Tranh luận về tỷ lệ vốn của Nhà nước trong các dự án PPP

giao thông Đường bộ
14:15 - 09/11/2023
Đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình - Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình - Ảnh: quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Sáng 9/11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Tăng tỷ lệ vốn tham gia của Nhà nước để dự án PPP hấp dẫn

Vấn đề được nhiều quan đại biểu Quốc hội quan tâm là đề xuất của Chính phủ cho phép tăng tỷ lệ vốn tham gia của Nhà nước vào dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) từ không quá 50% lên không quá 70%.

Đa số đại biểu Quốc hội tán thành về chủ trương này, cho rằng quy định này sẽ tạo động lực hơn trong việc thu hút, huy động vốn đầu tư tư nhân, bảo đảm hiệu quả tài chính dự án. Tuy nhiên, tranh luận xoay xung quanh tỷ lệ bao nhiêu là hợp lý.

Đại biểu Lại Văn Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết, thực tế hiện nay có 3 trường hợp cần Nhà nước phải giữ vai trò là nhà đầu tư chính.

Thứ nhất, đối với các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, tổng mức đầu tư rất lớn, gồm nhiều hợp phần khác nhau, đòi hỏi Nhà nước phải đầu tư cơ bản về hạ tầng, đồng thời kêu gọi đầu tư vận hành khai thác theo hình thức PPP. Vì vậy nguồn lực Nhà nước phải chiếm tỷ trọng cao trong tổng mức đầu tư.

Thứ hai, một số dự án đầu tư ở vùng kinh tế - xã hội chưa phát triển, địa bàn trọng điểm về an ninh quốc phòng như vùng Tây Bắc, vùng Tây Nguyên đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, trong khi nhu cầu vận tải chưa cao, vận hành khai thác… nên cũng cần quan tâm bố trí tỷ lệ nguồn lực Nhà nước cao hơn.

Thứ ba, đối với dự án hạ tầng kết nối liên vùng được đầu tư theo hình thức PPP và được phê duyệt triển khai trước khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư ban hành năm 2020 có hiệu lực. Trong đó nguồn lực Nhà nước chiếm tỷ trọng cao theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức PPP vẫn được tiếp tục triển khai thực hiện và cần được phân bổ đủ nguồn vốn.

Đại biểu Lại Văn Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Đại biểu Lại Văn Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Nhất trí với đề xuất của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long cho rằng, việc sửa đổi quy định này sẽ tạo thêm sức hấp dẫn cho các dự án PPP khi phương án tài chính khả thi hơn, rút ngắn thời gian hoàn vốn, tạo động lực thu hút, huy động vốn đầu tư tư nhân trong việc xây dựng các dự án đường bộ, tiết kiệm nguồn lực và bộ máy quản lý Nhà nước do chi phí vận hành, bảo trì, khai thác trong vòng đời dự án do nhà đầu tư thực hiện.

Tuy nhiên, bà Thanh cũng đề nghị, cần xây dựng tiêu chí cho phép các dự án đường bộ được áp dụng mức trần vốn Nhà nước lên trên 50% và không vượt quá 70% tổng vốn đầu tư. Đồng thời, Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan cần thẩm định tính khả thi của dự án trước khi kêu gọi nhà đầu tư tư nhân tham gia nhằm loại trừ những rủi ro không mong muốn trong quá trình thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long

Tỷ lệ vốn của Nhà nước trong các dự án PPP bao nhiêu là hợp lý?

Đồng tình với đề xuất của Chính phủ, song đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, hiện nay, Chính phủ đang trình tỷ lệ vốn Nhà nước cao hơn so với tỷ lệ quy định trong Luật PPP lên mức 70%.

Cơ sở quan trọng nhất, mấu chốt nhất để xác định như thế nào là hợp lý, theo đại biểu Phan Đức Hiếu, là không làm mất đi tính chất hợp tác công - tư và cân bằng tính khả thi của tỷ lệ này. Nếu cơ chế đưa ra không khả thi thì sẽ không có công trình, không có dự án và không có lợi ích khác.

Đại biểu phân tích, Chính phủ có thể tham chiếu nghị quyết thí điểm của TP HCM với tỷ lệ góp vốn 70% là hoàn toàn đúng đắn, tuy nhiên không nhất thiết lấy đúng tỷ lệ này của TP HCM. Bởi lẽ, bối cảnh các công trình, dự án của TP HCM rất khác, bài toán về hiệu quả kinh tế, về các nhà đầu tư cũng khác, dù tham chiếu nhưng không nhất thiết áp dụng tỷ lệ vốn góp 70%.

Do đó, đại biểu Phan Đức Hiếu kiến nghị cần nâng cao tỷ lệ này lên 80% vì đây là tỷ lệ tối đa phần vốn Nhà nước có thể tham gia và có dư địa để cho các địa phương đàm phán nhà đầu tư. Mỗi địa phương tùy từng hoàn cảnh có những phương án riêng và tỷ lệ tham gia góp vốn của Nhà nước có thể dưới tỷ lệ tối đa cho phép. Đại biểu mong muốn Chính phủ cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng việc tăng tỷ lệ này.

Đồng tình với quan điểm về tỷ lệ vốn đầu tư của Nhà nước trong dự án PPP trên, đại biểu Vũ Tiến Lộc - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, nếu như TP HCM hay Hà Nội mà có thể đề ra yêu cầu là không vượt quá 70% thì những dự án ở vùng xa xôi, những vùng núi Tây Nguyên hay là Tây Bắc thì cũng nên được hưởng điều kiện ưu tiên như vậy, thậm chí có thể tăng lệ vốn Nhà nước lên 80 – 85% cũng là hợp lý.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội

Đại biểu Vũ Tiến Lộc - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội

Tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia vào dự án PPP là vấn đề khó và nhạy cảm

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, về tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia vào dự án PPP là vấn đề khó và nhạy cảm. Trước đây không quy định tỷ lệ, sau này có Luật PPP đưa ra tỷ lệ 50%. Dù thời điểm đó đưa ra tỷ lệ này đều có căn cứ rõ ràng, nhưng đến nay nhận thấy quy định này không còn phù hợp.

Ví dụ như các dự án đi qua các địa phương có lưu lượng xe thấp, nhu cầu vận tải không cao thì nhà đầu tư không quan tâm, hay các dự án đi qua các đô thị thì chi phí giải phóng mặt bằng là rất lớn…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Do đó, theo Bộ trưởng, cần thiết nâng tỷ lệ vốn Nhà nước với yêu cầu là bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, bảo đảm tính khả thi. Bởi nếu tỷ lệ thấp thì không thu hút nhà đầu tư, nhưng nếu nâng cao quá thì không còn ý nghĩa của dự án PPP nữa.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu quan điểm, nâng tỷ lệ vốn Nhà nước lên là vấn đề cần tính toán, cân nhắc. Qua tính toán cho thấy mức 70 – 75% là hợp lý.

Tuy nhiên, một số dự án có thể áp dụng tỷ lệ cao hơn song sẽ tuỳ từng dự án cụ thể, tùy khả năng cân đối vốn của Nhà nước để quyết định tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội để trong thời gian tới rà soát nghiên cứu sửa đổi Luật PPP.

Đọc tiếp

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Quý đầu năm 2024, Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng, giảm 92% so với mức 11.917 tỷ đồng của quý cùng kỳ năm ngoái. Lý giải nguyên nhân, doanh nghiệp này cho biết do chưa đến kỳ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cho các sản phẩm đang xây dựng dở dang.