Tỷ giá từ nay đến cuối năm sẽ không có áp lực

TÀI CHÍNH Việt nAM
22:25 - 09/10/2021
Tỷ giá từ nay đến cuối năm sẽ không có áp lực
0:00 / 0:00
0:00
Tiền Đồng được dự báo tiếp tục mạnh lên so với đồng USD do chính sách tỷ giá linh hoạt, nhất quán từ NHNN cũng như dự trữ ngoại hối vững chắc.

Hôm nay 09/10, cặp tỷ giá USD/VND giao dịch ở mức 22.630 -22.860 đồng (mua vào - bán ra, theo Vietcombank), tức không đổi ở cả hai chiều mua - bán so với phiên giao dịch trước đó. Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết tại mức 23.165 đồng Việt Nam đổi 1 USD.

Có thể thấy sau kỳ điều chỉnh hạ giá mua vào USD của NHNN về 22.750 đồng Việt Nam đổi 1 USD (có hiệu lực từ ngày 11/08), tỷ giá USD/VND từ đó vận động theo xu hướng giảm cho đến nay.

Từ nay đến cuối năm: Đồng Việt Nam mạnh lên

Một phân tích mới đây của chứng khoán VCBS chỉ ra, trong 09 tháng đầu năm, tiền Đồng đã tăng giá khoảng 1,5% so với đồng bạc xanh. VCBS dự báo từ nay đến cuối năm, VND tiếp tục xu hướng mạnh lên so với đồng USD, biến động không quá 2% trong cả năm.

Nguyên nhân chính là do chính sách tỷ giá linh hoạt, nhất quán từ NHNN cũng như dự trữ ngoại hối vững chắc. Thêm vào đó, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định và động lực phục hồi kinh tế tiếp tục tạo tiềm năng lớn thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, qua đó củng cố sức mạnh đồng nội tệ.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bất chấp làn sóng dịch COVID-19 mới nhất, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 09 tháng đầu năm vẫn đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Trong một báo cáo hồi tháng Tám, chuyên gia Kinh tế Trưởng Michael Kokalari của VinaCapital cũng đưa ra nhận định, Đồng Việt Nam có xu hướng mạnh lên do kỳ vọng thặng dư cán cân thanh toán (BoP) của Việt Nam năm 2021 tiếp tục tăng bất chấp diễn biến phức tạp của đại dịch.

Một ước tính của VinaCapital thể hiện, riêng trong năm 2020, dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam lên tới 10% GDP quốc gia, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 7% GDP quốc gia. Kết hợp với thặng dư tài khoản vãng lai lên tới 4,5%/GDP quốc gia, ước tính thặng dư cán cân thanh toán (BoP) của Việt Nam năm 2020 lên tới 7%/GDP.

Một nguyên nhân chính khác, VinaCapital chỉ ra là do các nhà hoạch định chính sách Việt Nam hiện chịu áp lực đáng kể để cho phép Đồng Việt Nam tăng giá, liên quan đến cam kết với Bộ Tài chính Mỹ về định giá tiền Đồng và cải thiện tính linh hoạt của tỷ giá hối đoái.

Theo VinaCapital, Đồng Việt Nam sẽ tiếp tục mạnh lên từ 2-3%/ năm trong bối cảnh NHNN nới lỏng các biện pháp “can thiệp không trung hòa” nhằm làm giảm giá trị tiền Đồng và dòng vốn đầu tư nước ngoài lớn tiếp tục đổ vào trong nước.

Trước đó, vào tháng 07/2021, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã có cuộc họp cấp cao với Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng. Tại cuộc họp, hai bên thống nhất đạt thỏa thuận mang tính ngoại giao, trong đó Mỹ chấm dứt mối đe dọa áp thuế cứng nhắc với hàng xuất khẩu từ Việt Nam liên quan đến cáo buộc thao túng tiền tệ.

Đổi lại, phía NHNN cam kết cho phép đồng nội tệ điều chỉnh phù hợp với nhịp độ phát triển của thị trường tài chính - ngoại hối và các nền tảng kinh tế, đồng thời duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính”.

Tỷ giá có thể đảo chiều, tăng trở lại vào năm 2022

Nhận định về tỷ giá năm 2022, nhóm nghiên cứu của HSBC trong báo cáo định kỳ Vietnam At A Glance công bố hồi tháng Chín dự báo bước sang năm 2022, tỷ giá USD/VND có thể đảo chiều trong bối cảnh dòng vốn FDI chậm lại và tài khoản vãng lai chuyển sang thâm hụt.

Cụ thể, HSBC cho rằng tỷ giá USD/VND năm 2022 có thể ở mức 23.000 đồng đổi 1 USD và đối diện với đồng bạc xanh mạnh hơn trên thị trường quốc tế.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến dự báo tỷ giá đảo chiều, theo HSBC là do dòng vốn đầu tư nước ngoài đang chậm lại trong những tháng gần đây, đặc biệt là dòng FDI - động lực chính của ngoại hối.

Dữ liệu FDI đã thực hiện hàng tháng cho thấy sự suy giảm từ mức bình quân 1,8 tỷ USD (giai đoạn tháng 04-12/2020) xuống còn 1,6 tỷ USD (giai đoạn tháng 04-07/2021). Với dòng vốn danh mục đầu tư, khối ngoại đã bán ròng 1,5 tỷ USD trong giai đoạn quý I/2020-quý I/2021. Tình trạng rút vốn có thể tiếp tục diễn ra sau khi GDP Việt Nam quý III giảm sâu chưa từng có (-6,17%).

Một nguyên nhân khác thúc đẩy tiền Đồng giảm giá trước đồng bạc xanh: Xu hướng thặng dư tài khoản vãng lai tiếp tục thu hẹp. Cụ thể, trong quý I/2021, thặng dư tài khoản vãng lai đã thu hẹp xuống còn 0,4 tỷ USD từ mức trung bình hơn 3 tỷ USD mỗi quý trong giai đoạn 2019-2020. Thâm hụt dịch vụ gia tăng do hậu quả trực tiếp từ thực trạng mất doanh thu du lịch. Trong lĩnh vực thương mại, dữ liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy kết thúc 09 tháng đầu năm, cán cân thương mại tổng thể thâm hụt 2,13 tỷ USD./.

Tin liên quan

Đọc tiếp