Bộ Tài chính: Thu ngân sách 2 tháng đầu năm ước đạt hơn 323 nghìn tỷ đồng

TÀI CHÍNH Việt nAM
21:45 - 04/03/2022
Bộ Tài chính: Thu ngân sách 2 tháng đầu năm ước đạt hơn 323 nghìn tỷ đồng
0:00 / 0:00
0:00
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước trong tháng 2/2022 ước đạt 138,5 nghìn tỷ đồng; lũy kế thu 2 tháng đạt 323,8 nghìn tỷ đồng, bằng 22,9% dự toán và tăng 10,8% so cùng kỳ 2021.

Theo đó, thu nội địa tháng 2 ước đạt 114,6 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 73,8% số thu tháng 1. Lũy kế 2 tháng đầu năm, thu nội địa ước đạt 270,8 nghìn tỷ đồng, bằng 23% dự toán, tăng 7,6% so cùng kỳ năm 2021.

Thu từ dầu thô 2 tháng đạt xấp xỉ 8,1 nghìn tỷ đồng, bằng 28,6% dự toán, tăng hơn 57% so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu do giá dầu bình quân 2 tháng tăng. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 2 tháng ước đạt 45 nghìn tỷ đồng, bằng 22,6% dự toán, tăng so với cùng kỳ.

Trong số các khoản thu, có 8/12 khoản đảm bảo tiến độ dự toán, đạt trên 17% tiến độ. Trong đó các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh tuy đạt khá hơn nhưng vẫn ở mức thấp hơn so với năm 2021

Khoản thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 20,4% dự toán (giảm 0,2% so với cùng kỳ), thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 22,7% dự toán (giảm 12,8%), thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 25,8% dự toán, (giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2021...)

Có 60 địa phương thực hiện thu nội địa đảm bảo tiến độ dự tháng trong 2 tháng đầu năm. Trong đó số địa phương đạt 20% dự toán là 44, ngoài ra có 34/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ, còn lại là 28 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ 2021.

Bộ Tài chính dự đoán, trong điều kiện tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, áp lực tăng giá cả tăng cao, đặc biệt là giá nhiên liệu; kết hợp với việc triển khai các giải pháp miễn, giảm, gia hạn thuế để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến sẽ ảnh hưởng lớn đến số thu ngân sách trong thời gian tới.

Trong khi đó, tổng chi NSNN 2 tháng đạt 228,2 nghìn tỷ đồng, bằng 12,8% dự toán, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 8,61% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; chi trả nợ lãi đạt 19,6% dự toán; chi thường xuyên đạt 14,7% dự toán.

Riêng tiến độ giải ngân vốn 2 tháng đầu năm mặc dù tăng 89,9% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng chỉ đạt 8,5% dự toán Quốc hội quyết định, do trong 2 tháng đầu năm các bộ, ngành, địa phương chủ yếu tập trung triển khai phân bổ kế hoạch vốn được giao, kết hợp với thời gian nghỉ tết Nguyên đán dài, ảnh hưởng đến công tác thực hiện và giải ngân vốn đầu tư.

Do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách, nên về tổng thể cân đối NSNN 2 tháng có thặng dư (thu lớn hơn chi). Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước, vừa đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn và góp phần định hướng sự phát triển của thị trường, cơ cấu lại nợ công. Lũy kế 2 tháng đã thực hiện phát hành trái phiếu Chính phủ được 32,46 nghìn tỷ đồng.

Cơ quan hải quan cũng đã chủ động tăng cường kiểm tra sau thông quan; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tích cực xử lý, thu hồi nợ đọng thuế.

Cơ quan kho bạc nhà nước (KBNN) cũng tăng cường công tác kiểm soát chi NSNN, đảm bảo đúng chính sách, chế độ, tạo thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư. Đồng thời, KBNN chủ động quản lý, điều hành, sử dụng ngân quỹ nhà nước, đảm bảo an toàn, hiệu quả, đáp ứng kịp thời các nhu cầu chi của ngân sách các cấp, các đối tượng gửi tiền tại KBNN.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.