Tổng thống Đức sắp thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam

Việt nAM Đức
10:48 - 19/01/2024
Tổng thống Đức Frank- Walter Steinmeier và Phu nhân. Ảnh: Der Bundespräsident
Tổng thống Đức Frank- Walter Steinmeier và Phu nhân. Ảnh: Der Bundespräsident
0:00 / 0:00
0:00
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân, Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Frank- Walter Steinmeier và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 23-24/1. 

Theo Bộ Ngoại giao, đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier trên cương vị mới, diễn ra trong nhiệm kỳ tổng thống sẽ kéo dài đến năm 2027. Trước đó, ông Frank-Walter Steinmeier đã hai lần thăm Việt Nam vào tháng 3/2008 và tháng 10/2016 trên các cương vị Ngoại trưởng và Phó thủ tướng Đức.

Ông được đánh giá là người có nhiều đóng góp cho quan hệ hai nước và quan tâm tới sự phát triển và hội nhập của cộng đồng người Việt Nam tại Đức.

Chuyến thăm của Tổng thống Frank-Walter Steinmeier diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước phát triển tích cực, ngày càng sâu rộng, hiệu quả và toàn diện sau gần 50 năm thiết lập quan hệ (1975 - 2024).

Hai nước đã ký nhiều hiệp định tạo cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác kinh tế như: Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư, các hiệp định hàng hải, hàng không.

Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu (chiếm gần 20% xuất khẩu của Việt Nam sang EU) và cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu.

Về đầu tư, hiện có trên 350 doanh nghiệp Đức hoạt động tại Việt Nam, trong đó có một số tập đoàn đa quốc gia như Siemens (thiết bị y tế), B.Braun (thiết bị y tế), Messer (khí hóa lỏng phục vụ luyện kim), Mercedes-Benz (ô tô), Bilfinger (tư vấn, thiết kế), Bosch (chế tạo máy), Deutsche Bank (ngân hàng), Allianz (bảo hiểm),...

Tính đến tháng 5/2023, Đức có 444 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là trên 2,36 tỷ USD, đứng thứ 4/24 trong EU5 và thứ 18/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam có 11 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Đức với tổng vốn đầu tư và qua điều chỉnh đạt trên 30,95 triệu USD. Đáng chú ý là dự án Chi nhánh Vietinbank tại Đức (7,5 triệu USD), mua và sửa chữa bất động sản làm trụ sở văn phòng đại diện Ngân hàng Công Thương (2,117 triệu USD),...

Trong lĩnh vực điện và năng lượng tái tạo, nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, ngày 13/11/2022, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức đã ký bản ghi nhớ về hợp tác năng lượng.

Đức là một trong những nước viện trợ nhiều và thường xuyên ODA cho Việt Nam. Từ năm 1990 đến nay, Đức đã cung cấp trên 2 tỷ USD cho các dự án ODA6 tại Việt Nam thông qua hợp tác kỹ thuật (viện trợ không hoàn lại) và hợp tác tài chính (bao gồm viện trợ không hoàn lại - khoảng 40% và tín dụng ưu đãi - khoảng 60%).

Từ năm 2020, Việt Nam được xếp là “Đối tác toàn cầu” trong Chiến lược hợp tác phát triển đến năm 2030 (BMZ 2030) của Đức. Tại kỳ đàm phán cấp Chính phủ về Hợp tác phát triển Việt Nam - Đức ngày 20-23/7/2021, Chính phủ Đức tiếp tục cam kết vốn ODA cho Việt Nam trị giá trên 143,5 triệu Euro trong giai đoạn 2022 - 2023.

Hai nước cũng hợp tác trong các lĩnh vực về giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa, du lịch,...

Cộng đồng Việt Nam ở Đức hiện có gần 200.000 người, sinh sống rộng khắp trên toàn lãnh thổ Đức. Nhìn chung, kiều bào ở Đức có cuộc sống tương đối ổn định, đa số theo diện làm công ăn lương hoặc buôn bán nhỏ

Tin liên quan

Đọc tiếp