/2022
Thanh toán không tiền mặt muốn phát triển phải có truyền thông
0:00 / 0:00
0:00
Tại hội thảo “Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa Việt Nam” sáng 11/3, các chuyên gia đều khẳng định tầm quan trọng của việc phát triển thẻ tín dụng nội địa, thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, truyền thông mang ý nghĩa "sống còn".

Ông Nguyễn Ngọc Hiển - Uỷ viên đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Lao Động cho rằng, suốt 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy người dân dần thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng tiền mặt và chuyển sang sử dụng thẻ tín dụng trong mua sắm. Sự ra đời của Thẻ tín dụng nội địa do NAPAS phối hợp các ngân hàng và công ty tài chính Việt Nam phát hành như một mũi tên trúng hai đích: Vừa là phương tiện thanh toán, vừa là công cụ giải ngân tín dụng.

Theo thống kê, đến 31/12/2021, có 12/46 tổ chức phát hành thẻ (TCPHT) phát hành thẻ tín dụng nội địa (tăng 50% về số lượng so với năm 2019). Số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến 31/12/2021 đạt trên 475 nghìn thẻ (tăng 61,7% so với cuối năm 2019). Trong giai đoạn 5 năm 2017-2021, số lượng thẻ tín dụng nội địa đạt mức tăng trưởng bình quân 23,2%/năm, cao hơn thẻ tín dụng quốc tế là 17,18%/năm.

Ảnh tác giả

Thực tế đã chứng minh việc đẩy mạnh thẻ tín dụng nội địa mang lại lợi ích cho toàn nền kinh tế. Một mặt vừa tránh lệ thuộc tổ chức thanh toán nước ngoài, mặt khác thúc đẩy ngân hàng sớm hoàn thiện và làm chủ hệ thống thanh toán, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây cũng là công cụ tốt để đẩy lùi hoạt động tín dụng đen.

Ông Nguyễn Ngọc Hiển - Uỷ viên đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Tiềm năng thị trường thẻ tín dụng tại Việt Nam

Theo Báo cáo nghiên cứu Hành vi & thói quen sử dụng sản phẩm ngân hàng (Banking Product U&A Report) năm 2021 của công ty nghiên cứu thị trường Mibrand, dựa trên khảo sát 600 người tiêu dùng tại Hà Nội & TP.HCM cho thấy, mặc dù mức độ sử dụng thẻ tín dụng còn thấp với 46%, nhưng đây lại là sản phẩm có tiềm năng phát triển tốt.

Cũng theo báo cáo này, số lượng người đang có nhu cầu và cân nhắc sử dụng thẻ tín dụng trong tương lai chiếm khá cao với 34%. Do đó, ông Nguyễn Quang Minh - Phó Tổng Giám đốc NAPAS tin tưởng, việc thông tin, phát triển thẻ tín dụng nội địa và đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam trong bối công nghệ 4.0 đang xâm chiếm cuộc sống con người còn rất nhiều dư địa để kỳ vọng.

Bài toán đặt ra lúc này là làm cách nào để người dân hiểu về lợi ích của việc sử dụng thẻ tín dụng nội địa và sẽ thay đổi thói quen, ưu tiên dùng sản phẩm thẻ tín dụng của Việt Nam.

Thanh toán không dùng tiền mặt không thể phát triển nếu thiếu truyền thông

Ảnh tác giả

Nếu khách hàng đã sử dụng thanh toán điện tử không dùng tiền mặt rồi thì sẽ chắc chắn không bao giờ quay trở lại dùng tiền mặt. Nhưng để họ sử dụng lần đầu thì chỉ có truyền thông mới làm được điều đó.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng

Theo đó, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng đề nghị các TCPHT và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, tập trung, thực hiện có hiệu quả nội dung liên quan đến phát hành thẻ nội địa.

Cụ thể, đẩy mạnh công tác truyền thông rộng rãi cho các khách hàng về thông tin, quy trình phát hành của các dòng thẻ tín dụng nội địa. Xây dựng và triển khai chính sách phí phù hợp với điều kiện phát triển thẻ tín dụng nội địa.

Ngoài ra, tích cực triển khai các sản phẩm thẻ, dịch vụ ngân hàng theo hướng số hoá các sản phẩm thẻ, tự động hoá các quy trình.

Bên cạnh đó, mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ liên thông vào tất cả dịch vụ, lĩnh vực trong nền kinh tế. Tiếp tục nghiên cứu thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán thẻ tín dụng tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn liền với Chính sách toàn diện tài chính quốc gia, tạo điều kiện cho các đối tượng yếu thể trong xã hội tiếp cận, hưởng tiện ích của dịch vụ ngân hàng hiện đại, đảm bảo phát triển cân bằng, hài hoà trong nền kinh tế, toàn quốc gia và lãnh thổ Việt Nam.

Tin liên quan

Đọc tiếp