VIS Rating: Lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ dần hồi phục năm 2024

Lợi nhuận NGÂN HÀNG
15:34 - 16/11/2023
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
VIS Rating đánh giá, nhiều ngân hàng thương mại sẽ gặp khó khăn trong việc hoàn thành mục tiêu lợi nhuận năm, tuy vậy những tín hiệu hồi phục đang dần rõ nét và lợi nhuận sẽ dần phục hồi vào năm 2024.

Phân tích tình hình ngành ngân hàng 3 quý đầu năm 2023 trong một báo cáo vừa công bố, CTCP Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) cho rằng ngành này đã trải qua một giai đoạn khó khăn khi chất lượng tài sản kém, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm và lợi nhuận suy yếu. Tuy nhiên những tín hiệu hồi phục đang dần rõ nét khi biên lãi thuần và tín dụng được cải thiện.

Kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu mới hình thành sẽ chậm lại

Theo ước tính của VIS Rating, nợ xấu của ngành ngân hàng đã tăng 0,6 điểm % lên 2,2%, chủ yếu đến từ khách hàng bán lẻ và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Nợ tái cơ cấu tăng mạnh kể từ khi Thông tư 02 được ban hành. Quy mô nợ tái cơ cấu chiếm khoảng 1% tổng cho vay toàn ngành tính đến cuối tháng 8/2023 và đang không được phân loại là nợ xấu.

Về chất lượng tài sản, nhóm ngân hàng quốc doanh vẫn tương đối ổn định, tỷ lệ nợ xấu chỉ tăng khoảng 0,5% nhờ tập khách hàng doanh nghiệp lớn và đa dạng.

Trong số các ngân hàng tư nhân, ACB cho thấy sự ổn định cao về chất lượng tài sản, nhờ chính sách cho vay thận trọng.

VIS Rating: Lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ dần hồi phục năm 2024 ảnh 1

VIS Rating kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu mới hình thành sẽ chậm lại do khả năng trả nợ của khách hàng đang dần cải thiện khi điều kiện kinh doanh khả quan hơn và mặt bằng lãi suất ở mức thấp. Các ngân hàng quốc doanh với lịch sử duy trì chất lượng tài sản ổn định, sẽ dẫn dắt sự phục hồi của ngành.

Một vấn đề là, nhiều ngân hàng đã không tăng trích lập dự phòng khi nợ xấu gia tăng. Chi phí tín dụng trên tổng cho vay khách hàng giảm xuống còn 0,8% - 5% trong 9 tháng đầu năm 2023 từ mức 1% - 6% của năm 2022, khiến cho tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu suy yếu.

VIS nhận định, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLCR) của nhóm ngân hàng tư nhân đã xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm do chất lượng tài sản suy giảm mạnh và trích lập dự phòng ở mức khiêm tốn. Trong khi đó, các ngân hàng quốc doanh duy trì tỷ lệ LLCR ở mức cao, khoảng 190% nhờ chất lượng tài sản ổn định.

VIS Rating tuy nhiên vẫn kỳ vọng rằng, bộ đệm rủi ro sẽ phục hồi ở mức khiêm tốn khi lợi nhuận cải thiện, góp phần củng cố quy mô vốn của các ngân hàng.

VIS Rating: Lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ dần hồi phục năm 2024 ảnh 2

Lợi nhuận sẽ dần hồi phục trong năm 2024

Báo cáo phân tích của VIS Rating dự báo, 17/27 ngân hàng được theo dõi sẽ gặp khó khăn trong việc hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm 2023.

Một số ngân hàng tư nhân sẽ khó đạt được mục tiêu lợi nhuận đặt ra, chủ yếu do tăng trưởng tín dụng thấp trong 9 tháng đầu năm, chi phí tín dụng tăng cao và khi có dấu hiệu suy giảm chất lượng tài sản đáng kể hơn.

Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân (ROAA - Return on Average Assets) ngành ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2023 đã giảm xuống 1,5% từ mức đỉnh 5 năm là 1,7% tại năm 2022 do tăng trưởng tín dụng suy yếu và chi phí huy động tăng mạnh sau các đợt tăng lãi suất liên tiếp từ quý 4/2022.

VPBank và Techcombank ghi nhận mức sụt giảm ROAA mạnh nhất lần lượt là 1,6 và 0,7% do lợi suất tài sản suy yếu. Ngoài ra, lợi nhuận của ABBank, TPBank và Eximbank giảm do tăng trưởng tín dụng chậm lại và chi phí tín dụng tăng cao đến từ tập khách hàng bán lẻ và SME.

Ngược lại, những ngân hàng có ROAA cải thiện mạnh và đặt kế hoạch tăng trưởng thận trọng vẫn đang trên đà hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cho năm 2023.

Tuy nhiên, VIS Rating cho rằng lợi nhuận toàn ngành ngân hàng sẽ dần phục hồi trong năm 2024 nhờ NIM được cải thiện khi lãi suất huy động giảm nhanh hơn so với lãi suất cho vay. Đồng thời, nhu cầu tín dụng sẽ tăng lên trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi.

"Khi các khoản tiền gửi có lãi suất cao huy động trong quý 4/2022 dần đáo hạn, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng sẽ giảm đáng kể", VIS Rating phân tích.

VIS Rating cho biết trong quý 3/2023, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của nhóm ngân hàng quốc doanh và ngân hàng tư nhân đã lần lượt giảm về 5,45% và 5,7%. Ngoài ra, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cũng bắt đầu phục hồi do môi trường lãi suất thấp.

Do vậy các nhà phân tích kỳ vọng chi phí vốn của các ngân hàng sẽ điều chỉnh giảm đáng kể. Thêm vào đó, nhu cầu tín dụng tăng trong bối cảnh nền kinh tế hồi phục sẽ góp phần làm tăng lợi suất cho vay.

Thanh khoản hệ thống ổn định

Một yếu tố tích cực khác đối với ngành ngân hàng là việc thanh khoản hệ thống ổn định khi tăng trưởng huy động bắt kịp với tăng trưởng cho vay.

Tỷ lệ cho vay khách hàng trên tiền gửi khách hàng (LDR) của ngành giữ ổn định ở mức 101%. Theo số liệu được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) công bố, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn (SMLR) toàn ngành trong vào tháng 9 vẫn được duy trì ở mức 28%, thấp hơn mức trần quy định là 30% áp dụng từ tháng 10/2023.

VIS Rating kỳ vọng thanh khoản hệ thống vẫn sẽ ổn định nhờ tăng trưởng tiền gửi mạnh sẽ tiếp tục theo kịp tốc độ tăng trưởng cho vay khi dòng tiền của doanh nghiệp phục hồi cùng với các điều kiện kinh doanh được cải thiện và nguồn vốn ổn định hơn để đáp ứng tỷ lệ SMLR khắt khe hơn.

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.