Thương mại Việt - Thái tăng trưởng kỷ lục nhưng chưa cân bằng

Thương Mại Việt nAM
13:24 - 26/01/2022
Tuần hàng hóa Việt Nam tại Thái Lan năm 2021. Ảnh: TTXVN
Tuần hàng hóa Việt Nam tại Thái Lan năm 2021. Ảnh: TTXVN
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2021, thương mại song phương Việt Nam – Thái Lan đạt 18,7 tỷ USD. Tuy nhiên, cán cân thương mại hai chiều lại chưa có sự đồng đều khi nhập khẩu từ Thái Lan đạt 12,5 tỷ USD, ngược lại Việt Nam chỉ xuất khẩu được 6,1 tỷ USD.

Năm 2021, lần đầu tiên thương mại Việt Nam – Thái Lan đạt 18,7 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020. Con số này được ghi nhận là mức cao nhất kể từ khi hai nước bắt đầu mối quan hệ song phương từ năm 1986 đến nay. Hiện nay, Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á và nhà đầu tư đứng thứ 9 của Việt Nam.

Các mặt hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan năm 2021 bao gồm điện thoại các loại và linh kiện đạt 938 triệu USD (tăng 35% so với cùng kỳ); dầu thô đạt 577 triệu USD (tăng 87%); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 543 triệu USD (tăng 24%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 506 triệu USD (tăng 12,6%); phương tiện vận tải phụ tùng đạt 477 triệu USD (tăng 20,7%).

Về nông sản, Việt Nam xuất khẩu hàng thủy sản sang Thái Lan đạt 266 triệu USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ; hàng rau quả đạt 147 triệu USD, giảm 6,2%; hạt điều 55 triệu USD, tăng 0,7%.

Ở chiều ngược lại, ô tô nguyên chiếc các loại Việt Nam nhập khẩu từ Thái Lan đạt 1,5 tỷ USD, tăng 40,6%; mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 1,2 tỷ USD, tăng 22,5%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 927 triệu USD, giảm 0,3%...

Tăng trưởng ổn định nhưng chưa cân bằng

Theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, thương mại song phương Việt Nam – Thái Lan trong thời gian qua có sự tăng trưởng ổn định, phát triển mạnh mẽ. Cụ thể tăng từ 6,8 tỷ USD năm 2010 lên 16 tỷ USD năm 2020, và đạt đỉnh vào năm 2021. Tốc độ tăng trưởng bình quân trong một thập kỷ qua đạt mức 9,3%/năm, là mức tăng trưởng cao so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam với Thái Lan dù ổn định nhưng chưa cân bằng. Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong năm 2021 xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Thái Lan đạt 6,1 tỷ USD; trong khi đó xuất khẩu từ Thái Lan sang Việt Nam đạt 12,5 tỷ USD, gấp đôi so với kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam.

Trong đó, Thái Lan xuất khẩu ô tô nguyên chiếc chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nhập khẩu hàng hóa từ nước này vào Việt Nam. Hiện Thái Lan là thị trường nhập khẩu lớn nhất về ô tô nguyên chiếc các loại. Theo Tổng cục Hải quan, năm 2021 Việt Nam nhập khẩu ô tô nguyên chiếc các loại từ Thái Lan đạt 80.903 chiếc, chiếm 50% lượng nhập khẩu ô tô của Việt Nam.

Ngoài ra, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu từ Thái Lan vẫn chiếm tỷ trọng cao. Cụ thể, chất dẻo nguyên liệu đạt 945 triệu USD, chiếm 7,5% trong tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa từ Thái Lan ; xăng dầu các loại đạt 733 triệu USD, chiếm 5,8%; linh kiện, phụ tùng ô tô đạt 834 triệu USD, chiếm 6,6%...

Bên cạnh đó, sự mất cân bằng cũng xuất phát từ việc Thái Lan có các biện pháp hạn chế thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam. Đặc biệt với các mặt hàng nông sản, vốn là các mặt hàng chủ lực của Việt Nam là nông sản vẫn chưa có khả năng thâm nhập sâu vào thị trường Thái Lan.

Cụ thể, hàng thủy sản chiếm 4,3% tổng giá trị xuất khẩu sang Thái Lan; hàng rau quả chiếm 2,3%; hạt điều chiếm 0,8%... Với mặt hàng cà phê, Việt Nam là một trong hai thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới nhưng chỉ đạt 65 triệu USD. Hạt tiêu năm 2021 cũng chỉ đạt 22 triệu USD.

Nhằm cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước trong thời gian tới, trong buổi làm việc giữa Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên với Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam ngày 25/1 vừa qua, Bộ trưởng đã đề nghị phía Thái Lan thúc đẩy việc nhập khẩu, phân phối các sản phẩm nông sản của Việt Nam vào nước này. Trong đó bao gồm việc đẩy nhanh các thủ tục cấp phép, mở cửa thị trường cho một số loại trái cây tiềm năng của Việt Nam như bưởi, na, vú sữa, chanh leo…

Về phía các doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị phía Thái Lan tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt tham gia, tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại như Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan… Mục đích để quảng bá thương hiệu, hình ảnh các sản phẩm Việt Nam tại thị trường này.

Hai nước sẽ tiến hành chia sẻ thông tin về cơ chế, chính sách quản lý xuất nhập khẩu, thông tin dữ liệu thị trường, nhu cầu xuất khẩu hàng hóa của hai bên.

Đồng thời, Bộ trưởng mong muốn hai nước có thể phối hợp chặt chẽ, ủng hộ các quan điểm, sáng kiến của các bên trong các cơ chế hợp tác tiểu vùng. Qua đó nâng cao vai trò, hiệu quả tham gia và thể hiện tiếng nói chung trong những vấn đề hợp tác quan trọng.

Về phía Thái Lan, Đại sứ Thái Lan đề xuất Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho một số dự án đầu tư của Thái Lan, đặc biệt là các dự án trong lĩnh vực như dược phẩm, nông nghiệp và chăn nuôi, năng lượng.

Đại sứ cũng đề xuất Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho một số sản phẩm nông nghiệp của Thái Lan được tiếp cận thị trường Việt Nam. Đồng thời Việt Nam cần tạo thuận lợi cho hoạt động của Phòng Thương mại và Công nghiệp Thái Lan tại Việt Nam nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hai nước.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nhà thờ Đức Bà tại TP HCM.

TP HCM sẽ quảng bá du lịch tại Australia

Sở Du lịch TP HCM, Đại sứ quán Việt Nam tại Australia và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney sẽ tổ chức chương trình Quảng bá Du lịch Việt Nam - TP HCM  tại hai bang New South Wales và Victoria, Australia từ ngày 13-17/5/2024.