Thu ngân sách từ dầu thô quý I vượt hơn 50% so với dự toán cho cả năm 2022

TÀI CHÍNH Việt nAM
14:20 - 14/04/2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo Bộ Tài chính, quý I/2022 thu ngân sách Nhà nước đạt 460,6 nghìn tỷ đồng, bằng 32,6% dự toán, tăng 7,7% so cùng kỳ năm 2021. Nhờ giá dầu tăng cao nên số thu từ dầu thô trong 3 tháng đạt 14,7 nghìn tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ 2021.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính công bố ngày 13/4, thu ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 3 đạt 132,58 nghìn tỷ đồng, lũy kế thu quý I/2022 đạt 460,6 nghìn tỷ đồng, bằng 32,6% dự toán và tăng 7,7% so cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, nhờ giá dầu tăng cao, các khoản thu từ dầu thô đạt 52,3% dự toán cả năm 2022, tăng 67,6%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 35,5% dự toán, tăng 23,3%. Nếu giữ nguyên tốc độ thu NSNN như trên, Bộ Tài chính sẽ hoàn tất chỉ tiêu dự toán thu NSNN trong 3 quý.

Bên cạnh đó, có 3 khoản thu tiến độ đạt thấp là thu cấp quyền khai thác khoáng sản (đạt 17,4% dự toán); thu quỹ đất công ích và hoa lợi công sản khác (đạt 22,5%) và thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước (đạt 22,8% dự toán) chủ yếu do chưa phát sinh thu tiền bán vốn NSNN đầu tư tại các doanh nghiệp.

Cập nhật số liệu thu trên hệ thống Tabmis, Bộ Tài chính cho biết tổng thu NSNN đến hết ngày 03/4/2022 đạt 484,9 nghìn tỷ đồng, bằng 34,35% dự toán; trong đó thu ngân sách Trung ương đạt 34,15% dự toán, thu ngân sách địa phương đạt 34,58% dự toán.

Tổng chi NSNN quý I/2022 đạt 351,3 nghìn tỷ đồng, bằng 19,7% dự toán. Trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; chi trả nợ lãi đạt 28,8% dự toán; chi thường xuyên đạt 23,4% dự toán.

Các nhiệm vụ chi ngân sách được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ NSNN.

Riêng về chi đầu tư phát triển, tổng số kế hoạch vốn năm 2022 Thủ tướng Chính phủ đã giao là 518,1 nghìn tỷ đồng, các địa phương đã giao tăng khoảng 39,9 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (từ các nguồn tăng thu, kết dư ngân sách địa phương…)

Đến hết quý I, các bộ, cơ quan Trung ương đã phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đạt 97,86% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Do vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia chưa được giao kế hoạch và một số dự án khởi công mới đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục đầu tư, đấu thầu, chấm thầu, thương thảo hợp đồng,... nên tiến độ giải ngân vốn quý I chậm, nhất là vốn ngoài nước chỉ đạt xấp xỉ 1% kế hoạch.

Cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến ngày 25/3/2022, đã thực hiện phát hành 41,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 15,85 năm, lãi suất bình quân 2,39%/năm.

Có được kết quả quả này, theo Bộ Tài chính, là do Cơ quan Thuế đã tăng cường công tác quản lý thu NSNN; kiểm tra, rà soát số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trên địa bàn để đưa vào quản lý thuế, kiểm soát chặt chẽ tình hình sản xuất- kinh doanh, kê khai, nộp thuế của doanh nghiệp, quản lý hóa đơn bán hàng, chống thất thu ngân sách; kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng, đảm bảo đúng chính sách, quy định pháp luật.

Tin liên quan

Đọc tiếp