Tín chỉ carbon có ý nghĩa quan trọng với hơn 25 triệu dân Việt Nam đang sống phụ thuộc vào rừng. |
Các dự án trao đổi tín chỉ carbon rừng còn nhiều khó khăn
Cùng với nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đã tham gia "Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo Glasgow về rừng và sử dụng đất" tại COP26 và trở thành "Đối tác của các nhà lãnh đạo về rừng và khí hậu" tại COP27.
Tại Hội thảo kết quả sau COP27 và lộ trình xây dựng thị trường carbon rừng tại Việt Nam", sáng 20/12, ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, các cam kết biến đổi khí hậu COP27 đã hướng đến giải quyết 1 trong 5 thách thức lớn nhất của toàn cầu, đó là nạn mất rừng và suy thoái rừng.
Là một quốc gia có tỷ lệ che phủ rừng lớn trên thế giới, ngành lâm nghiệp Việt Nam không chỉ đóng vai trò quan trọng giúp thích ứng và giảm thiểu với biến đổi khí hậu, mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội chung của cả nước, đặc biệt với hơn 25 triệu dân Việt Nam đang sống phụ thuộc vào rừng.
Tuy nhiên, công tác bảo vệ và phát triển rừng tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khi nguồn tài chính thiếu ổn định và chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu thực tế của ngành.
Do vậy, hợp tác quốc tế nhằm tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn tài chính bền vững cho ngành lâm nghiệp luôn được coi là ưu tiên hàng đầu. Trong đó, việc thúc đẩy hợp tác xây dựng các giải pháp huy động nguồn tài chính thông qua phát triển thị trường carbon rừng là một nhiệm vụ quan trọng.
Thị trường carbon đã được cộng đồng quốc tế thúc đẩy là một trong những cơ chế tài chính hiệu quả để giảm phát thải từ mất rừng và bảo vệ rừng. Trong giai đoạn 2017 - 2019, thế giới đã ghi nhận những dấu hiệu tích cực cho sự phát triển của thị trường carbon rừng với gần 400 triệu USD được tạo ra từ các giao dịch thị trường carbon tự nguyện toàn cầu.
Có ít nhất 5,9 tỷ USD đã được chi trả cho các dự án bồi hoàn carbon rừng trên toàn thế giới và ít nhất 1,3 tỷ USD đã được các bên tăng cường giải ngân hoặc ký hợp đồng để hỗ trợ các nước đang phát triển bảo vệ rừng.
Tuy nhiên, các giao dịch này chưa tương xứng với tiềm năng của ngành lâm nghiệp và chịu nhiều ảnh hưởng của các luật định quốc tế về vận hành thị trường carbon.
Ở Việt Nam, theo ông Bảo, việc triển khai các dự án trao đổi tín chỉ carbon rừng còn gặp nhiều khó khăn từ các vấn đề kỹ thuật, đàm phán quốc tế đến chủ trương, chính sách trong nước do thị trường carbon trong nước chưa được thiết lập.
"Ngành lâm nghiệp Việt Nam đang chuẩn bị và triển khai một số dự án trao đổi tín chỉ carbon rừng, nhằm huy động nguồn tài chính bổ sung cho ngành lâm nghiệp để đầu tư trực tiếp cho quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời góp phần góp phần xây dựng thị trường carbon trong nước và tham gia thị trường carbon thế giới”.
Đẩy nhanh quá trình xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon
Nói về lộ trình phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, ông Nguyễn Văn Minh, Cục biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, từ nay đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, các hoạt động trao đổi hạn ngạch và quy chế vận hành sàn giao dịch.
Cùng với đó là triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các bon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon… Từ năm 2028 trở đi sẽ tổ chức vận hành giao dịch tín chỉ carbon chính thức.
Tín chỉ carbon là giấy phép cho phép mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh phát thải khí CO2. Mỗi tín chỉ carbon được xác nhận là 1 tấn CO2, hoặc 1 tấn khí nhà kính khác quy đổi ra 1 tấn CO2, gọi chung là 1 tấn CO2. Tín chỉ carbon rừng được xác định từ lượng CO2 được tạo ra. Chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2, ra tín chỉ carbon và có thể bán tín chỉ này tại thị trường carbon qua cơ chế giảm phát thải khí nhà kính. Tín chỉ carbon cũng được xem là mặt hàng mới được tạo ra khi thực hiện các hoạt động cắt giảm phát thải hoặc hấp thụ khí nhà kính.
Những thỏa thuận giữa các quốc gia và bước tiến mới về Điều 6 tại COP27 quy định về nguyên tắc vận hành của thị trường carbon, đã mang lại cả cơ hội và thách thức cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Việc thiết kế và thực hiện thị trường carbon rừng một cách hiệu quả, hiệu suất và công bằng sẽ được hiện thực hóa trong thời gian tới.
“Việt Nam cần áp dụng con đường nào cho thị trường carbon rừng để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế xã hội như các cam kết là vấn đề lớn cần nhiều nhà hoạch định chính sách vào cuộc”, ông Minh nhấn mạnh.
Quảng Nam là địa phương đầu tiên được Chính phủ đồng ý cho phép lập Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các bon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng trong vòng 5 năm (2021 - 2025).
Theo tính toán, với 680.000 ha rừng, độ che phủ đạt 58,6%, trong đó có 466.113 ha rừng tự nhiên, với khả năng hấp thụ khoảng hơn 11,2 triệu tấn khí các bon trong giai đoạn từ 2018 - 2030, mỗi năm Quảng Nam có thể thu về khoảng 5 triệu USD từ việc bán tín chỉ các bon rừng. Hiện nay, có 5 công ty nước ngoài đăng ký mua lại giấy phép/tín chỉ các bon rừng.
Trước đó, Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) đã được ký kết ngày 22/10/2020 giữa Bộ NN&PTNT và Ngân hàng thế giới. Với thỏa thuận này, Việt Nam sẽ chuyển nhượng lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn CO2e ở vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018 - 2024 cho Ngân hàng Thế giới với tổng số tiền 51,5 triệu USD.