Tháo gỡ khó khăn, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu của doanh nghiệp

DOANH NGHIỆP pháp luật
13:32 - 20/12/2022
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh.
0:00 / 0:00
0:00
Việc tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn về pháp lý giúp doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh.

Sáng 20/12, Bộ Tư pháp (Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025) tổ chức Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 với chủ đề: “Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý: Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển”.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, Diễn đàn này là cơ hội để cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp “cùng nhau lắng nghe”; cùng ngồi lại để xác định rõ một số vướng mắc, khó khăn về mặt pháp lý liên quan tới hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp đặt trong bối cảnh hiện nay. Từ đó, có thể đề xuất các kiến nghị, giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đánh giá, trong gần 3 năm qua, tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp với nhiều thách thức lớn nổi lên ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninh, xã hội. Trong bối cảnh đó, cộng đồng doanh nghiệp phải đương đầu với vô vàn khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng, gián đoạn hoạt động sản xuất-kinh doanh, chi phí gia tăng, thị trường biến động bất lợi...

Phó Thủ tướng khẳng định, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh và phát triển bền vững sau đại dịch là nhiệm vụ rất quan trọng, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm. Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao việc các cơ quan Nhà nước chủ động, tích cực đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có việc tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn về pháp lý, nhằm giúp doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh.

Các diễn giả thảo luận về tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp.

Các diễn giả thảo luận về tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp.

Về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá các lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương ngày càng quan tâm nhiều hơn đến công tác này. Riêng trong năm 2022, qua tổng kết, ngành tư pháp đã rà soát gần 28.000 văn bản để từ đó kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi, hoặc bãi bỏ gần 6.000 văn bản.

Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 do Bộ Tư pháp chủ trì, các chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành của các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm cung cấp thông tin pháp lý, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và hỗ trợ tư vấn pháp luật cho nhiều doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng cũng phải nhìn nhận thẳng thắn, thực tế doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chương trình, dịch vụ hỗ trợ pháp lý. Hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ, tư vấn pháp luật ở một số nơi chưa cao. Nguồn lực dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và người dân còn hạn chế.

Trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, Phó Thủ tướng Thường trực cho biết yêu cầu về chất lượng và nội dung hỗ trợ, tư vấn pháp lý sẽ ngày càng cao hơn, đòi hỏi thời gian nhanh hơn. Từ đó đặt các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp lý trước các nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn, trách nhiệm ngày càng lớn hơn.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung nghiên cứu các ý kiến, khó khăn, vướng mắc được nêu tại Diễn đàn để xây dựng lộ trình, phương án giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc một cách cụ thể, kịp thời, hiệu quả.

Cùng đó, tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; chủ động nhận diện, trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ pháp lý, kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu của doanh nghiệp.

Tin liên quan

Đọc tiếp