VN-Index giằng co quanh mốc 1.070, tâm điểm giao dịch NVL và SHB

SHB NVL
16:24 - 12/04/2023
Giao dịch các nhóm ngành phiên 12/4.
Giao dịch các nhóm ngành phiên 12/4.
0:00 / 0:00
0:00
VN-Index vẫn chưa rõ xu hướng khi dòng tiền không đồng thuận. Nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn được nâng đỡ bởi các thông tin tích cực gần đây, giao dịch sôi động nhất ở NVL của Novaland.

Kết phiên 12/4, VN-Index giảm nhẹ 0,01 điểm so với phiên hôm qua và vẫn trụ ở mốc 1.069 điểm. HNX-Index cũng giảm 0,4 điểm trong khi UPCoM tăng 0,34 điểm. Tổng giá trị giao dịch trên kênh khớp lệnh đạt hơn 13.500 tỷ đồng.

Dòng tiền sôi động vẫn chủ yếu đến từ trong nước. Khối ngoại chỉ chiếm hơn 1.800 tỷ đồng và duy trì vị thế bán ròng (-340 tỷ đồng). Bị bán ròng mạnh nhất là cổ phiếu ngân hàng CTG. Hai mã tiếp theo là chứng chỉ quỹ FUEVFVND (41 tỷ đồng) và KBC (37 tỷ đồng). Danh sách bán ròng còn có HPG, SSI, VNM, DIG, VND, PVD…

Ngược lại, khối ngoại mua ròng mạnh nhất HDB với giá trị 32 tỷ đồng. VHM và PNJ cũng được mua ròng trên dưới 20 tỷ đồng, còn lại dòng tiền nước ngoài rải rác mua ở NLG, HDG, MIG, VRE, MSN, PAN…

Nhóm cổ phiếu bất động sản duy trì giao dịch tích cực từ phiên hôm qua, là trụ đỡ để thị trường không giảm sâu. Trong đó, NVL có đóng góp lớn nhất khi tăng 6% lên giá 15.050 đồng/cp, đạt thanh khoản cao nhất thị trường với 51,4 triệu đơn vị được giao dịch.

Trong phiên hôm qua, mã này đã tăng trần nhanh chóng sau thông tin Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường lập tổ công tác làm việc với Đồng Nai, Bình Thuận để gỡ vướng cho các dự án của Novaland.

Sự tích cực của NVL cũng lan tỏa sang nhiều cổ phiếu cùng ngành khác, như NLG, HDC tăng trần; KDH +4,7%, HDG +4,8%, PDR +4,8%, DPG +6,2%, IDJ +3,2%, BCG +3,1%...

NLG của CTCP Đầu tư Nam Long tăng mạnh từ giữa tháng 3 đến nay, đạt mức tăng 33%. Tại hội thảo C2C với chủ đề “Ngành bất động sản: Chấp nhận thử thách - Vượt qua giới hạn” do Chứng khoán HSC tổ chức mới đây, đại diện Nam Long cho biết, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh số bán hàng năm 2023 đạt 10.000 tỷ đồng. Công ty dự kiến doanh thu, lợi nhuận tương tự năm 2022, lần lượt đạt 4.300 tỷ đồng và 500 tỷ đồng.

Trở lại phiên giao dịch hôm nay, các nhóm ngân hàng, xây dựng, hóa chất, bán lẻ, khai khoáng cũng ở chiều tăng, tuy nhiên mức tăng không đáng kể do dòng tiền phân hóa. Tại nhóm ngân hàng, VCB chỉ tăng 0,1%, VIB, TCB, STB, HDB đều kết phiên trong sắc xanh nhưng mức tăng chỉ trên dưới 1%. ACB, CTG, VPB ở chiều giảm, còn TPB, BID đứng tham chiếu.

Một số mã nhỏ đón nhận dòng tiền vào mạnh mẽ hơn, đó là KLB +5,2%, PGB +3,1%, SHB +3,8%. Trong đó, SHB giao dịch sôi động với 41,5 triệu đơn vị, xếp thứ 2 về thanh khoản trên thị trường.

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên ngày 11/4, ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT lần đầu thông tin về giá trị của thương vụ bán SHB Finance cho đối tác nước ngoài. Dự kiến trong tháng 4 này, 2 bên sẽ hoàn thành các thủ tục và sang tháng 5, đối tác sẽ trả 50% giá trị thương vụ, 50% còn lại sẽ thanh toán vào 3 năm sau. Giá trị bán theo ông Hiển là cao nhất trong số các thương vụ tài chính mà Việt Nam bán vốn cho nước ngoài.

Ở chiều giảm, nhóm chứng khoán dẫn đầu với vốn hóa -2,3%. Chỉ có 4 mã nhỏ tăng giá là BMS, DSC, SBS và TVB. SSI tác động tiêu cực nhất khi giảm 2,7%. VND, HCM, VCI, MBS, FTS, BSI, VIX, CTS… đều giảm đáng kể.

Các nhóm nông nghiệp, vận tải kho bãi, thủy sản, công nghệ thông tin, bảo hiểm, vật liệu xây dựng… cùng ở chiều giảm.

Tin liên quan

Đọc tiếp

TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.