Việt Nam đối mặt nguy cơ 'già trước khi giàu'

An sinh Việt nAM
22:03 - 20/04/2022
0:00 / 0:00
0:00
Dự báo đến năm 2039, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia dân số già và phải đối mặt với nguy cơ “già trước khi giàu”. Do đó, thời điểm hiện nay được đánh giá là thích hợp để đưa ra những thay đổi chính sách, đảm bảo độ phủ an sinh xã hội bền vững.

Nghị quyết số 15-NQ/TW được ban hành ngày 1/6/2012 bao gồm một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020 đã bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, đạt nhiều thành tựu, cải thiện chỉ số phát triển con người (HDI) Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao phúc lợi xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện, những thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội đang đặt ra yêu cầu cần có sự tiếp tục cải cách nghị quyết này.

Còn nhiều khoảng trống

Chia sẻ những kết quả đã đạt được tại hội thảo “Đánh giá 10 năm thực hiện chính sách an sinh xã hội Việt Nam giai đoạn 2012 – 2022: Xu hướng và khoảng trống ngày 20/4, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi cho biết, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, bình quân mỗi năm cả nước giải quyết chế độ trợ cấp một lần cho 6.000 – 8.000 trường hợp người có công với cách mạng và hiện cả nước có trên 1,3 triệu người có công được hưởng trợ cấp hàng tháng.

Bình quân hàng năm giải quyết việc làm trong nước cho 1,5 - 1,6 triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức 2% - 2,2%. Số người tham gia Bảo hiểm xã hội tăng từ 10,2 triệu người (2011) lên gần 16,6 triệu người (2021).

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi (bên trái) và ông André Gama, Giám đốc Chương trình An sinh Xã hội của ILO Việt Nam chủ trì Hội thảo. Ảnh: Bộ LĐTB&XH.
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi (bên trái) và ông André Gama, Giám đốc Chương trình An sinh Xã hội của ILO Việt Nam chủ trì Hội thảo. Ảnh: Bộ LĐTB&XH.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2015 và 2016 - 2020 được thực hiện hiệu quả. Thu nhập bình quân của hộ nghèo đến cuối năm 2020 tăng 3,5 lần so với năm 2010.

Việt Nam đã đạt Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc về xóa đói giảm nghèo trước thời hạn 10 năm và được cộng đồng quốc tế đánh giá là hình mẫu trong cuộc chiến chống đói nghèo. “Những thành quả đạt được trong thời gian qua, khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta”, Thứ trưởng Hồi nhấn mạnh.

Bên cạnh các kết quả đạt được, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho rằng, việc thực hiện một số chính sách xã hội còn có những hạn chế, bất cập. Một số chính sách an sinh xã hội chưa bao phủ hết các nhóm đối tượng thiếu bền vững, thực hiện thiếu đồng bộ, chưa đồng đều giữa các địa phương, chênh lệch về mức sống, hưởng thụ văn hóa, tinh thần giữa các vùng, miền, nhóm đối tượng còn lớn.

Mức trợ cấp xã hội còn thấp, chất lượng an sinh xã hội có mặt còn hạn chế, đời sống của một bộ phận dân cư còn nhiều khó khăn. Hệ thống quản lý còn bất cập, trình độ quản lý chưa cao, vẫn còn hiện tượng lạm dụng, trục lợi chính sách.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi

“Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số, với tỷ lệ người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) chiếm trên 10% tổng dân số từ năm 2011. Việt Nam cũng là một trong 5 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Dự báo đến năm 2039, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia dân số già và phải đối mặt với nguy cơ già trước khi giàu”.

“Việt Nam cũng là một trong những nước chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, thu hẹp diện tích đất ở, đất sản xuất…. tác động tiêu cực đến cuộc sống và sinh kế của người dân, tạo áp lực đến hệ thống an sinh xã hội trong việc đảm bảo quyền con người tiếp cận các cơ hội việc làm và các dịch vụ xã hội cơ bản”, Thứ trưởng Hồi cho biết.

Đánh giá về thực tiễn các chính sách an sinh xã hội tại Việt Nam, ông Andre Gama, Giám đốc Chương trình An sinh xã hội của Tổ chức ILO cũng cho rằng, các chính sách an sinh xã hội với độ bao phủ dân số thấp, dưới 20% hộ gia đình ở Việt Nam nhận được trợ cấp từ các chương trình an sinh xã hội với mức trợ cấp còn thấp. Cùng với đó, vẫn còn tồn tại khoảng cách giới, chỉ 12% phụ nữ nhận được lương hưu từ Bảo hiểm xã hội so với 26% nam giới, trong khi lương hưu của nữ giới cũng thấp hơn 20% so với nam giới.

“Khu vực có khoảng trống bao phủ lớn nhất là khu vực việc làm phi chính thức với mức độ bảo vệ còn thấp. Trở ngại đến từ việc thiếu một khuôn khổ an sinh xã hội tổng thể; khả năng phối hợp và liên kết thấp giữa các nhánh chính sách an sinh xã hội khác nhau; tiêu chí xác định đối tượng nghiêm ngặt cho một số chương trình an sinh xã hội; thiếu sự liên kết an sinh xã hội và chính sách việc làm, chính sách kinh tế; đầu tư công cho an sinh xã hội còn khá thấp”, ông Andre Gama chỉ ra.

Cải cách chính sách xã hội lấy con người là trung tâm

Trước những yêu cầu mới, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho rằng, Việt Nam cần có kế hoạch tổng thể nghiên cứu, tổng kết, đánh giá các chính sách an sinh xã hội hiện hành và nghiên cứu xây dựng, đề xuất với Trung ương một Nghị quyết mới về chính sách xã hội cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Đây là việc hết sức cần thiết, nhằm quản lý và phát triển xã hội phù hợp với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và là nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Dự thảo Nghị quyết mới sẽ được trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII để thông qua vào Hội nghị Trung ương 7 vào nửa đầu năm 2023.

“Cần tiếp tục lấy con người là trung tâm của quá trình phát triển, đảm bảo các vấn đề xã hội được quản lý và giải quyết bằng công cụ chính sách xã hội. Các chính sách này phải được xây dựng và triển khai thực hiện hài hòa, đồng bộ với phát triển kinh tế. Trong đó, xác định đầu tư cho con người, cho chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển nhằm đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững”, Thứ trưởng Hồi nhấn mạnh.

Đưa ra khuyến nghị về quá trình cải cách này, Giám đốc Chương trình An sinh Xã hội của ILO Việt Nam André Gama lưu ý rằng, Việt Nam cần có những cải cách phù hợp với thực tế bối cảnh kinh tế xã hội và dựa trên thành công đã đạt được trong thập kỷ qua. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh những cải cách như vậy cần được thiết kế và thực hiện đồng loạt.

Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Quốc gia ILO tại Việt Nam

"Để tiếp tục tiến tới tầm nhìn an sinh xã hội cho toàn dân, Việt Nam phải tiếp tục dành những nỗ lực và nguồn lực đáng kể cho việc tăng cường hệ thống an sinh xã hội trên nhiều chiều cạnh khác nhau".

Trong khi đó, đứng từ góc độ tổ chức lao động quốc tế, Giám đốc Quốc gia ILO tại Việt Nam Ingrid Christensen khẳng định, Việt Nam phải tiếp tục dành những nỗ lực và nguồn lực đáng kể cho việc tăng cường hệ thống an sinh xã hội trên nhiều khía cạnh khác nhau. "ILO sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới thông qua những khuyến nghị và dự án", bà Christensen cam kết.

Tin liên quan

Đọc tiếp