VN-Index bứt phá vượt mốc 1.500, HAG tím lịm sau tâm thư của tập đoàn

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
16:14 - 22/03/2022
Từ đầu tháng 3 đến nay, cổ phiếu HAG đã có sự hồi phục từ mức giá 10.700 đồng/cp lên hơn 13.000 đồng.
Từ đầu tháng 3 đến nay, cổ phiếu HAG đã có sự hồi phục từ mức giá 10.700 đồng/cp lên hơn 13.000 đồng.
0:00 / 0:00
0:00
VN-Index hôm nay tiếp tục tăng 8,8 điểm lên mốc 1503.78, với sự hỗ trợ của hầu hết các nhóm ngành. Nông nghiệp và khai khoáng là hai nhóm có tỷ lệ tăng tốt nhất, trong đó đáng chú ý có mã HAG của Hoàng Anh Gia Lai.

HNX-Index cũng tăng 3 điểm lên 461.35 trong khi UPCoM giảm nhẹ. Đáng chú ý là thanh khoản tăng vọt với tổng giá trị giao dịch đạt 34.027 tỷ đồng. Mặc dù chưa phải là mức cao nhất nhưng điều này cũng cho thấy dòng tiền đã trở lại mạnh mẽ hơn. Thêm nữa là tín hiệu tích cực từ khối ngoại khi tiếp tục mua ròng 540 tỷ đồng, tập trung vào các mã DGC (248 tỷ đồng), STB (96 tỷ đồng), GEX (92 tỷ đồng), VRE (71 tỷ đồng), VHM (67 tỷ đồng)…

VN30 tiếp tục thể hiện vai trò trụ cột khi tăng 10,7 điểm, lên mức 1513.4. Kết phiên chỉ có 4 mã ở chiều giảm là BID, KDH, VJC và VNM; trong đó VJC giảm mạnh nhất -1,7%. Chiều tăng mạnh nhất là STB +2,9%, MSN +2,4%, NVL +2,1%, POW +1,9%, VIC, TPB +1,5%...

Xét về ngành, nông - lâm - ngư là nhóm tăng tốt nhất với tỷ lệ 3,4%. HAG tăng trần, HNG cũng tăng 4% trong khi nhiều mã khác cũng kết phiên trong sắc xanh. Cổ phiếu của Hoàng Anh Gia Lai trắng bên bán ngay sau khi Chủ tịch tập đoàn này là ông Đoàn Nguyên Đức có thông điệp gửi cổ đông, nhà đầu tư, ngân hàng và đối tác năm 2022.

Theo ông Đức, kết quả năm 2021 (theo bản thảo báo cáo tài chính kiểm toán dự kiến hoàn tất thủ tục để phát hành ngày 24/3/2022) của HAG với tổng doanh thu 2.097 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 127 tỷ đồng thực sự đáng khích lệ trong bối cảnh điều kiện sản xuất kinh doanh còn nhiều rủi ro và thách thức.

Từ đây, HAG đặt kế hoạch doanh thu năm 2022 tăng lên 4.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thế vào mức 1.120 tỷ đồng. Hoàng Anh Gia Lai cũng sẽ thực hiện phát hành cổ phiếu riêng lẻ để huy động vốn chủ sở hữu 1.200 tỷ đồng đầu tư vào ngành chuối và chăn nuôi heo.

Top cổ phiếu có giao dịch đột biến trong phiên hôm nay. SSI

Top cổ phiếu có giao dịch đột biến trong phiên hôm nay. SSI

Tiếp theo là nhóm khai khoáng với 7 mã tăng trần như PVC, TVD, NBC, HLC, TC6, MDC… Các mã lớn khác ở chiều tăng là MSR +2,7%, PVS +2,3%, PVD +0,7%, MVB +0,8%, KSB +0,6%, MTA +2,3%...

Nhóm liên quan tới khai khoáng là dầu khí cũng có phiên tăng điểm đồng loạt sau nhiều phiên quay đầu giảm cùng giá dầu. PTV tăng 4,1%, PVB tăng 3,1% trong khi các mã khác cũng tăng 1-2%.

Ba nhóm trụ cột thị trường là ngân hàng - chứng khoán và bất động sản & xây dựng cũng hút được dòng tiền. Tại nhóm ngân hàng, ngoài BID thì chỉ còn SHB kết phiên trong sắc đỏ. “Quán quân” tăng mạnh tiếp tục gọi tên KLB của KienlongBank với tỷ lệ +11,1%. VBB và NVB cũng tăng tốt, lần lượt +8,3% và 7,2%.

Nhóm chứng khoán cũng tương tự khi chỉ có 4 mã ở chiều giảm là TVS, ORS, EVF, CSI. Chiều tăng mạnh nhất có APS +4,8%, ART +4,5%, SBS, VIG +2,9%, CTS, HBS +2,4%... Còn nhóm bất động sản và xây dựng ghi nhận dòng tiền đổ vào các mã nhỏ và cực nhỏ. Cả nhóm có 15 mã tăng trần, đáng chú ý là E12 của CTCP Xây dựng Điện VNECO12 tăng trần với tỷ lệ lên tới 40%. Tuy nhiên đây là mã cực nhỏ, giao dịch hạn chế trên sàn UPCoM. Ngược lại, nhiều mã lớn và tăng mạnh trong phiên hôm qua như CEO, HUT, FLC, NLG, BCG, DXS, SCR… lại có dấu hiệu bị “chốt lời”.

Trong phiên hôm nay, VN-Index tiếp tục tăng điểm với mẫu hình gần giống Hammer. Điều này cho thấy nhà đầu tư đang lạc quan hơn về triển vọng của thị trường. VN-Index hiện đã vượt hoàn toàn các đường SMA 50 ngày và SMA 100 ngày nên đà tăng dài hạn được củng cố.

Tin liên quan

Đọc tiếp