Tỷ giá lên cao nhất 3 năm, tình huống khó của NHNN

TỶ GIÁ Việt nAM
17:50 - 15/09/2022
Tỷ giá lên cao nhất 3 năm, tình huống khó của NHNN
0:00 / 0:00
0:00
Tỷ giá USD đã tăng cao nhất trong 3 năm với mức 23.740 đồng/USD, xu hướng này có thể đang đặt Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào một tình huống một mặt cần kiên định chính sách kiểm soát lạm phát, một mặt cần hỗ trợ các doanh nghiệp.

Trên thị trường thế giới, đồng USD tăng mạnh trở lại sau khi số liệu lạm phát Mỹ tăng sốc đã kích thích kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng mạnh lãi suất trong cuộc họp tới. Thị trường đã chuyển từ kỳ vọng mức tăng 0,75 điểm phần trăm trước đó lên mức 1 điểm phần trăm chỉ "qua một đêm".

Hiện chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đang đứng ở mức 109,5 điểm.

Tại thị trường trong nước, ngày 15/9, tỷ giá trung tâm và tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng mạnh trở lại.

Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.277 đồng/USD, tăng 20 đồng/USD so với phiên giao dịch trước đó. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước ở mức 23.700 đồng/USD.

Tỷ giá USD được Ngân hàng TMCP Ngoại thương (VCB) niêm yết ở mức 23.430 - 23.740 đồng/USD (mua vào - bán ra), tăng 50 đồng/USD so với phiên giao dịch trước đó.

Như vậy, tỷ giá USD đã có kỳ tăng liên tiếp trong 2 tuần qua và cao nhất trong 3 năm với mức 23.740 đồng/USD.

Tỷ giá là vấn đề có thể đang khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ở vào một trạng thái "tiến thoái lưỡng nan", một mặt là nhu cầu kiên định kiểm soát lạm phát, một mặt vẫn cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp.

Điều gì sẽ xảy ra khi VND mất giá

Phân tích về yếu tố tỷ giá tác động đến kinh tế vĩ mô, tại Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay diễn ra chiều 12/9 vừa qua, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, nếu không ổn định được tỷ giá, Việt Nam đã vốn nhập khẩu lạm phát rồi lại nhân với tỷ giá hối đoái tăng thêm 3-5% nữa thì sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến người dân và doanh nghiệp khi nguyên vật liệu đầu vào càng trở nên đắt đỏ. Nếu không kiểm soát được lạm phát, nguy cơ đối với nền kinh tế sẽ là rất lớn.

Ngược lại, nếu Việt Nam duy trì chính sách ổn định tỷ giá kéo dài lại có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu vì USD tăng giá cũng làm cho VND tăng giá theo so với các đồng tiền khác... Khi đó, hàng xuất khẩu của Việt Nam đến các quốc gia châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ bị đắt lên. Từ đó gây tác động bất lợi đến xuất khẩu.

Thực tế, trong thời gian qua, tỷ giá VND/USD chỉ tăng khoảng 2,64%, mức thấp so với biến động tăng tỷ giá đồng nội tệ của các nước trên thế giới.

Ở mặt tích cực, với những doanh nghiệp xuất khẩu, tỷ giá USD tăng sẽ giúp giá hàng hóa quy ra USD rẻ hơn trước, tăng tính cạnh tranh.

Tuy nhiên, doanh nghiệp nhập khẩu sẽ gặp khó khăn vì phải quy đổi từ Việt Nam đồng sang USD để thanh toán, với giá trị thấp hơn.

Ngoài ra, kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá lớn vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Khi đồng USD tăng giá trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tác động không nhỏ tới ổn định sản xuất và gia tăng tác động của lạm phát chi phí đẩy do nhập khẩu lạm phát.

Mặt khác, hiện nay khối lượng vay vốn trong nước của Chính phủ chiếm 90% và vay vốn nước ngoài chỉ chiếm khoảng 10% tổng giá trị hàng năm. Vì vậy, rủi ro về tỷ giá đối với nợ nước ngoài giảm xuống, đảm bảo an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia. Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ bị tác động không nhiều trước việc đồng USD tăng giá.

Tuy vậy, vay và trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả tăng cao, khu vực doanh nghiệp có thể sẽ đối diện với việc tăng gánh nặng trả nợ vay nước ngoài.

