Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam

Cao su Việt nAM
14:00 - 20/12/2022
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam
0:00 / 0:00
0:00
Theo Tổng cục Hải quan, 11 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc đạt 2 tỷ USD, tương ứng chiếm 70% trị giá xuất khẩu cao su của Việt Nam.

Tháng 11/2022, Việt Nam xuất khẩu 252.592 tấn cao su, tương ứng đạt 342 triệu USD, tăng lần lượt 13% về lượng và 9% về trị giá so với tháng 10/2022. Lũy kế 11 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 1,8 triệu tấn cao su, tương ứng đạt 2,9 tỷ USD, tăng lần lượt 9% về sản lượng và 3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Về giá xuất khẩu, theo Bộ Công Thương, tháng 11/2022, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.358 USD/tấn, giảm 3,2% so với tháng 10/2022 và giảm 18,2% so với tháng 11/2021.

Giá bình quân xuất khẩu cao su của Việt Nam qua các tháng giai đoạn 2020 - 2022 (Đơn vị: USD/tấn). Ảnh: Bộ Công Thương
Giá bình quân xuất khẩu cao su của Việt Nam qua các tháng giai đoạn 2020 - 2022 (Đơn vị: USD/tấn). Ảnh: Bộ Công Thương

Tháng 11/2022, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 82% tổng lượng cao su xuất khẩu với 208.195 tấn cao su, tương ứng đạt 276 triệu USD. Theo Bộ Công Thương, giá cao su xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc trong tháng 11/2022 đạt mức 1.328 USD/tấn, giảm 18,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Đối với các thị trường khác, xuất khẩu cao su sang một số thị trường chủ chốt như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia… tiếp tục tăng so với tháng 11/2021. Tuy nhiên, xuất khẩu sang một số thị trường như Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Italia, Indonesia lại ghi nhận giảm.

Lũy kế 11 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu cao su sang Trung Quốc đạt 1,37 triệu tấn, tương ứng 2,08 tỷ USD, tăng lần lượt 14% và 6,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Năm 2022 là một năm khó khăn đối với ngành cao su do bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19, đồng USD tăng giá mạnh, giá cao su liên tục giảm. Trong khi đó, sự cạnh tranh về giá giữa các nước sản xuất và xuất khẩu cao su thiên nhiên tăng lên.

Mặt khác, cơ cấu và chủng loại cao su thiên nhiên của Việt Nam còn lệ thuộc nhiều vào thị trường tiêu thụ của Trung Quốc. Thị trường này trong năm qua phải đối mặt với khủng hoảng bất động sản, các đợt nắng nóng làm gián đoạn hoạt động sản xuất, khiến giá xuất khẩu sang nước này giảm. Các biện pháp hạn chế để phòng chống Covid-19 cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất công nghiệp và tiêu thụ.

Trong thời gian tới, với việc chính phủ Trung Quốc cam kết đưa ra các chính sách theo từng giai đoạn để ổn định kinh tế và phục hồi tiêu dùng, dự báo giá cao su sẽ phục hồi.

Giá cao su sụt giảm, doanh thu doanh nghiệp cũng giảm theo

Năm 2022, giá cao su biến động thất thường theo nhịp chuyển động của thế giới đã ảnh hưởng đến doanh thu của hàng loạt doanh nghiệp cao su xuất khẩu.

Theo thông tin về kết quả kinh doanh quý III/2022, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HoSE: GVR) ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế theo quý thấp nhất trong vòng 2 năm qua, đạt 993 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do giá bán cao su giảm, dẫn đến doanh thu của GVR giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 5.853 tỷ đồng.

Kết quả quý III đã kéo theo doanh thu 9 tháng của của GVR giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 16.335 tỷ đồng.

Tương tự, 9 tháng đầu năm 2022, CTCP Cao su Phước Hòa (HoSE: PHR) ghi nhận giảm 11% về doanh thu, đạt 1.131 tỷ đồng. Theo phân tích từ công ty Chứng khoán Rồng Việt, mảng kinh doanh cao su, xử lý gỗ và thanh lý cây cao su không thuận lợi.

Đọc tiếp

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Quý đầu năm 2024, Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng, giảm 92% so với mức 11.917 tỷ đồng của quý cùng kỳ năm ngoái. Lý giải nguyên nhân, doanh nghiệp này cho biết do chưa đến kỳ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cho các sản phẩm đang xây dựng dở dang.