Việt Nam kiên trì chính sách thông thoáng để thành điểm đến hàng đầu

Việt nAM WEF
08:17 - 18/01/2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì tọa đàm "Việt Nam - Điểm đến hàng đầu ASEAN về đầu tư bền vững", tại Davos (Thụy Sỹ), ngày 17/1. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì tọa đàm "Việt Nam - Điểm đến hàng đầu ASEAN về đầu tư bền vững", tại Davos (Thụy Sỹ), ngày 17/1. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính mong các nhà đầu tư tiếp tục đến với Việt Nam, mang tới nguồn vốn, công nghệ hiện đại, góp ý hoàn thiện thể chế, đồng thời khẳng định rằng Chính phủ Việt Nam luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư.

Sáng 17/1 theo giờ địa phương, tại Davos, Thụy Sỹ, trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Davos 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì tọa đàm "Việt Nam - Điểm đến hàng đầu ASEAN về đầu tư bền vững".

Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất

Tại tọa đàm, ông Don Lam, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital đánh giá năm 2023, GDP Việt Nam tăng trưởng 5,05%, đây là con số ấn tượng. Việt Nam cũng kiểm soát được lạm phát, triển khai các biện pháp tài khóa phù hợp, đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng, thu hút FDI đạt mức cao. Về đối ngoại, năm 2023, Việt Nam là quốc gia duy nhất đón cả Tổng thống Hoa Kỳ và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc tới thăm.

Ông Don Lam khẳng định, Việt Nam đã tạo môi trường an toàn, bền vững, bảo đảm đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất không chỉ trong khu vực mà còn trên thế giới và chắc chắn Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tiến sĩ Philipp Rösler (giữa), nguyên Phó Thủ tướng Đức, nguyên Giám đốc điều hành WEF, hiện là Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Thụy Sỹ, điều phối tọa đàm. Ảnh: VGP

Tiến sĩ Philipp Rösler (giữa), nguyên Phó Thủ tướng Đức, nguyên Giám đốc điều hành WEF, hiện là Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Thụy Sỹ, điều phối tọa đàm. Ảnh: VGP

Dưới sự điều phối của Tiến sĩ Philipp Rösler, nguyên Phó Thủ tướng Đức, nguyên Giám đốc điều hành WEF, hiện là Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Thụy Sỹ, các nhà đầu tư và đại diện YPO phát biểu đánh giá về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đối thoại cởi mở, chân thành, thẳng thắn, cùng tìm ra những cơ hội mới và thúc đẩy các hoạt động hợp tác đầu tư, chia sẻ về kế hoạch đầu tư thời gian tới.

Ông Thomas Serva, Giám đốc điều hành Baracoda Group (Pháp), cho biết Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất, với nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Pháp. Doanh nghiệp này mong muốn tham gia xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.

Sự cân bằng lớn nhất trong thu hút đầu tư

Phát biểu tại tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong bối cảnh khó khăn, Việt Nam tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi trong kiểm soát.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định thế giới dù có chao đảo thì Việt Nam vẫn kiên trì chính sách để trở thành điểm đến hàng đầu. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định thế giới dù có chao đảo thì Việt Nam vẫn kiên trì chính sách để trở thành điểm đến hàng đầu. Ảnh: VGP

Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá phù hợp và thực tế thời gian qua, đồng tiền Việt Nam vẫn tương đối ổn định so với các đồng tiền khác. Cũng trong năm 2023, người dân và các tổ chức kinh tế gửi vào ngân hàng khoảng 13,5 triệu tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay, cho thấy thu nhập được cải thiện và niềm tin của người dân.

"Chính sách phải thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh. Dù thế giới có chao đảo thì chúng tôi vẫn kiên trì những chính sách này, trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, nhà đầu tư và cùng chia sẻ khi có rủi ro. Đây chính là sự cân bằng lớn nhất", Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, nếu sự cân bằng, hài hòa này không giữ được thì cấu trúc hợp tác sẽ đổ vỡ, không thể bảo đảm hợp tác, đầu tư bền vững, lâu dài, hiệu quả.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý rằng Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô kinh tế còn khiêm tốn, sức chống chịu còn hạn chế nhưng độ mở lớn, một biến động nhỏ bên ngoài có thể ảnh hưởng lớn tới bên trong, do đó nền kinh tế cần có sự điều tiết của nhà nước khi cần thiết.

Thời gian tới, Việt Nam sẽ đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, gồm xây dựng hạ tầng, đào tạo nhân lực chất lượng cao và hoàn thiện thể chế. Cùng đó, Việt Nam sẽ có cơ chế, chính sách ưu tiên với các lĩnh vực, như chuyển đổi số, khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu rõ rằng, Việt Nam xác định xuyên suốt là yếu tố con người, lấy con người là trung tâm, chủ thể, là động lực, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Thủ tướng mong các nhà đầu tư tiếp tục đến với Việt Nam, mang tới nguồn vốn, công nghệ hiện đại, góp ý hoàn thiện thể chế, đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực quản trị hiện đại.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự tọa đàm. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự tọa đàm. Ảnh: VGP

Ông khẳng định Việt Nam luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư; luôn lắng nghe, sẵn sàng đối thoại, chia sẻ, đàm phán, "đã hứa là làm, đã cam kết phải thực hiện" và cũng mong các nhà đầu tư theo tinh thần này.

"Ngay cả với những dự án hợp tác có thua lỗ thì chúng tôi cũng vẫn tôn trọng thỏa thuận đã cam kết, nhưng kiên trì kêu gọi các bên liên quan đàm phán lại, cơ cấu lại dự án để tìm hướng giải quyết", Thủ tướng nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.