VCCI đề nghị ban hành chính sách tài khóa, tiền tệ mang tính đột phá

CHÍNH SÁCH Việt nAM
08:00 - 08/10/2021
Toàn cảnh cuộc họp giữa các doanh nghiệp, doanh nhân và Chủ tịch Quốc hội ngày 07/10
Toàn cảnh cuộc họp giữa các doanh nghiệp, doanh nhân và Chủ tịch Quốc hội ngày 07/10
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đã gửi ba nhóm kiến nghị tới Chủ tịch Quốc hội tại cuộc họp với các doanh nghiệp, doanh nhân ngày 07/10 nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi, tăng trưởng tốc độ kinh tế Việt Nam.

Tránh nguy cơ chính sách lạc hậu trở thành điểm nghẽn

Tại cuộc họp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công đã nêu lên ba nhóm kiến nghị mới. Các nhóm kiến nghị này trên quan điểm lấy COVID-19 làm động lực. Thực hiện đột phá trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, để từ đó tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, khôi phục tăng trưởng kinh tế và đưa Việt Nam bứt lên giành vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công phát biểu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các doanh nhân, doanh nghiệp.

Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công phát biểu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các doanh nhân, doanh nghiệp.

Một là, chủ động rà soát, sửa đổi bổ sung ngay những quy định pháp luật, chính sách về kinh doanh đang là rào cản, gây cản trở đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong đó, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh đến các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp thực tiễn, chưa vì lợi ích chung của nền kinh tế… tại Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật PPP, Luật Phá sản…

Mục tiêu là tránh nguy cơ chính sách lạc hậu trở thành điểm nghẽn cho hoạt động của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới. Việc này cần được thực hiện cùng với triển khai nhanh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý cho quản lý, phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số.

Hai là, xem xét việc nâng trần nợ công quốc gia để tăng quy mô các gói hỗ trợ ứng phó COVID-19. Hiện nay các gói hỗ trợ của Nhà nước mới đạt khoảng 2,2% GDP, là mức khá thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan là 15,6%, Malaysia 8,8%, Indonesia 5,4%, Philippines 3,6%.

“Các gói hỗ trợ duy trì và phục hồi kinh tế cần đủ lớn và kịp thời để nắm bắt được thời cơ phục hồi kinh tế”, Chủ tịch VCCI đề xuất.

Ba là, VCCI đề nghị nghiên cứu ban hành một số chính sách tài khóa, tiền tệ có tính chất đột phá.

Cụ thể, ông Phạm Tấn Công đề nghị xem xét bổ sung gói hỗ trợ cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với mức độ khoảng từ 3-5%/năm so với lãi suất thị trường, tập trung vào các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như du lịch, hàng không, vận tải, y tế, giáo dục đào tạo…

Xem xét mức giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, tiền thuê đất ở mức cao hơn so với mức hỗ trợ giảm 30% như hiện nay lên mức 50%.

VCCI tiếp tục đề nghị giảm mức nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp 50% trong các năm 2021, 2022. Nghiên cứu, xem xét giảm mức thuế VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021, 2022.

Đặc biệt, liên quan đến chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế, VCCI đề nghị có phân chia giai đoạn, phân chia nhóm đối tượng để có chính sách phù hợp, tránh cào bằng và cần có tham vấn rộng rãi ý kiến cộng đồng doanh nghiệp.

Đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp về nền tảng kinh tế vững chắc

Kiến nghị tới Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ông Phạm Tấn Công phát biểu: “ Nhìn dòng người ồ ạt rút khỏi TP.HCM và các trung tâm kinh tế phía Nam, có thể thấy cấu trúc lao động cũ đã bị phá vỡ, các doanh nghiệp sẽ đối mặt với thách thức to lớn về lao động trong giai đoạn 6 tháng tới, vì vậy cần có ngay các gói hỗ trợ doanh nghiệp thu hút và đào tạo lại lao động được thiết kế dễ tiếp cận, có quy mô và mức hỗ trợ phù hợp”.

Chia sẻ tâm tư với Chủ tịch Quốc hội, ông Công có nói: “Thời chiến tranh, dù bom đạn ác liệt chúng ta cũng không ngừng sản xuất, thì nay dù COVID-19 thế nào, cũng phải tìm cách để duy trì sản xuất an toàn trên quan điểm "vừa sản xuất, vừa chống dịch. Việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì sản xuất, phục hồi kinh tế được xác định như một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và cần quyết liệt thực hiện”.

Trước đó, VCCI cũng đã để xuất 2 chủ trương với cơ quan Chính phủ gồm:

Thứ nhất, cần nhìn nhận các doanh nghiệp là một chủ thể trong ứng phó COVID-19, từ đó tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các doanh nghiệp.

Thứ hai, mặt trận kinh tế vững chắc là nền tảng cho chiến thắng trên mặt trận y tế, do vậy cần có chủ trương kiên quyết bảo vệ, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn của doanh nghiệp trong điều kiện sống chung với dịch.

Cuộc làm việc có sự tham gia của 400 doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp qua các đầu cầu trực tuyến. Nhiều đề xuất được đề nghị bổ sung theo hướng mở rộng phạm vi và quy mô khoản hỗ trợ từ ngân sách cho các doanh nghiệp. Lý do, theo VCCI, khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang đối mặt là cực kỳ nghiêm trọng và chưa từng có, do vậy các giải pháp hỗ trợ cần phải mạnh mẽ chưa từng thấy./.

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.