Quy mô cho an sinh xã hội trong Chương trình phục hồi KT-XH còn 'hơi ít'

An sinh Việt nAM
15:42 - 08/01/2022
Quy mô cho an sinh xã hội trong Chương trình phục hồi KT-XH còn 'hơi ít'
0:00 / 0:00
0:00
Đây là băn khoăn của Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khi luận thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội .

Bộ trưởng Dung cho rằng việc Quốc hội tổ chức một kỳ họp bất thường để bàn các vấn đề quan trọng là "rất đúng và trúng". Ông kỳ vọng Chương trình sẽ có sức lan tỏa lớn, tạo đột phá, nền tảng cho sự phát triển, đảm bảo sàn an sinh tối thiểu, tạo nền tảng cho sự phục hồi thị trường lao động...

Nêu ý kiến chi tiết hơn về Chương trình phục hồi, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết sẽ tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022 - 2023. Các nội dung này cơ bản tương đối đồng bộ, quy mô phù hợp.

Theo phân bổ của Chương trình phục hồi, sẽ có 53.150 tỉ đồng được dành để bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm. Còn lại 60.000 tỉ đồng sẽ được dùng để mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng chống dịch bệnh; 110.000 tỉ đồng hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp; 113.850 tỉ đồng phát triển kết cấu hạ tầng.

Đánh giá về sự phân bổ trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng quy mô dành cho an sinh xã hội còn "hơi ít, hơi nhẹ", chính sách hiện chủ yếu tập trung đầu tư công và các công trình. Trong khi đó, giải đáp một số băn khoăn của đại biểu về nội dung liên quan đến phục hồi thị trường lao động, Bộ trưởng Dung đề cập đến việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm.

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung

"Theo dự thảo Chương trình, đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp các cơ sở bảo trợ xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm sẽ là 3.150 tỷ đồng. Nhưng nếu tách ra thì thực chất đào tạo nghề, bồi dưỡng lao động chỉ có khoảng 1.500 tỷ đồng. Để phục vụ cho việc phục hồi toàn bộ thị trường lao động thì số tiền này có lớn hay không”?

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế thì đề cập đến băn khoăn trong vấn đề liên quan đến tiến độ thực hiện các gói phục hồi. Về vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh việc triển khai sẽ nhanh chóng và đảm bảo được tiến độ. Theo ông, cơ sở để khẳng định điều này vì trước đó Chương trình phát triển giáo dục nghề nghiệp với 80 trường chất lượng cao đã được phê duyệt. Sau đó, Chính phủ trình vào chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững với tổng số vốn 11.500 tỷ đồng.

Tại kỳ họp thứ 2, chương trình nói trên tạm được gác lại để đưa vào đầu tư công nên tính đến nay vẫn chưa bố trí được. "Dự án có rồi, chương trình có rồi, giờ chỉ điều chỉnh lựa chọn lại cho chuẩn xác. Sau khi Quốc hội quyết, Chính phủ ban hành thì bắt đầu triển khai ngay", Bộ trưởng Dung khẳng định.

Cũng trong tổng thể chung của Chương trình phục hồi Kinh tế - Xã hội mà Quốc hội đang họp bàn, liên quan đến việc hỗ trợ lực lượng lao động tự do, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong quá trình chuẩn bị, Bộ LĐTB&XH đã đề xuất một số nội dung như hỗ trợ để giữ chân người lao động; thu hút người lao động quay trở lại làm việc; hỗ trợ cho người lao động tạo được việc làm mới ở địa phương và lực lượng lao động phi chính thức.

Bên cạnh đó, ông còn đề cập tới vấn đề nhà ở, nhà trọ cho công nhân và nhận định đây là "vấn đề rất khó" dù đó là an sinh tối thiểu của người lao động, ngoài công ăn việc làm.

“Trong vấn đề nhà ở, nhà trọ cho công nhân và người lao động, để tính khả thi cao, cần tính đến việc hỗ trợ thông qua doanh nghiệp như giảm lãi suất, cho vay xây nhà, hỗ trợ nhà trọ cho người lao động, khi để doanh nghiệp xây nhà ở cho công nhân, sẽ gắn với người lao động. Còn về giải pháp lâu dài, khi lập khu công nghiệp, khu chế xuất thì cần có quy hoạch nhà ở cho công nhân, đảm bảo mức an sinh tối thiểu cho người lao động, tránh để tình trạng như vừa qua”, Bộ trưởng Dung đề xuất.

Do đó, giải pháp lâu dài, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho rằng nhất thiết khi đặt ra Khu công nghiệp, Khu chế xuất cần phải có quy hoạch nhà ở cho công nhân, lao động để sàn an sinh tối thiểu của người lao động được đảm bảo.

Cũng bàn về vấn đề công nhân và lao động, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá hiện sức cầu của nền kinh tế còn yếu, vì vậy phải tăng tổng cầu, nhất là những khu vực ảnh hưởng bị dịch bệnh, những đối tượng hỗ trợ gặp khó khăn, nhất là người nghèo, công nhân. Ông cũng đồng ý với đề xuất trong tờ trình về tăng bội chi, vay quỹ dự trữ nguồn hối, phát hành trái phiếu, hỗ trợ thuê tiền nhà trọ cho người lao động, giảm thuế, phí, giảm trừ thu nhập chịu thuế cho doanh nghiệp.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

“Trong quá trình tài trợ gói tài khóa, tiền tệ, để hỗ trợ Chương trình phát triển kinh tế xã hội phải nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cả lượng và chất, năng suất lao động, những giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ tốt hơn, mạnh hơn. Đặc biệt là vấn đề lao động, việc làm, đào tạo nghề phải được giải quyết tổng thể, có kết quả cụ thể”.

Bày tỏ sự đồng tình với các ý kiến đưa ra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thì đề nghị trong quá trình Quốc hội thảo luận, các cơ quan tiếp tục rà soát thêm, với mong muốn làm sao để cân đối hơn nữa giữa Kinh tế và Xã hội trong tổng thể Chương trình.

“Cần bảo đảm cân đối hơn nữa các chính sách dành cho lĩnh vực kinh tế và lĩnh vực xã hội, tính toán đến vấn đề lao động, lao động phi chính thức, khôi phục cơ cấu, thị trường lao động, nâng cao chất lượng lao động hay vừa bảo đảm xử lý các vấn đề cấp bách trước mắt vừa bảo đảm các vấn đề phát triển lâu dài và phù hợp với định hướng tái cơ cấu nền kinh tế”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Thông tin thêm về hiệu quả của 2 gói chính sách an sinh xã hội lớn thời gian qua - Nghị quyết 68 và sử dụng kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết 2 chương trình này đã hỗ trợ 71.000 tỷ đồng. Số lượng người lao động được thụ hưởng là trên 42,8 triệu lượt. Tiến độ giải ngân đều đảm bảo đạt và vượt và đây là thành công trong việc hỗ trợ người lao động, đảm bảo an sinh xã hội.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.