Vietnam Airlines nói gì trước nguy cơ cổ phiếu bị hủy niêm yết

HVN Hàng KHông
15:01 - 16/12/2023
Ban lãnh đạo Vietnam Airlines.
Ban lãnh đạo Vietnam Airlines.
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 16/12, Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HoSE: HVN) đã tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông năm 2023 sau nhiều lần tạm hoãn.

Tại đại hội, Vietnam Airlines đã thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh của tổng công ty trong năm 2022 và kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023.

Cụ thể, kết thúc năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất của công ty đạt 71.775 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần kết quả năm 2021 và lỗ sau thuế 11.223 tỷ đồng, tăng 8,23% so với số lỗ hợp nhất lũy kế ở BCTC quý 4/2022 và cải thiện so với khoản lỗ 13.279 tỷ đồng của cùng kỳ 2021.

Như vậy, hãng hàng không quốc gia đã trải qua 3 năm lỗ liên tiếp với số lỗ lũy kế lên đến 35.000 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu cũng âm 11.056 tỷ đồng. Với kết quả này, theo quy định, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines có thể bị hủy niêm yết trong thời gian tới.

Trả lời về vấn đề này, kế toán trưởng Vietnam Airlines Trần Thanh Hiền cho biết, tình trạng lỗ và âm vốn chủ sở hữu của công ty chủ yếu đến từ các yếu tố khách quan.

"Trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, Vietnam Airlines là một trong những doanh nghiệp đứng đầu vốn hóa trên sàn HoSE và có kết quả kinh doanh rất tốt, có tài chính mạnh. Tuy nhiên khi đại dịch ập đến ngành hàng không đã bị ảnh hưởng nặng nề mà Vietnam Airlines cũng không phải ngoại lệ", ông Hiền chia sẻ.

Do đó, tổng công ty mong muốn cơ quan Nhà nước đánh giá các yếu tố xấu ảnh hưởng đến cổ phiếu HVN là khách quan và kỳ vọng cổ phiếu HVN vẫn được duy trì trên sàn chứng khoán.

Ông Trần Thanh Hiền cũng cho biết công ty đang có nhiều giải pháp để khắc phục hậu quả của Covid-19 tới tình hình sản xuất kinh doanh của tổng công ty, trong đó quan trọng nhất là các đề án tái cơ cấu để công ty có thể tự cân bằng dòng tiền, tự tổ chức sản xuất kinh doanh, khắc phục khả năng hủy niêm yết của HVN.

Ngoài những khó khăn trong năm vừa qua, Vietnam Airlines cũng ghi nhận nhiều kết quả kinh doanh tích cực khi tổng doanh thu cao gấp 2,5 lần so với năm 2021, dòng tiền kinh doanh đã được cải thiện đáng kể, không chỉ đảm bảo sản xuất kinh doanh mà hãng còn bố trí được hơn 7.000 tỷ đồng trả các khoản nợ.

Trả lời câu hỏi khi nào Vietnam Airlines đặt mục tiêu kinh doanh có lãi trở lại, kế toán trưởng Vietnam Airlines nhấn mạnh hãng sẽ đảm bảo khả năng thanh khoản rồi mới tính đến có lãi, tập trung tái cơ cấu để có dòng tiền mới tính đến xóa lỗ lũy kế.

Về kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2023, Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 91.658 tỷ đồng, lỗ sau thuế 5.823 tỷ đồng.

Về kế hoạch vận tải, tổng công ty dự kiến vận chuyển 21,11 triệu lượt hành khách, tăng 15,8% so cùng kỳ và bằng 92,3% năm 2019. Trong đó, khách quốc tế đạt 6,38 triệu khách (bao gồm thuê chuyến), tăng 158,4% so với cùng kỳ và bằng 70,5% so với năm 2019, khách nội địa năm đạt 14,73 triệu khách, giảm 6,6% so với cùng kỳ và tăng 6,7% so với năm 2019.

Để thực hiện mục tiêu này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa cho biết, hãng bay này đã xây dựng các kế hoạch và giải pháp đồng bộ trên mọi lĩnh vực, trong đó đặc biệt chú trọng triển khai đề án tái cơ cấu, với các giải pháp hướng đến mục tiêu cân đối được thu chi kinh doanh từ năm 2024.

Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông năm 2023.
Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông năm 2023.

Hãng sẽ tiến hành các giải pháp tái cơ cấu tài chính như tái cơ cấu nợ vay nước ngoài, sử dụng linh hoạt nguồn vốn vay ngắn hạn, phát hành cổ phiếu tăng vốn sau khi các vướng mắc về cơ chế chính sách được cấp có thẩm quyền tháo gỡ.

Tiếp tục tái cơ cấu danh mục đầu tư và các doanh nghiệp thành viên thông qua chuyển nhượng, thoái vốn, bán một số danh mục đầu tư, tái cấu trúc tài sản thông qua thanh lý tàu bay cũ, bán và thuê lại tàu bay, động cơ, tổ chức rà soát và xây dựng phương án sử dụng đất và tài sản trên đất để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, chuyển đổi số,...

Về kế hoạch bán máy bay, theo lãnh đạo Vietnam Airlines hãng sẽ rao bán 6 máy bay ATR 72 và 9 máy bay A321 đã sử dụng lâu. Năm nay hãng đã bán được 3 chiếc A321 và sẽ bàn giao cho khách hàng vào đầu năm 2024, số còn lại sẽ tiếp tục được mở bán thời gian tới.

Ông Hòa cũng cho biết thêm trong năm 2024, Vietnam Airlines sẽ mở một loạt đường bay quốc tế mới bên cạnh việc tăng tần suất các đường bay hiện hữu. Hãng cũng đang lên kế hoạch đầu tư 1.136 tỷ đồng tại cảng hàng không quốc tế Long, được phép chuyển tiếp giải ngân vào quý 1 đến quý 4/2024.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.
Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Quý đầu năm 2024, Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng, giảm 92% so với mức 11.917 tỷ đồng của quý cùng kỳ năm ngoái. Lý giải nguyên nhân, doanh nghiệp này cho biết do chưa đến kỳ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cho các sản phẩm đang xây dựng dở dang.
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.