VDSC: Thép Nam Kim khó hồi phục như kỳ vọng năm 2023 do nhu cầu yếu

VDSC NKG
18:22 - 30/05/2023
VDSC: Thép Nam Kim khó hồi phục như kỳ vọng năm 2023 do nhu cầu yếu
0:00 / 0:00
0:00
Báo cáo của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, sản lượng và kết quả kinh doanh của Thép Nam Kim sẽ chưa thể hồi phục như kỳ vọng trong năm 2023 do còn nhiều rủi ro và thiếu động lực từ nhu cầu thị trường. 

Còn nhiều rủi ro và không chắc chắn trong năm 2023

Theo các chuyên viên phân tích của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), sản lượng bán hàng của CTCP Thép Nam Kim (HoSE: NKG) trong các quý còn lại của năm vẫn chưa có động lực hồi phục mạnh mẽ khi nhu cầu tôn mạ xuất khẩu vẫn còn mờ nhạt, trong khi thị trường trong nước với nhu cầu ổn định chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng sản lượng bán hàng của Thép Nam Kim.

Bên cạnh đó, lượng hàng tồn kho khá lớn và giá HRC (sản phẩm chính của NKG) diễn biến phức tạp cũng khiến kết quả kinh doanh trong ngắn và trung hạn của Thép Nam Kim chứa nhiều sự không chắc chắn.

Chi phí tài chính và chi phí quản lý bán hàng, dù đã được tiết giảm nhưng vẫn ở mức cao, trên 200 tỷ mỗi quý, sẽ vẫn có thể gây sức ép lên kết quả kinh doanh, đẩy lợi nhuận ròng của Thép Nam Kim về mức âm dù lợi nhuận gộp vẫn khả quan.

Dựa trên giả định giá HRC trung bình quý đạt 637 USD/tấn, VDSC ước tính kết quả kinh doanh quý 2/2023 của Thép Nam Kim sẽ thấp hơn 4% so với quý trước. Giá nguyên liệu trong quý 2 của NKG có thể thấp hơn 15% so với quý trước nhờ tích lũy ở vùng giá thấp và khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho từ các quý trước vẫn còn khoảng 145 tỷ đồng.

Sản lượng bán hàng có thể hồi phục đều ở các nhóm hàng và các thị trường so với quý 1, nhờ vậy biên gộp có thể được cải thiện lên mức gần 10%. Lợi nhuận gộp, EBIT và LNST ước tính lần lượt 454 tỷ, 223 tỷ và 178 tỷ đồng. VDSC cũng đánh giá đây có thể là quý tốt nhất năm 2023 nhờ cả hai yếu tố sản lượng và giá đều thuận lợi.

Quý 1/2023, Thép Nam Kim ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.375 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ. Giá vốn giảm 42% so với quý 1/2022, còn 4.237 tỷ đồng, nhưng vẫn chiếm tới 97% doanh thu thuần. Do đó, lợi nhuận gộp quý 1/2023 của Thép Nam Kim giảm còn 138 tỷ đồng, chỉ bằng 14,4% cùng kỳ.

Quý này, Thép Nam Kim đã tiết giảm tới 72% chi phí bán hàng so với cùng kỳ, nhưng vẫn ở mức 83 tỷ đồng, chi phí tài chính đạt 128 tỷ đồng. Các loại chi phí ở mức cao đặt gánh nặng lên lợi nhuận, khiến công ty ghi nhận khoản lỗ ròng 49 tỷ đồng cho quý 1/2023, trong khi cùng kỳ lãi 507 tỷ đồng. Đây là quý thứ 3 liên tiếp NKG ghi nhận mức lỗ sau thuế.

Còn nhiều rào cản cho sự hồi phục của thị trường thép trong trung hạn

Nửa cuối năm 2023, VDSC dự kiến Thép Nam Kim sẽ có thể đối mặt với nhiều rào cản như đà giảm của giá HRC, như cầu thép yếu trong quý 3 và thị trường thiếu động lực tăng nhu cầu trong trong trung và dài hạn.

