Chương trình phục hồi KT-XH: Chú trọng hỗ trợ dòng tiền cho DN, an sinh xã hội cho người dân

CHÍNH SÁCH Việt nAM
10:26 - 06/12/2021
Chương trình phục hồi KT-XH: Chú trọng hỗ trợ dòng tiền cho DN, an sinh xã hội cho người dân
0:00 / 0:00
0:00
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, mục tiêu ưu tiên của Chương trình phục hồi KT-XH là khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, hướng tới tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp và tạo thuận lợi cho người dân.

Sáng 6/12, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức phiên toàn thể của Diễn đàn cấp cao và Triển lãm thực tế ảo về Công nghiệp 4.0.

Trong khuôn khổ phiên toàn thể, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) Trần Quốc Phương nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng, triển khai chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội với phạm vi, quy mô đủ lớn để nền kinh tế sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại như trước khi có dịch.

Xây dựng, triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để tránh "lỡ nhịp" xu hướng toàn cầu

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII xác định về tầm nhìn và định hướng phát triển: đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 cũng đặt mục tiêu tương tự, ngoài ra phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 6,5 - 7%/năm, đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700-5.000 USD/ người/ năm, đến năm 2030, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.500 USD/ người/ năm.

Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 trong thời gian qua đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống kinh tế xã hội cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn, thậm chí nguy cơ tác động đến việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, các kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm.

Trong bối cảnh đó, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, duy trì và ổn định đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, tính riêng năm 2021, tổng số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ước tính khoảng 138 nghìn tỷ đồng. Trong đó số tiền miễn giảm khoảng 23 nghìn tỷ đồng, gia hạn khoảng 115 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra là các hỗ trợ liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, bảo đảm vốn vay và thanh khoản cho nền kinh tế, cắt giảm lãi suất cho vay…

Ảnh tác giả

“Mặc dù chính sách hỗ trợ được đánh giá kịp thời, có nhiều ý nghĩa nhưng chưa đủ phạm vi, quy mô để nền kinh tế sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại như trước khi có dịch. Nếu không sớm xây dựng và triển khai khung chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Việt Nam có nguy cơ lỡ nhịp với xu hướng phục hồi của kinh tế toàn cầu”.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương

Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Nghị quyết 128/NQ-CP về quy định “thích ứng tạm thời, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đã phát huy tác động tích cực đến nền kinh tế trên nhiều ngành, lĩnh vực. Dựa trên cơ sở đó, bám sát quan điểm của Đảng và Quốc hội và ý kiến thảo luận tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Bộ KH&ĐT hiện đang tham vấn xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gắn với chiến lược phòng, chống dịch COVID-19.

Chính sách hỗ trợ phải hiệu quả, kịp thời, bảo đảm công khai, minh bạch

Trong khuôn khổ phiên cấp cao của Diễn đàn công nghệ 4.0 sáng 6/12, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đưa ra 5 nguyên tắc chính trong xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023.

Đầu tiên, chính sách hỗ trợ phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, hài hòa, hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác. Đồng thời, bám sát quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, gắn kết chặt chẽ với các mục tiêu của các kế hoạch 5 năm và hàng năm.

Bên cạnh đó, chính sách phải có quy mô, nguồn lực đủ lớn, xác định đối tượng hỗ trợ, thời gian, lộ trình, thời hạn thực hiện phù hợp, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Quan trọng không kém, chính sách hỗ trợ phải khả thi, kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, một số chính sách có tác động trong trung và dài hạn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tính tự chủ, hỗ trợ cơ cấu lại nền kinh tế.

Cuối cùng, chính sách hỗ trợ phải bảo đảm công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lợi ích nhóm, góp phần khơi dậy và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, hệ thống chính trị trong tổ chức thực hiện.

5 nhóm giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội

Dựa trên quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, gắn kết chặt chẽ với các mục tiêu của các kế hoạch 5 năm và hàng năm, Bộ KH&ĐT đề ra 5 nhóm giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội trọng tâm.

Nhóm giải pháp đầu tiên liên quan đến thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch.

Trong đó, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 tạo thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh, tiết giảm chi phí.

