Thí điểm cấp visa dài hạn để thu hút khách du lịch cao cấp

visa DU LỊCH
14:22 - 24/02/2024
Ảnh minh họa: Thảo Ngân
Ảnh minh họa: Thảo Ngân
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu thí điểm cấp thị thực (visa) dài hạn, nhập cảnh nhiều lần từ 12-36 tháng để thu hút các phân khúc thị trường khách du lịch cao cấp, khách nghỉ hưu có khả năng chi tiêu cao tại một số thị trường mục tiêu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 23/2/2024 về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới.

Tại chỉ thị, Thủ tướng đưa ra một số yêu cầu, gợi ý về thị thực nhằm gia tăng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, áp dụng các giải pháp về tự động hóa trong giải quyết thủ tục cho người nước ngoài nhập cảnh, cư trú và du lịch an toàn tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng được giao nhiệm vụ nghiên cứu đề xuất và áp dụng thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh trực tuyến thông qua nhận diện khuôn mặt (FaceID) và hộ chiếu điện tử (E-Passport) để tạo sự thuận lợi, nhanh chóng cho khách du lịch. Xem xét thí điểm việc cấp visa cửa khẩu trên cơ sở xét duyệt nhân sự tại chỗ cho khách du lịch quốc tế.

Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan đề xuất các chính sách ưu đãi về xuất cảnh, nhập cảnh có điều kiện đối với một số thị trường quốc tế truyền thống, tiềm năng, có trình độ phát triển cao, chi tiêu du lịch lớn và thời gian lưu trú dài ngày vào các địa bàn du lịch trọng điểm của Việt Nam và những địa phương có hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, thuận lợi.

Đồng thời, mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương, thí điểm miễn thị thực trong thời gian ngắn hạn (từ 6-12 tháng) cho khách du lịch từ một số thị trường có quy mô lớn, chi tiêu cao, thí điểm cấp thị thực dài hạn, nhập cảnh nhiều lần (12-36 tháng) để thu hút các phân khúc thị trường khách du lịch cao cấp, khách nghỉ hưu có khả năng chi tiêu cao đến từ một số thị trường mục tiêu như Châu Âu, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, Ấn Độ và một số nước khu vực Trung Đông.

Ngoài chính sách thị thực, để ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân bổ nguồn lực cho ngành du lịch, đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng đầu vào của ngành du lịch, hình thành chuỗi giá trị du lịch, liên kết du lịch quốc gia và toàn cầu đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển lực lượng doanh nghiệp, hình thành nhiều doanh nghiệp du lịch có thương hiệu mạnh, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh du lịch ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số và tiếp cận các nguồn vốn. Triển khai hiệu quả các mô hình quản trị, hợp tác công - tư trong phát triển du lịch.

Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai các nội dung của Chương trình hành động du lịch xanh Quốc gia, nghiên cứu xây dựng hệ thống chứng nhận du lịch xanh đạt chuẩn quốc tế về sản phẩm và thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam.

Bộ VHTT&DL cũng cần tăng cường kết nối hạ tầng dịch vụ, hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm, giữ chân khách du lịch, khai thác phân khúc thị trường khách theo các sản phẩm chuyên đề mà Việt Nam có thế mạnh như du lịch hội nghị - hội thảo - sự kiện, du lịch golf, du lịch về đêm, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch ẩm thực, sức khỏe...

Hướng dẫn các địa phương phát triển điểm đến đẳng cấp và đa trải nghiệm với các sản phẩm du lịch sáng tạo, đặc thù, có tính liên vùng, liên địa phương để thu hút và giữ chân du khách, phát triển đồng bộ cả du lịch bình dân, cao cấp và đặc biệt cao cấp; đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa để thúc đẩy du lịch.

Thủ tướng cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch các địa phương hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trong việc chuyển đổi các hoạt động phù hợp với du lịch trong tình hình mới, các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ du lịch và cộng đồng doanh nghiệp du lịch bảo đảm chất lượng dịch vụ, tôn trọng quyền lợi của khách hàng và cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh.

Đọc tiếp