Đại dịch Covid-19 không chỉ mang đến những thách thức lớn cho nền kinh tế mà còn đặt Việt Nam trước một thời cơ lịch sử về chuyển đổi số, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Tại Hội thảo chuyên đề “Phát triển ngân hàng thông minh” trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao thường niên và Triển lãm quốc tế lần thứ 3 về công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit 2021 diễn ra hôm 18/11, bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào nhận định đại dịch Covid-19 đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh hơn 4 năm, và đây là cơ hội lớn cho chính phủ Việt Nam số hóa phương thức thanh toán các dịch vụ công.
Covid-19 và sự “lên ngôi” của thanh toán không dùng tiền mặt
Tại Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung, thanh toán bằng tiền mặt đã giảm đáng kể trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và có xu hướng tiếp tục giảm dần trong tương lai.
Cụ thể, nghiên cứu "Thói quen thanh toán của người tiêu dùng Visa" được thực hiện bởi CLEAR từ tháng 8-9/2021, khảo sát 6.520 người tiêu dùng tại 8 quốc gia ASEAN là Việt Nam, Singapore, Philippines, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Myanmar và Campuchia cho thấy khoảng 65% người tiêu dùng mang ít tiền mặt trong ví hơn. Lý do chính là vì họ đã quen với việc thanh toán bằng thẻ và các phương thức không chạm. Số lượng giao dịch tiền mặt trung bình cũng giảm đáng kể so với mức trước dịch Covid-19 và được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm trong tương lai.
65% người tiêu dùng tham gia khảo sát cho biết mang ít tiền mặt trong ví hơn vì đã quen với việc thanh toán bằng thẻ và các phương thức không chạm |
Về phía người tiêu dùng, 78% người tiêu dùng cho biết sẽ tiếp tục sử dụng các phương thức thanh toán kỹ thuật số kể cả sau đại dịch, trong đó 65% có xu hướng ưa thích sử dụng thẻ không tiếp xúc, 70% có xu hướng ưa thích sử dụng ví điện tử.
Về phía doanh nghiệp, các phương thức thương mại điện tử và thanh toán điện tử đã giúp doanh nghiệp tiếp tục hoạt động kinh doanh của mình mà ít chịu tác động bởi các yếu tố như giãn cách xã hội và nhiều hạn chế khác trong phòng, chống dịch.
Tỷ lệ thanh toán bằng ví di động tăng mạnh trong năm 2021, sau đó là các hình thức thẻ trực tuyến và điện thoại không tiếp xúc |
Các biện pháp thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ giúp giảm nguy cơ trộm cắp, lừa đảo thanh toán mà còn giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh do hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Theo Visa, các dịch vụ có xu hướng được người tiêu dùng lựa chọn chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt trên thị trường sẽ là thanh toán hóa đơn, mua hàng trong siêu thị và du lịch nước ngoài khi ngành du lịch được phục hồi.
Đáng chú ý, sự phát triển của phương thức thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam được đánh giá là rất ổn định và có xu hướng tiếp tục ngay cả khi đại dịch Covid-19 kết thúc.
Để thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tiếp cận rộng rãi đến mọi người dân ở mọi địa phương, các cơ quan Chính phủ, chính quyền địa phương cần phải đóng vai trò dẫn dắt, thúc đẩy chuyển đổi số nói chung và thanh toán kỹ thuật số nói riêng
Cơ hội số hóa phương thức thanh toán dịch vụ công
Cũng theo bà Đặng Tuyết Dung, dịch Covid-19 hiện nay và xu hướng chuyển đổi sang thanh toán không dùng tiền mặt là cơ hội lớn để chính phủ Việt Nam thúc đẩy số hóa hình thức thanh toán các dịch vụ công trong 3 lĩnh vực: giải ngân ngân sách, chi ngân sách và thu ngân sách.
Về giải ngân ngân sách, có thể thấy rõ ứng dụng của các dịch vụ thanh toán kỹ thuật số trong các khoản giải ngân như giải ngân các lợi ích xã hội, lợi ích y tế, trợ cấp có điều kiện, cứu trợ thiên tai, hưu trí và an sinh xã hội, hoàn thuế thu nhập, chi trả học bổng, trả lương cho người lao động...
Về chi ngân sách, một số lĩnh vực có thể ứng dụng thanh toán số bao gồm hoàn thuế, mua sắm công, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, trợ cấp doanh nghiệp và người dân khác…
Về thu ngân sách, một số lĩnh vực có thể ứng dụng thanh toán số có thể kể đến thanh toán thuế, phí thực hiện dịch vụ công…
Việc thúc đẩy số hóa hình thức thanh toán các dịch vụ công không chỉ mang lại lợi ích lớn cho Chính phủ thông qua tiết kiệm chi phí, tăng tính minh bạch và tính tuân thủ mà còn có lợi cho cả doanh nghiệp và người dân. Từ phía doanh nghiệp, việc ứng dụng thanh toán số hợp nhất trong phương thức thanh toán các dịch vụ công góp phần giảm thiểu chi phí thanh toán dịch vụ công, tăng tính hiệu quả và bảo mật, đảm bảo tính kiểm soát và tính dễ dự đoán của dòng tiền. Từ phía người dân, lợi ích đến từ khả năng tiếp cận nguồn tài chính nhanh chóng, hiệu quả, bảo mật.
Giá trị cũng như lợi ích mà cơ quan Chính phủ đạt được khi phát triển thanh toán số, số hóa quy trình quản lý dịch vụ công được thể hiện qua rất nhiều khía cạnh: tiết kiệm chi phí, linh hoạt, minh bạch và tăng tính tuân thủ cũng như tăng hiệu quả chung trong các chính sách của Chính phủ liên quan đến hoạt động kinh tế xã hội
Theo bà Dung, một số giải pháp mà Visa đang cung cấp đến Chính phủ toàn cầu trong số hóa phương thức thanh toán các dịch vụ công hiện đại, bảo mật, nhanh chóng mà Việt Nam có thể xem xét ứng dụng như sau:
Một là hỗ trợ Chính phủ thu ngân sách thông qua việc chấp nhận hình thức thanh toán bằng thẻ với hàng loạt lĩnh vực như thanh toán hóa đơn điện nước, thanh toán thuế thu nhập cá nhân, doanh nghiệp, thanh toán phí cầu đường, phí thực hiện các dịch vụ công...
Hai là hỗ trợ Chính phủ giải ngân ngân sách thông qua mọi tài khoản Visa (Visa Account) trong các giao dịch hoàn thuế, trợ cấp doanh nghiệp và người dân, giải ngân lợi ích phúc lợi, y tế, giáo dục, cứu trợ thiên tai...
Ba là hỗ trợ Chính phủ quản lý ngân sách thông qua sử dụng giải pháp thanh toán và thẻ cho cơ quan nhà nước (Visa Government Card and Payment Solutions) trong thanh toán công tác phí, các khoản mua sắm công, khoản chi ngân sách Nhà nước....