Do đó, tính chung cả năm 2023, VDSC cho rằng kết quả kinh doanh của Thép Nam Kim sẽ thấp hơn kế hoạch mà doanh nghiệp đã thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2023. Kết quả dự phóng được VDSC tính dựa trên giả định giá HRC cả năm đạt trung bình 680 USD/tấn, đồng nghĩa với việc giá HRC sẽ quay đầu tăng trong các tháng còn lại của năm.

Năm 2023, Thép Nam Kim đặt kế hoạch sản lượng tiêu thụ đạt 940.000 tấn (tăng trưởng 7,5% so với thực hiện năm 2022), tổng doanh thu 20.000 tỷ đồng (giảm 13%), lợi nhuận trước thuế 400 tỷ đồng (năm 2022 lỗ ròng 46 tỷ đồng).

Nếu giá HRC ổn định, biên lợi nhuận gộp cả năm của Thép Nam Kim có thể đạt 6,4%, tương đương với năm ngoái. Sản lượng tiêu thụ cả năm được dự phóng bằng với năm trước, doanh thu giảm 19% chủ yếu do mặt bằng giá HRC thấp hơn hẳn (khi giá trung bình năm 2022 đạt 876 USD/tấn).

Theo VDSC, Thép Nam kim có thể cắt giảm các loại chi phí như chi phí quản lý bán hàng (do giảm xuất khẩu), chi phí tài chính cũng có thể giảm nhờ tỷ giá ổn định. Ngoài ra, nhờ không còn nợ vay dài hạn nên chi phí lãi vay của NKG có thể tiếp tục thuận lợi. Tuy nhiên, nợ ngắn hạn duy trì quanh 5.000 tỷ đồng để tài trợ cho vốn lưu động và mặt bằng lãi suất cao sẽ tiếp tục gây sức ép lên kết quả kinh doanh.

Do đó, VDSC dự phóng lợi nhuận ròng năm 2023 của Thép Nam Kim có thể đạt 246 tỷ đồng, tương đương EPS 756 đồng. Kết quả cho thấy sự hồi phục so với khoản lỗ 67 tỷ đồng cùng kỳ, dù còn cách khá xa mục tiêu lãi 400 tỷ đồng lãnh đạo công ty kỳ vọng, thể hiện tiềm năng hồi phục của NKG sau giai đoạn khó khăn của cả nền kinh tế.

VDSC cho rằng thị trường thép hiện tại đang thiếu đi sự hỗ trợ từ nhân tố quyết định chính là sản lượng tiêu thụ. Đây là nhân tố tác động trực tiếp đến doanh thu đồng thời là yếu tố cân bằng giữa giá đầu ra và đầu vào cho doanh nghiệp, góp phần ổn định biên lợi nhuận gộp nhờ đẩy mạnh vòng quay hàng tồn kho.

Tốc độ tiêu thụ chậm hiện tại được cho là nguyên nhân chính khiến biên gộp của nhiều nhà máy gặp sức ép từ cả đầu ra và đầu vào. Điều này đã diễn ra trong nửa cuối năm 2022 đối với thị trường thép và có thể lặp lại cho đến khi thị trường bất động sản - xây dựng xác định được động lực tăng trưởng rõ ràng trong dài hạn.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Quý đầu năm 2024, Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng, giảm 92% so với mức 11.917 tỷ đồng của quý cùng kỳ năm ngoái. Lý giải nguyên nhân, doanh nghiệp này cho biết do chưa đến kỳ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cho các sản phẩm đang xây dựng dở dang.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của DBC tổ chức sáng ngày 27/4 tại TP Bắc Ninh. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Dabaco muốn chào bán hơn 140 triệu cổ phiếu

CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 vào sáng ngày 27/4 tại TP Bắc Ninh. Tính đến 9h30 cuộc họp với sự tham dự của 294 cổ đông và người được ủy quyền, đại diện cho 53,59% vốn điều lệ DBC.
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.