Trình Quốc hội xem xét bổ sung thông tin nơi sinh vào hộ chiếu mới

Hộ chiếu QUỐC HỘI
10:05 - 05/11/2022
Trình Quốc hội xem xét bổ sung thông tin nơi sinh vào hộ chiếu mới
0:00 / 0:00
0:00
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa đề nghị Quốc hội cho điều chỉnh chương trình kỳ họp thứ 4, xem xét, quyết định việc bổ sung nội dung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam.

Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, ý kiến của cơ quan thẩm tra, sau khi xem xét kỹ hồ sơ tài liệu, tính cấp thiết của vấn đề cần giải quyết và xét thấy đủ điều kiện trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung một nội dung vào chương trình kỳ họp thứ 4 nhưng không kéo dài thời gian của kỳ họp.

Nội dung được đề nghị trình Quốc hội xem xét, quyết định là việc bổ sung thông tin "nơi sinh" vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam. Quyết định của Quốc hội về nội dung này sẽ được thể hiện trong Nghị quyết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Các đại biểu Quốc hội sẽ nghe trình bày tờ trình, báo cáo thẩm tra vào sáng ngày 7/11, kết hợp thảo luận ở tổ vào chiều cùng ngày, thảo luận ở hội trường vào ngày 9/11.

Trước đó, về vấn đề hộ chiếu mới không có thông tin nơi sinh dẫn đến khó khăn cho công dân trong quá trình nhập cảnh tại một số nước, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khi trả lời chất vấn tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 8/2022 đã cho biết đang lấy ý kiến của Ủy ban Quốc phòng - an ninh của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, tiến hành sửa đổi mẫu hộ chiếu, trong đó bổ sung mục nơi sinh.

Hiện nay, để khắc phục vướng mắc của công dân, từ 15/9, Bộ Công an đã in thông tin nơi sinh vào mục bị chú trên hộ chiếu mà không cần công dân yêu cầu. Tuy nhiên, việc sửa đổi mẫu hộ chiếu phổ thông mới phải được Quốc hội quyết định.

Đề nghị lùi thời điểm thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Nội dung thứ hai được điều chỉnh là Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và đề nghị Quốc hội cho phép chưa thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4 để có thêm thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý, lấy ý kiến chuyên gia và đối tượng chịu sự tác động, hoàn thiện dự thảo Luật.

Đề nghị này trên cơ sở ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội tại phiên họp sáng ngày 24/10 về dự luật này, báo cáo của Chính phủ và báo cáo của Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội.

Đồng thời, điều chỉnh thời gian thông qua dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) từ ngày 11/11 sang ngày 14/11.

Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội vẫn được bế mạc vào ngày 15/11 như chương trình đã được Quốc hội quyết định.

Tin liên quan

Đọc tiếp