T&T muốn làm dự án cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương

DOANH NGHIỆP Việt nAM
10:04 - 25/03/2022
Đường cao tốc Liên Khương - Prenn.
Đường cao tốc Liên Khương - Prenn.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn tuyến có tổng mức đầu tư giai đoạn một là 12.532 tỷ đồng và giai đoạn hai khoảng 5.420 tỷ đồng. Dự án do liên danh nhà đầu tư Tập đoàn T&T và Công ty cổ phần Tập đoàn Phương Trang đề xuất triển khai.

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa gửi tờ trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương. Đây là dự án thành phần ba trong tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương dài 210 km đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư trong giai đoạn 2020-2025.

Cụ thể, cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương có điểm đầu tại đường Nguyễn Văn Cừ, TP Bảo Lộc và điểm cuối tại đường cao tốc Liên Khương - Prenn, huyện Đức Trọng. Dự án chia làm hai giai đoạn, giai đoạn một (2022-2025) xây dựng 4 làn xe, rộng 17 m, vận tốc 80km/h; tổng mức đầu tư 12.532 tỷ đồng. Giai đoạn hai (sau năm 2030), cao tốc mở rộng lên 8 làn, rộng gần 25 m, tốc độ khai thác 100km/h, có làn dừng khẩn cấp. Kinh phí đầu tư khoảng 5.420 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 1, vốn Nhà nước tham gia vào Dự án khoảng 4.000 tỷ đồng, nhà đầu tư huy động 8.532 tỷ đồng. Còn nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2 sẽ do nhà đầu tư huy động toàn bộ. Với mức thu phí khởi điểm là 1.700 đồng/xe tiêu chuẩn/km, giai đoạn 1 dự kiến hoàn vốn trong vòng 17 năm 7 tháng; giai đoạn 2 hoàn vốn trong vòng 10 năm 7 tháng.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, dự án sau khi hoàn thành nâng cao khả năng kết nối với mạng lưới giao thông quốc gia, rút ngắn thời gian vận chuyển giữa tỉnh Lâm Đồng với các tỉnh Đông Nam Bộ. Từ đó, tạo bước đột phá về kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch; đồng thời giảm tải, tránh tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông trên Quốc lộ 20…

Sau một thời gian gặp khó trong việc kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa tham gia đầu tư, hiện nay các dự án cao tốc bắt đầu đón nhận những tín hiệu tích cực khi các doanh nghiệp tư nhân ngỏ ý muốn tham gia. Tháng 2 vừa qua, UBND tỉnh Cao Bằng cũng đã kí kết thỏa thuận cam kết hợp tác đầu tư dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh với liên danh nhà nhà đầu tư Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Phú Mỹ, Công ty Thương mại - Đầu tư xây dựng Thành Lợi và Công ty Cổ phần đầu tư Văn Phú Invest.

Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh được đánh giá là sẽ không dễ tìm được nhà đầu tư do đây là dự án rất khó khăn cả về địa hình, địa chất, yếu tố kỹ thuật, thủ tục pháp lý, đặc biệt là nhu cầu vốn rất lớn. Vì vậy, việc Cao Bằng thành công trong việc tìm nguồn vốn xã hội hóa để làm cao tốc qua địa phương mình là một tín hiệu tích cực. Điều này cho thấy, chủ trương xã hội hóa nguồn lực làm cao tốc và giao trách nhiệm chủ động trong việc huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng giao thông cho các địa phương là đúng đắn.

Tin liên quan

Đọc tiếp