Minh chứng cụ thể, trong nửa đầu năm nay, Tập đoàn Novaland đã huy động thành công 18.000 tỷ đồng nợ vay, tương ứng hoàn thành 75% kế hoạch cả năm. Trong đó, có khoản huy động thành công 250 triệu USD thông qua phát hành trái phiếu chuyển đổi từ nhóm quỹ đầu tư do Warburg Pincus dẫn đầu. Với khoản nợ vay ngoại tệ bằng USD lớn, Novaland phải bù lỗ hơn 300 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ là 31,5 tỷ đồng. Dù khoản lỗ này chưa tác động lớn tới kết quả kinh doanh của tập đoàn, nhưng đây cũng là chỉ báo quan trọng đánh giá hiệu quả sử dụng vốn vay của doanh nghiệp trong thời gian tới

Diễn biến tăng giá của đồng USD cũng đã phản ánh kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp niêm yết khác. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines, chỉ trong quý II, Vietnam Airlines ghi nhận khoản lỗ tỷ giá lên tới 841 tỷ đồng, tăng gần 34 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là nguyên nhân chính đẩy chi phí tài chính của Tổng công ty này tăng vọt 2,7 lần, lên mức 1.147 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, chi phí tài chính của Vietnam Airlines tăng gấp đôi cùng kỳ năm trước, lên mức 1.676 tỷ đồng; trong đó, chủ yếu do khoản lỗ 1.012 tỷ đồng từ chênh lệch tỷ giá.

Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát cũng ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá lên tới 1.270 tỷ đồng, gấp 6,5 lần cùng kỳ năm 2021, do lượng nguyên liệu nhập khẩu lớn và dư nợ vay bằng USD cao. Khoản lỗ tỷ giá đã đẩy chi phí tài chính của Hòa Phát tăng 2,5 lần trong quý II/2022, lên mức 2.032 tỷ đồng.

Tương tự, với dư nợ bằng USD lớn tại các ngân hàng như Mizuho, Malayan Banking Berhad, Sumitomo Mitsui, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã phải gánh khoản lỗ chênh lệch tỷ giá lên tới 42 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Kiên định trong điều hành tỷ giá nhưng không cứng nhắc

Rõ ràng, câu chuyện tỷ giá trong bối cảnh hiện nay đang ngóng chờ sự điều hành của các cơ quan quản lý, giải quyết hài hòa giữa kiểm soát lạm phát và chống được rủi ro suy thoái kinh tế, bảo toàn lợi ích của doanh nghiệp.

Theo ông Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia dự báo, chắc chắn ngày 21/9, Mỹ sẽ tiếp tục tăng lãi suất, việc tăng lãi suất suy cho cùng phục vụ cho việc tăng tỷ giá. Theo đó, ông Phước cho rằng Việt Nam cần tiếp tục kiên định sự ổn định của tỷ giá.

Ông Phước cũng nhấn mạnh, kiềm chế lạm phát đạt được như ngày hôm nay có sự đóng góp rất thầm lặng của chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, cùng với ổn định tỷ giá ngăn ngừa sự lan tỏa của lạm phát trên thế giới tới Việt Nam.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân cũng cho rằng, không nên phá vỡ tỷ giá đồng tiền. Điều này có nghĩa, Việt Nam phải kiên định giữ tỷ giá nhưng không có nghĩa là cứng nhắc mà phải linh hoạt với thị trường.

"Nếu chúng ta không ổn định được tỷ giá, nguy cơ dự trữ ngoại tệ của chúng ta chuyển thành dự trữ của cá nhân doanh nghiệp thì khi đó chúng ta sẽ mất khả năng chủ động về nguồn ngoại tệ", ông Cường nêu ý kiến.

VND sẽ không mất giá quá 3% trong năm 2022

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, áp lực lớn lên tỷ giá trong những tháng đầu năm đã có ảnh hưởng đến bộ đệm dự trữ ngoại hối của Việt Nam.

"Chúng tôi cho rằng sức bền của các yếu tố đệm này sẽ bị thử thách trong những tháng cuối năm, kỳ tăng lãi suất của FED trong cuộc họp tháng 9/2022 sẽ là phép thử quan trọng. Trong kịch bản cơ sở, chúng tôi kỳ vọng đà mất giá của đồng VND sẽ chững lại trong thời gian còn lại của năm 2022 nhưng áp lực có thể trở lại trong đầu năm 2023", chuyên gia VDSC đánh giá.

Mặc khác, theo CTCK Bảo Việt (BVSC), áp lực mất giá hiện tại của đồng VND chủ yếu do đồng USD lên giá, trong khi Việt Nam vẫn duy trì được kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, lãi suất thực còn dương và thặng dư thương mại. Do đó, BVSC duy trì dự báo, với sức mạnh nội tại cùng các biện pháp điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đồng VND sẽ không mất giá quá 3% trong năm 2022.

Đọc tiếp

TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.