Vì sao cổ phiếu Vietnam Airlines bị đưa vào diện kiểm soát?

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
12:06 - 28/10/2021
Lần đầu tiên hãng hàng không Vietnam Airlines bị âm vốn chủ sở hữu hơn 2.750 tỉ đồng.
Lần đầu tiên hãng hàng không Vietnam Airlines bị âm vốn chủ sở hữu hơn 2.750 tỉ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Nếu đến ngày 31-12-2021 khoản lỗ lũy kế vẫn vượt quá số vốn điều lệ, thì cổ phiếu HVN sẽ rơi vào diện hủy niêm yết bắt buộc.

Sở GDCK TP.HCM (HoSE) vừa ban hành quyết định chuyển cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát từ ngày 3/11. Theo đó, HVN sẽ bị hạn chế thời gian giao dịch, chỉ được phép giao dịch trong phiên chiều.

Nguyên nhân do Vietnam Airlines ghi nhận lỗ ròng 8.458 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, đồng thời lỗ lũy kế tính tới cuối tháng 6 là 17.808 tỷ đồng, trong khí vốn điều lệ thực góp xấp xỉ 14.183 tỉ đồng. Trải qua khó khăn của đại dịch, lần đầu tiên hãng bay này bị âm vốn chủ sở hữu hơn 2.750 tỉ đồng.

Theo quy định hiện hành tại Khoản 1, Điều 120, Nghị định 155/2020, cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc nếu có kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong ba năm liên tục; tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp; vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.

Nếu đến ngày 31-12-2021 khoản lỗ lũy kế vẫn vượt quá số vốn điều lệ, thì cổ phiếu HVN sẽ rơi vào diện hủy niêm yết bắt buộc.

Trước đó, Vietnam Airlines đã gửi kiến nghị tới Thủ tướng tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp ngày 26.9 cho phép xem xét doanh nghiệp này là trường hợp đặc biệt được duy trì niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) trong giai đoạn ngắn có thể âm vốn chủ sở hữu.

Từ đầu năm, để giải quyết tình trạng âm vốn, HVN đã tăng vốn điều lệ thêm 7.961 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Bên cạnh đó, HVN cũng được vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng. Đồng thời, hãng hàng không quốc gia cũng lên kế hoạch bán 11 tàu bay A321 sản xuất năm 2004 và 2007-2008 và lùi thời gian nhận tàu bay mới.

Mới đây, vào ngày 13/9/2021, SCIC cũng đã giải ngân số tiền 6.894,9 tỷ đồng mua cổ phiếu để nắm giữ tối thiểu 31,08% vốn điều lệ của Vietnam Airlines, góp phần bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cải thiện khả năng thanh toán trong ngắn hạn của Vietnam Airlines, hạn chế các tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Đọc tiếp