Thủ tướng Chính phủ: 'Đồng cam cộng khổ, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ' để vượt qua đại dịch

CHÍNH SÁCH Việt nAM
13:24 - 21/02/2022
Thủ tướng Chính phủ: 'Đồng cam cộng khổ, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ' để vượt qua đại dịch
0:00 / 0:00
0:00
Tai Diễn đàn VBF, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định phải thực hiện nhanh và hiệu quả Chương trình phục hồi trên tinh thần lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, động lực và mục tiêu cho sự phát triển

Sáng 21/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) lần thứ 24, chủ đề “Phục hồi kinh tế và Phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới”.

Diễn đàn được chủ trì bởi Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, Quyền Giám đốc Quốc gia cấp cao Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) Amy N. Luinstra và Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công. Tham dự diễn đàn còn có đại diện nhiều Bộ, ban ngành và Hiệp hội Doanh nghiệp các nước tại Việt Nam.

Toàn cảnh phiên cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) lần thứ 24 (Ảnh: VGP)
Toàn cảnh phiên cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) lần thứ 24 (Ảnh: VGP)

“Đồng cam cộng khổ, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” để vượt qua đại dịch

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định sau 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử: “Đất nước Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày hôm nay”.

Theo Thủ tướng Chính phủ, nền kinh tế vượt qua năm 2021 khó khăn là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của người dân và doanh nghiệp cùng sự giúp đỡ của bạn bè năm châu, các tổ chức quốc tế.

Trong đó, một tinh thần lớn nhất mà Thủ tướng Chính phủ đem đến các cuộc đối thoại với các hiệp hội doanh nghiệp cũng như các doanh nghiệp lớn đầu tư tại Việt Nam trong thời điểm khó khăn nhất của năm 2021 là “đồng cam cộng khổ, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Ảnh tác giả

"Trong lúc khó khăn, gần như tôi đáp ứng tất cả yêu cầu đối thoại của các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp lớn đầu tư tại Việt Nam với tinh thần "đồng cam cộng khổ, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"... Chúng ta rất hiểu nhau, rất tôn trọng nhau, rất lắng nghe ý kiến của nhau".

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

“Trong điều kiện thiếu thốn vaccine, không có thuốc chữa bệnh, kinh nghiệm thì ít, chúng tôi cũng có những bị động và lúng túng, buộc phải dùng đến các biện pháp hành chính để chống dịch với ưu tiên bảo vệ tính mạng người dân trên hết. Điều này gây ra những ảnh hưởng cho nền kinh tế trong suốt quý III, dẫn đến chuỗi cung ứng gián đoạn.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sau Hội nghị Trung ương 4, những quyết sách quan trọng trong việc thay đổi tư duy và biện pháp chống dịch đã được đưa ra”, Thủ tướng chia sẻ tại Diễn đàn VBF về những khó khăn lớn của năm 2021.

Xác định chuyển từ “Zero COVID” sang sống chung với dịch, Đảng và Nhà nước thời điểm đó đã nhanh chóng thành lập quỹ vaccine, tiến hành một chiến dịch tiêm chủng vaccine quy mô lớn nhất từ trước đến nay để tạo nền tảng cho chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch. Nghị quyết 128 ban hành ngày 11/10/2021 được nhận định như một bước ngoặt lớn.

Kết quả là đến quý IV/2021, tăng trưởng GDP đã trở lại mức 5,22% sau quý III giảm tốc kỷ lục, từ đó đưa tăng trưởng GDP cả năm lên 2,58%. Lạm phát cả năm ở mức 1,84%, nền kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm tăng 22,6% so với năm 2020 và đạt mức kỷ lục 668,5 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước vượt 16,4% dự toán. Các công cụ chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ, bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế.

Dựa trên kinh nghiệm của năm 2021, Thủ tướng Chính phủ rút ra 4 bài học quý báu.

Bài học đầu tiên: càng khó khăn thì tinh thần đoàn kết dân tộc càng được nâng cao, trong tình huống như vậy cần bình tĩnh sáng suốt chọn con đường phù hợp và tổ chức thực hiện hiệu quả.

Đồng thời, cần tiếp tục xây dựng nền kinh tế tự chủ, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kết hợp hài hòa chính sách tài khóa và tiền tệ, duy trì các chuỗi cung ứng nguyên vật liệu ổn định, tránh đứt gãy.

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy cách tiếp cận toàn cầu, kêu gọi đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, nhất là trong việc giải quyết các vấn đề có tính toàn cầu như dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu.

Bài học cuối cùng là duy trì cách tiếp cận toàn dân, thúc đẩy sự đoàn kết toàn dân, sự chung tay góp sức của toàn dân; lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là động lực, là mục tiêu cho sự phát triển.

Thủ tướng đồng thời bày tỏ sự chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước trong thời gian chung tay chống dịch. “Đã có những mất mát, thiệt thòi và hy sinh. Chúng tôi trân trọng, ghi nhận và đánh giá cao những hy sinh đó. Rất mong các bạn tiếp tục đồng hành với chúng tôi, phục hồi sao cho nhanh, phát triển sao cho bền vững. Rủi ro đã chia sẻ rồi, thì lợi ích chúng ta sẽ hài hòa”.

Chương trình phục hồi lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm

Nhận định tại Diễn đàn VBF, Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho rằng, chúng ta đang sống trong một thế giới bất định với nhiều diễn biến khó lường và phải chấp nhận rằng đại dịch chưa thể kết thúc ngay.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước trong năm 2022 là thực hiện Chương trình tổng thể về phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

“Năm 2022, ta vẫn phải triển khai những công việc thường xuyên, nhưng công việc thường xuyên của năm 2022 rất khác so với trước đây. Ta phải phục hồi sau một trận đại dịch trong một điều kiện bình thường mới”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Liên quan đến chương trình tổng thể về phòng chống dịch COVID-19, 3 trụ cột trọng tâm vẫn là cách ly, xét nghiệm và điều trị, nhưng cách ly xét nghiệm và điều trị của năm 2022 khác hẳn 2021 trên cơ sở chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch. Công thức chống dịch dựa trên “5K” kết hợp với vaccine, các biện pháp điều trị và công nghệ số.

Về phía Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ngày 30/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội liên quan đến gói chính sách tài khóa - tiền tệ trị giá 347 nghìn tỷ đồng hỗ trợ Chương trình.

Trong khuôn khổ Diễn đàn VBF, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo: “Phục hồi phải nhanh, phát triển phải bền vững. Ngân sách chi khoảng 4% GDP cho Chương trình nhưng chỉ tập trung vào một số nhiệm vụ quan trọng bao gồm: Nâng cao năng lực y tế, an sinh xã hội, giúp đỡ người dân khó khăn trong đó có các thành phần yếu thế, giúp đỡ doanh nghiệp, phục hồi thị trường lao động, đầu tư cơ sở hạ tầng.”

Ảnh tác giả

“Tất nhiên 4% GDP không nhiều nhưng phải làm sao hấp thụ có hiệu quả trên tinh thần lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là động lực, là mục tiêu cho sự phát triển”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Tin liên quan

Đọc tiếp