Thư viện tư nhân 400 năm tuổi tại Trung Quốc

Thư viện TRUNG QUỐC
17:23 - 10/12/2022
Là một trong những thư viện tư nhân lâu đời nhất nằm trên Trung Quốc đại lục, thư viện Tianyi Pavilion nằm tại Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang đã tồn tại được hơn 400 năm và vẫn đang được bảo quản rất tốt.

Lịch sử của thư viện này được bắt đầu khi Fan Qin, một vị quan lớn dưới thời Hoàng đế Gia Tĩnh nhà Minh (1368-1644), nghỉ hưu vào năm 1560 và trở về quê hương Ninh Ba. Là một người yêu thích sách, ông đã dành ra 5 năm để xây dựng một tòa nhà 2 tầng, đặt tên là Tianyi Pavilion để lưu trữ bộ sưu tập sách của mình.

Tới năm 1585 khi tròn 80 tuổi, ông đã phân chia tài sản của mình thành 2 phần bao gồm tiền tiết kiệm và thư viện với 70.000 cuốn sách cho các con mình lựa chọn. Người chọn thư viện sẽ có trách nhiệm gánh vác và bảo vệ nó.

Hiểu rằng cha mình đang lo lắng về bộ sưu tập các quyển sách quý, con cả của ông là Fan Dachong đã quyết định tiếp tục nhiệm vụ bảo vệ thư viện. Kể từ đó, gia đình này đã thiết lập quy tắc con cháu không được phân chia bộ sưu tập sách và đồng thời vĩnh viễn không bao giờ mang sách ra khỏi thư viện.

Ngoài các phương pháp bảo quản truyền thống, gia đình này còn thiết lập các quy tắc nghiêm ngặt để quản lý thư viện của mình, trong đó có quy định cấm mọi người đến thư viện sau khi uống rượu. Để tránh hỏa hoạn xảy ra, xung quanh phạm vi thư viện được đào 1 cái ao trong khi tường cũng được xây bằng gạch.

Tianyi Pavilion chứa khoảng 300.000 cuốn sách ngày nay. Ảnh: imaginechina

Tianyi Pavilion chứa khoảng 300.000 cuốn sách ngày nay. Ảnh: imaginechina

Thư viện này đã từng được mở cửa với một số học giả nổi tiếng, trong đó có nhà sử học Hoàng Tông Hy (1610 - 1695) thời nhà Thanh.

Trong Chiến tranh nha phiến lần thứ 1 (1840-1842), thư viện bị đột nhập và hàng chục cuốn sách có giá trị bị cướp. Năm 1914, một tên trộm sách khét tiếng tên là Xue Jiwei đã lẻn vào và lấy trộm gần một nghìn cuốn sách từ thư viện Tianyi Pavilion trong khi vào năm 1933, thư viện này tiếp tục bị một cơn bão mạnh tấn công.

Do gia đình Fan không có tiền để khắc phục thiệt hại, chính quyền địa phương đã vào cuộc để giúp đỡ. Sau năm 1949, thư viện nhận quyên góp và các đầu sách khác, hoàn thành cải tạo vào năm 1981 và trở thành bảo tàng vào năm 1994.

Theo China Daily trích dẫn chia sẻ của ông Zhuang Lizhen, giám đốc hiện tại của Tianyi Pavilion, việc bảo quản bộ sưu tập sách trong nhiều năm là một nhiệm vụ khó khăn. Đồng thời, ông đánh giá cao các nỗ lực, sự kiên cường và tình yêu của gia đình Fan với thư viện và sách.

Ngoài Trung Quốc, châu Âu cũng là nơi bảo tồn nhiều thư viện cổ. Năm 1454, thư viện Malatestiana, hay Biblioteca Malatestiana được mở cửa cho công chúng. Bên cạnh các tác phẩm về văn hóa thời trung cổ, thư viện này còn sưu tập nhiều sách về tiếng Latin, tiếng Hy Lạp và tiếng Do Thái, cùng những cuốn sách khác.

Dù là thư viện công cộng nhưng độc giả không được mang sách ra ngoài. Trong 5 thế kỷ qua, 343 bản viết tay thuộc các nguồn gốc và thời đại khác nhau đã được bảo quản kỹ càng tại đây. Tới năm 2005, thư viện này đã được đưa vào danh sách di sản "ký ức thế giới" của UNESCO.

Mặt khác khoảng 120 năm sau khi thành lập thư viện Malatestiana, một thư viện lịch sử khác là thư viện Laurentian, hay Biblioteca Medicea Laurenziana được khai trương tại Florence. Dưới sự bảo trợ của gia đình Medici, thư viện được thiết kế bởi Michelangelo Buonarroti. Thư viện hiện là nơi lưu giữ hơn 11.000 bản thảo, không chỉ là một trong những thư viện lâu đời nhất trên thế giới mà còn là một ví dụ tuyệt vời về sự kết hợp giữa nghệ thuật và kiến trúc.

Theo ông Zhuang, tuy thư viện Tianyi Pavilion cách xa những thư viện cổ nhất tại châu Âu và hoàn cảnh văn hóa xã hội ở 2 nước cũng khác nhau, mọi người đều gánh vác trách nhiệm bảo tồn di sản văn hóa.

Thư viện Tianyi Pavilion còn có rừng trúc. Ảnh: Nablazzz

Thư viện Tianyi Pavilion còn có rừng trúc. Ảnh: Nablazzz

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu này, 3 giám đốc các thư viện cổ tại Trung Quốc và châu Âu đã cùng ký kết “Thỏa thuận Ninh Ba”. Thỏa thuận này xác định rằng: "Bất kể thế giới thay đổi như thế nào và các phương tiện bảo tồn văn hóa phát triển như thế nào, sách luôn là một trong những phần quý giá nhất của nền văn minh nhân loại. Thư viện, con đường chính để bảo tồn các bộ sưu tập sách, có giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc”.

Vì vậy, các giám đốc này cho biết sẽ hợp tác bảo vệ các thư viện, nghiên cứu các bộ sưu tập sách và thúc đẩy văn hóa sách, đặc biệt là trong thời kỳ hiện đại.

Để theo đuổi sự phát triển chung của các thư viện cổ đại, các thư viện này sẽ khởi động nhiều hoạt động truyền thông khác nhau, chẳng hạn như các chuyến thăm và triển lãm trao đổi, đồng thời xây dựng một nền tảng rộng lớn để tăng cường hợp tác.

Ngoài ra, ba thư viện cũng kêu gọi nỗ lực hơn nữa để xây dựng một liên minh thư viện thế giới nhằm thúc đẩy giao tiếp giữa các tổ chức trên toàn thế giới, để những cuốn sách cổ có thể mang lại lợi ích cho mọi người trong thời đại hiện đại.

Sách thời nhà Minh bên trong thư viện. Ảnh: Gisling

Sách thời nhà Minh bên trong thư viện. Ảnh: Gisling

Đọc tiếp