UBCKNN: Tăng cường các chế tài xử phạt vi phạm để khôi phục niềm tin

UBCKNN CHỨNG KHOÁN
10:18 - 17/03/2023
Bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
0:00 / 0:00
0:00
UBCKNN đang rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc; trong đó tăng cường các chế tài xử phạt vi phạm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Phát biểu tại Tọa đàm “Giải pháp khơi thông thị trường vốn” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng 17/3, bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023 có triển vọng và thách thức đan xen.

Mặt bằng lãi suất đã tăng mạnh trong thời gian vừa qua. Mặc dù áp lực tỷ giá đã giảm trong bối cảnh Fed giảm cường độ tăng lãi suất, nhiều ngân hàng thương mại cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động và cho vay trong một vài tuần trở lại đây nhưng mặt bằng lãi suất trong nước vẫn đang ở mức cao và có khả năng duy trì ít nhất đến hết quý 1/2023. Thanh khoản trên thị trường do vậy có khả năng phục hồi chậm.

Môi trường quốc tế cũng được dự báo có nhiều khó khăn trong năm 2023; việc lạm phát vẫn duy trì ở mức cao, lãi suất gia tăng trong thời gian qua và triển vọng kinh tế tăng trưởng chậm lại của một số nền kinh tế lớn sẽ khiến nhu cầu tiêu dùng hàng nhập khẩu của người dân các nước này sụt giảm, nhất là tại các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Mỹ, EU. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu.

Khó khăn trên thị trường tài chính quốc tế và lo ngại về khả năng xảy ra hiệu ứng dây chuyền từ sự sụp đổ của Ngân hàng Sillicon Valley (Mỹ) có thể tác động tiêu cực đến tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán quốc tế nói chung. Bên cạnh đó, xung đột địa chính trị trên thế giới tiếp tục kéo dài cũng tiềm ẩn tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.

Trong bối cảnh ấy, bà Tạ Thanh Bình khẳng định, UBCKNN sẽ song hành cùng thị trường hướng tới sự phát triển lành mạnh, bền vững.

Về hoàn thiện khung pháp lý và thể chế, UBCKNN đang rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc. Trong đó quy định rõ phạm vi hoạt động và cung cấp dịch vụ của các công ty chứng khoán, bổ sung các quy định nhằm quản lý tốt hơn các nhà đầu tư, tăng cường các chế tài xử phạt vi phạm...

“Mặc dù trong Luật Chứng khoán hiện nay đã quy định mức xử phạt vi phạm cao so với mặt bằng chung, tối đa hành chính là 3 tỷ đồng với tổ chức, 5 tỷ với cá nhân; nhưng diễn biến trên thị trường vừa qua cho thấy mức phạt này chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, cần có quy định cao và mang tính chất đột phá hơn nữa. Như vậy mới có thể kỳ vọng khôi phục niềm tin, phát triển thị trường chứng khoán minh bạch và bền vững”, đại diện UBCKNN nhấn mạnh.

Nội dung trọng tâm thứ hai mà UBCKNN và các sở giao dịch tập trung thời gian này là đẩy nhanh tiến độ đưa vào vận hành hệ thống công nghệ thông tin KRX nhằm tạo điều kiện triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới; bảo đảm thị trường vận hành thông suốt, liên tục, an toàn, hiệu quả.

Lý giải về tiến độ đưa vào vận hành hệ thống KRX, bà Tạ Thanh Bình cho biết, đây là gói thầu rất lớn, sẽ thay thế toàn bộ hệ thống giao dịch, hệ thống thanh toán bù trừ đang vận hành hiện nay, đòi hỏi phải có độ an toàn tuyệt đối trước khi chính thức thay thế hệ thống hiện tại.

“Hiện nay chúng tôi đang ở giai đoạn kiểm thử với nhà thầu, dự kiến khi hệ thống mới vận hành sẽ giúp cơ quan quản lý cũng như các bên tham gia thị trường có thể triển khai các giải pháp mới về giao dịch và thanh toán. Ví dụ như các giải pháp nhà đầu tư rất mong chờ: Giao dịch trong ngày, giao dịch bán chứng khoán đang trên đường về, bán khống, rút ngắn thời gian thanh toán...”, bà Bình cho biết.

Về công tác giám sát, thanh tra trên thị trường chứng khoán, đại diện UBCKNN cho biết sẽ nâng cao vai trò và trách nhiệm của các tuyến giám sát, trong đó phát huy vai trò của tuyến giám sát thứ nhất là các công ty chứng khoán.

Theo bà Bình, trong Luật Chứng khoán hiện tại đã có điểm rất quan trọng là ngoài giám sát hai cấp (UBCKNN và các sở giao dịch), đưa thêm tuyến giám sát tuyến 1 tại các công ty chứng khoán. Nếu cấp giám sát này hoạt động hiệu quả thì các vi phạm được phát hiện và ngăn chặn từ rất sớm. Tuy nhiên thực tế là quy định và trách nhiệm tại cấp giám sát tuyến 1 vẫn còn chưa rõ ràng.

“Đây là nhiệm vụ trọng tâm mà UBCKNN sẽ tăng cường trong thời gian tới, trong đó quy định rõ trách nhiệm của công ty chứng khoán trong tuyến giám sát này. Tất nhiên sẽ có những xung đột lợi ích, nhưng đây là điểm rất quan trọng trong giám sát thị trường”, bà Bình nói.

Ngoài ra, UBCKNN sẽ đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công tác thanh tra, giám sát; hoàn thiện và đưa vào sử dụng hệ thống giám sát giao dịch nâng cấp với các tính năng phân tích, cảnh báo, thống kê; kết nối các cơ sở dữ liệu dùng chung với sở giao dịch, trung tâm lưu ký khi hệ thống công nghệ thông tin mới được đưa vào sử dụng.

Về công tác truyền thông, bà Bình cho biết, năm 2022 khi trường xảy ra biến cố, tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng rất lớn bởi thông tin không chính thống. Vì vậy, công tác truyền thông của UBCKNN cũng sẽ được thay đổi theo hướng thông tin nhanh và nhiều hơn các thông tin chính thống ra thị trường; xử phạt mạnh việc lan truyền những thông tin thất thiệt gây ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư.

Cuối cùng, UBCKNN sẽ tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra nhằm thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

Tin liên quan

Đọc tiếp

TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.