Bộ KH&ĐT đề xuất thí điểm và thực hiện lộ trình mở cửa phù hợp đối với du lịch, vận tải hàng không, các dịch vụ giải trí, văn hóa, nghệ thuật, gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh. Song song, hướng tới thực hiện thống nhất các quy định về đi lại, di chuyển của lao động, về lưu thông hàng hóa, dịch vụ và bảo đảm sản xuất an toàn. Đồng thời, chú trọng thúc đẩy xã hội hóa, bảo đảm nguồn lực cho phòng, chống dịch, ưu tiên nguồn lực đầu tư, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng, hiện đại hóa ngành y tế.

Nhóm giải pháp quan trọng tiếp theo liên quan đến an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm. Trong nhóm này, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh một số giải pháp khả thi cụ thể như hỗ trợ chi phí thuê nhà cho người lao động tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh.

Bên cạnh đó, xem xét cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội để hỗ trợ giải quyết việc làm, hỗ trợ học sinh, sinh viên, cho vay mua, thuê nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; các hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại người lao động... Ngoài ra, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, trên các lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, lao động, người có công.

Nhóm giải pháp thứ ba cực kỳ quan trọng liên quan đến hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Đáng chú ý, trong nhóm giải pháp này, Bộ KH&ĐT đề xuất tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động của các ngân hàng thương mại để có dư địa giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nhất là trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên. Ngoài ra, tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, các chính sách cơ cấu lại nợ, tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp, tiếp tục cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ lãi suất cho vay hợp lý trong một số ngành, lĩnh vực.

Đề xuất này thống nhất với quan điểm của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua về việc tiếp tục đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, trong điều kiện cho phép tiếp tục ổn định mặt bằng lãi suất, theo khẳng định của Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 hôm 5/12.

Nhóm giải pháp thứ tư do Bộ KH&ĐT đề xuất liên quan đến phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Trong đó nhấn mạnh việc tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp thiết, có sức lan tỏa lớn, tác động nhanh đến phát triển các ngành, lĩnh vực, vùng, địa bàn động lực tăng trưởng; bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm và tính đến khả năng hấp thụ vốn.

Nhóm giải pháp cuối cùng không kém phần quan trọng là hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nội dung trọng tâm trong nhóm giải pháp này là đề xuất liên quan đến tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm trong đầu tư công, quản lý tài sản nhà nước, song song điều chỉnh linh hoạt các công cụ chính sách vĩ mô để kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và các cân đối về thương mại, đầu tư, ngân sách Nhà nước, kiểm soát bội chi, nợ công trong ngưỡng an toàn, có giải pháp xử lý nợ xấu phù hợp.

Ngoài ra, Bộ KH&ĐT đề xuất đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường xử lý trên nền tảng trực tuyến; phát triển bền vững các thị trường khoa học công nghệ, lao động, bất động sản; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm về năng lượng, hạ tầng lưới điện truyền tải, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng...

Nhóm 5 giải pháp này kỳ vọng sẽ thúc đẩy tính hiệu quả của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, hướng tới 3 mục tiêu chính mà Bộ KH&ĐT đề ra.

Trong đó, mục tiêu ưu tiên là khôi phục nhanh các chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động và thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 6,5% - 7%/ năm, đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn trong trung và dài hạn.

Bên cạnh đó, hướng tới phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, hướng tới tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp và tạo thuận lợi cho người dân trên cơ sở thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Cuối cùng, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Ngày 27/11, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo 318/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT tiếp tục hoàn thiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, báo cáo Chính phủ và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 30/11.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định cần có gói hỗ trợ quy mô đủ lớn, thời gian thực hiện phù hợp, hỗ trợ cho cả phía cung và cầu, phối hợp linh hoạt chính sách tiền tệ và tài khóa, phải tập trung vào các chính sách có hiệu quả nhanh chóng kịp thời nhưng đồng thời phải lường trước các tác động dài hạn, song song phải xây dựng cơ chế thực hiện khả thi, hiệu quả, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm và xem xét khả năng hấp thụ, vay trả của nền kinh tế. Dự tính thời gian thực hiện hỗ trợ trong 2 năm (2022 - 2023).

Tin liên quan

Đọc tiếp