Tiếp thu đầy đủ ý kiến về dự thảo nghị quyết hoạt động chất vấn

CHẤT VẤN QUỐC HỘI
16:50 - 24/06/2023
Tiếp thu đầy đủ ý kiến về dự thảo nghị quyết hoạt động chất vấn
0:00 / 0:00
0:00
Chiều 24/6, Quốc hội nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, ngày 18/6/2023, dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV đã được gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận ý kiến của 418 đại biểu Quốc hội, có 368 đại biểu đồng ý hoàn toàn với dự thảo Nghị quyết, 50 đại biểu cơ bản đồng ý và có ý kiến góp ý một số nội dung cụ thể.

Đối với lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, có ý kiến cho rằng, việc đào tạo nghề và dạy văn hóa để cấp cả hai bằng cho người học chỉ có thể triển khai được sau khi sửa đổi Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật Giáo dục. Do đó, cần thể hiện lại cho phù hợp, tránh vướng mắc khi triển khai thực hiện. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, ý kiến của đại biểu Quốc hội là xác đáng, xin tiếp thu và điều chỉnh các nội dung liên quan trong dự thảo Nghị quyết.

Có ý kiến đề nghị nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ người lao động, công nhân bị ảnh hưởng mất việc, giãn việc, có hoàn cảnh khó khăn để bảo đảm cuộc sống.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo: Dự thảo Nghị quyết có nội dung yêu cầu Chính phủ "Theo dõi, thống kê đầy đủ, chính xác, kịp thời diễn biến của nền kinh tế và thị trường lao động để chủ động có giải pháp hỗ trợ kịp thời, bảo đảm an sinh xã hội, giảm bớt khó khăn cho người lao động, người sử dụng lao động" đã bao hàm ý kiến của đại biểu. Do đó, xin được giữ như dự thảo Nghị quyết.

Có ý kiến đề nghị không quy định chỉ tiêu, thời hạn thực hiện đối với việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp do đã được quy định trong Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, các chỉ tiêu, thời hạn nêu trong dự thảo Nghị quyết đã được nghiên cứu, bổ sung phù hợp với Nghị quyết của Trung ương, yêu cầu của thực tiễn và là căn cứ tổ chức thực hiện và giám sát của Quốc hội. Do đó, xin được giữ như dự thảo Nghị quyết.

Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường
Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Đối với lĩnh vực dân tộc, có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung về "thực hiện thí điểm cho phép các tổ chức, cá nhân trong nước thuê môi trường rừng đặc dụng, rừng phòng hộ để trồng cây dược liệu dưới tán rừng".

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, Luật Lâm nghiệp hiện hành chưa cho phép các tổ chức, cá nhân được thuê đất rừng đặc dụng và đất rừng phòng hộ, chỉ cho phép thuê đối với đất rừng sản xuất. Việc thực hiện thí điểm này cần phải được thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên chưa đủ điều kiện, căn cứ để đưa vào dự thảo Nghị quyết.

Có ý kiến đề nghị bổ sung hướng dẫn nguyên tắc đối với các địa phương tự cân đối, bố trí ngân sách để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và thể hiện tại khổ 4, mục 2.2 của dự thảo Nghị quyết.

Có ý kiến đề nghị bổ sung việc xây dựng dự án luật về công tác dân tộc. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, hiện nay, các chính sách dân tộc đã được quy định khá đầy đủ, đồng bộ, Chương mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng đã được Quốc hội quyết định và triển khai tích cực.

Trên cơ sở tổng kết, đánh giá các quy định về công tác dân tộc, căn cứ tình hình và yêu cầu của thực tiễn, vấn đề xây dựng dự án luật dân tộc sẽ được cân nhắc xem xét vào thời điểm phù hợp.

Đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ, có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung về nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước đối với các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, công nghệ; hoàn thiện khung số lượng và mức trần sử dụng NSNN bố trí cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia; sớm hình thành các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM; hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, các Tổng công trình sư đạt trình độ của khu vực và quốc tế.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, ý kiến của các đại biểu Quốc hội là xác đáng, xin được tiếp thu và bổ sung tại khổ 2 và khổ 3, mục 2.3 của dự thảo Nghị quyết.

Đối với lĩnh vực giao thông vận tải, có ý kiến đề nghị không quy định nội dung "nghiên cứu sửa đổi quy định pháp luật để điều chỉnh giá dịch vụ đăng kiểm, bảo đảm tính cạnh tranh lành mạnh và phù hợp với quy luật thị trường" do giá dịch vụ đăng kiểm đã được quy định cụ thể trong dự thảo Luật Giá trình Quốc hội thông qua ngày 19/6/2023.

Có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung "thí điểm mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD)".

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, không quy định nội dung về điều chỉnh giá dịch vụ đăng kiểm tại khổ 3, mục 2.4 của dự thảo Nghị quyết; bổ sung nội dung "thí điểm mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD)" tại khổ 4, mục 2.4 của dự thảo Nghị quyết.

Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung giải pháp để giảm chi phí quản lý, giảm giá vé, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của Vietnam Airlines; Tiến hành thanh tra toàn diện hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines, bảo đảm minh bạch kết quả hoạt động kinh doanh, dịch vụ.

Có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung "Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 73/2022/QH15 về thí điểm đấu giá biển số ô tô".

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, các nội dung này không thuộc nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 5. Tại phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội cũng không đặt ra các vấn đề liên quan tới Vietnam Airlines.

Về việc đấu giá biển số ô tô không trực tiếp liên quan đến nội dung bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin không bổ sung các nội dung trên trong dự thảo Nghị quyết.

Ngoài ra, có một số ý kiến góp ý cụ thể về kỹ thuật văn bản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu tiếp thu và điều chỉnh như dự thảo Nghị quyết.

Đọc tiếp