Việt Nam - Pháp có nhiều dư địa hợp tác năng lượng xanh

Hợp Tác Pháp
18:19 - 16/04/2023
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc. Ảnh: MPI.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc. Ảnh: MPI.
0:00 / 0:00
0:00
Theo Thứ trưởng KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc, trong bối cảnh Việt Nam thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh, tiềm năng, cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Pháp trong thời gian tới là rất lớn.

Trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam – Pháp lần thứ 12 đang diễn ra từ ngày 13 - 16/4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá cao các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị nhằm tăng cường hợp tác giữa các địa phương của hai nước.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, hiện nay, Việt Nam đang thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Trong bối cảnh đó, tiềm năng, cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Pháp trong thời gian tới là rất lớn.

Cùng với đó, Việt Nam khuyến khích và ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài có chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm gắn với thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư khoa học công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất để đáp ứng và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, tài chính, ngân hàng, y tế, đào tạo nhân lực chất lượng cao, hạ tầng, y tế, dược phẩm.

“Đây là những lĩnh vực mà Pháp có thế mạnh và hai nền kinh tế Việt Nam, Pháp có tính bổ trợ lẫn nhau và còn rất nhiều tiềm năng, dư địa hợp tác và phát triển trong tương lai”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định.

Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam – Pháp lần thứ 12 từ ngày 13 - 16/4. Ảnh: MPI.

Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam – Pháp lần thứ 12 từ ngày 13 - 16/4. Ảnh: MPI.

Về quan hệ Việt Nam - Pháp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, hai nước có mối quan hệ đối tác chiến lược hữu nghị truyền thống trên các trụ cột thương mại, kinh tế, đầu tư.

Đến nay, tổng vốn đăng ký đầu tư của Pháp tại Việt Nam đạt trên 3,8 tỷ USD, đứng thứ 16/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Pháp năm 2022 đạt 5,33 tỷ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp đạt 3,7 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Pháp đạt 1,63 tỷ USD.

Về hỗ trợ phát triển (ODA), Pháp là một trong những nước cung cấp ODA sớm nhất và dẫn đầu châu Âu về vốn cam kết, với mức vốn trung bình tăng đều qua các năm; là mô hình hợp tác ổn định và có hiệu quả cao.

Việt - Pháp có nhiều nền tảng mở rộng hợp tác

Theo Bộ KH&ĐT, năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do bối cảnh trong nước và quốc tế nhưng nhờ có những chính sách đúng đắn, kịp thời nên Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển phát triển kinh tế - xã hội.

Việt Nam duy trì được kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm. Chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt, hiệu quả. Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, nhất là trong thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế.

Theo đó, Việt Nam đã ban hành chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ an sinh xã hội. Nhờ đó, trong bối cảnh khó khăn nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng dương. Hoạt động đầu tư, thương mại tiếp tục đạt kết quả tích cực, đưa Việt Nam nằm trong top 20 nước thu hút FDI lớn nhất và top 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới .

Thứ trưởng KH&ĐT cũng khẳng định, Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của ASEAN, khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Pháp là thành viên chủ chốt của liên minh châu Âu. Việt Nam và Pháp đều là thành viên của Cộng đồng Pháp ngữ cũng như tham gia Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Đây là những nền tảng, tiền đề quan trọng để mở rộng hợp tác, thúc đẩy thương mại, đầu tư giữa hai nước.

“Với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp về đầu tư nước ngoài, vốn hỗ trợ phát triển (ODA), Bộ KH&ĐT cam kết sẽ luôn chia sẻ, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó có các nhà đầu tư Pháp tiến hành đầu tư kinh doanh hiệu quả, bền vững, lâu dài tại Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.