VN-Index rút chân không thành, HPG tiếp tục bị khối ngoại xả mạnh

HPG VN INDEX
16:12 - 04/10/2022
Nhóm thép giảm mạnh trong phiên hôm nay. MBS
Nhóm thép giảm mạnh trong phiên hôm nay. MBS
0:00 / 0:00
0:00
Mở cửa trong sắc xanh và có thời điểm tăng gần 10 điểm nhưng kết phiên, VN-Index vẫn không thể rút chân thành công. Nhóm chứng khoán trở thành gánh nặng cho chỉ số, còn HPG tiếp tục bị khối ngoại xả mạnh.

VN-Index giảm 8,3 điểm so với kết phiên hôm qua, lùi về mốc 1.078,14 điểm. HNX-Index giảm 2,56 điểm còn UPCoM giảm 0,38 điểm. Tổng giá trị giao dịch khớp lệnh trên 3 sàn đạt gần 12.000 tỷ đồng, trong đó khối ngoại chiếm gần 1.800 tỷ đồng.

Khối này tiếp tục duy trì bán ròng gần 500 tỷ đồng với mã dẫn đầu là HPG (178 tỷ đồng), STB (117 tỷ đồng), SSI (64 tỷ đồng), VND (61 tỷ đồng)… Chiều ngược lại, 2 chứng chỉ quỹ được gom mua nhiều nhất là FUEVFVND và E1VFVN30, tuy nhiên giá trị chỉ hơn 20 tỷ đồng. Theo sau là các mã GMD, NLG, VCB, VRE, PC1…

Chỉ số VN30 giảm 4,3 điểm. Đà giảm bị kéo mạnh nhất từ HPG với tỷ lệ -4,6%. Kết phiên hôm nay, cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát chỉ còn 18.850 đồng, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020. Trong phiên hôm qua, HPG giảm sàn, một phần do bị nhà đầu tư nước ngoài dồn lực bán ròng nhiều nhất với giá trị 178,3 tỷ đồng.

Các bluechip giảm mạnh khác là MSN -3,7%, SSI -3,5%, GVR -6,2%, CTG -3,9%, BVH -3,2%...

Trái lại, VIC là bluechip có công giữ chỉ số không bị giảm sâu. Đây cũng là mã có đóng góp tích cực nhất đến chỉ số với mức tăng 2,7%, lên mức giá 57.000 đồng. Với khối lượng hơn 3,81 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, quy mô vốn hóa hiện nay của Tập đoàn Vingroup là hơn 217.000 tỷ đồng, đứng thứ 3 trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Thị giá VIC đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 12/2017.

Các mã lớn tăng giá khác là MWG +2,3%, SAB +3,2%, VJC +2,6%, VRE +2,7%...

Cổ phiếu HPG về giá 1x, “bốc hơi” 55% thị giá so với đỉnh hồi cuối tháng 10 năm ngoái.

Cổ phiếu HPG về giá 1x, “bốc hơi” 55% thị giá so với đỉnh hồi cuối tháng 10 năm ngoái.

Xét về nhóm ngành thì chứng khoán là nhóm giảm sâu nhất khi mất đi 4,2% giá trị vốn hóa. BSI giảm sàn, nhiều mã giảm 4-8% như APS, ART, BMS, CTS, HAC, HCM, TVC, VCI, VDS, VIX, VND…

Ở chiều tăng, DSC tiếp tục gây chú ý khi tăng hết biên độ gần 15%. Đây là một trong những mã hiếm hoi ngược dòng thị trường trong tháng 9. Từ vùng giá 22.000 đồng hồi đầu tháng 9, hiện cổ phiếu của Chứng khoán DSC đã tăng lên 34.700 đồng. Trước đó, DSC trải qua một đợt rơi mạnh trong nửa cuối tháng 8, từ mức đỉnh 36.700 đồng.

Ngoài nhóm chứng khoán, các nhóm thủy sản, thép, nhựa – hóa chất, bảo hiểm, xây dựng cũng giảm 2-4% giá trị vốn hóa. Trong khi đó, vận tải – kho bãi dẫn đầu chiều tăng.

STG và PDN tăng trần, ACV tăng 4,2%, VJC tăng 2,6%, HAH tăng 6,4%; GMD, TMS, VSC, SGN, VOS, NCT… cũng đều ở chiều tăng giá. Trong đó, ACV (Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam) là mã có đà tăng tốt trong những phiên đầu tháng 10, từ mức giá 75.000 đồng lên 80.000 đồng.

Chứng khoán TP HCM (HSC) dự báo kết quả kinh doanh quý 3/2022 của ACV sẽ tiếp tục ở mức cao nhờ số lượng du khách trong nước rất ấn tượng trong tháng 7-8/2022, cùng với sự hồi phục ổn định của số lượng du khách quốc tế và đóng góp từ lãi tỷ giá do đồng JPY giảm giá.

Lợi nhuận thuần lũy kế 9 tháng đầu năm 2022 của ACV được dự báo sẽ đạt 4.246 tỷ đồng (tương đương tăng 26 lần so với cùng kỳ), trong đó lợi nhuận thuần cốt lõi sẽ đạt 2.505 tỷ đồng (so với lỗ 551 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2021) và lãi chênh lệch tỷ giá sau thuế đạt 1.741 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh quý 4 được kỳ vọng sẽ tiếp tục khả quan nếu tốc độ trở lại của du khách quốc tế tới Việt Nam vẫn được duy trì. HSC dự báo Trung Quốc sẽ gỡ bỏ chính sách “zero Covid” vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm sau. Số lượng du khách Trung Quốc chiếm hơn 30% du khách tới Việt Nam trong năm 2019 (trước dịch). Do đó, việc những du khách này quay trở lại sẽ hỗ trợ đáng kể số lượng du khách quốc tế tới Việt Nam.

Trong phiên hôm qua (3/10), việc VN-Index rơi hơn 45 điểm và để mất vùng hỗ trợ tâm lý 1.100 điểm đã khiến thị trường rơi vào trạng thái “xấu kép” khi giá giảm nhưng thanh khoản thấp. Đáy kỹ thuật đã bị phá vỡ và đáy mới được hình thành gọi tên 1.000 điểm.

Xét về trung hạn từ khi rời khỏi mức đỉnh 1.530 điểm thì VN-Index đã giảm 452 điểm, tương đương mức âm gần 30%. Trên đồ thị kỹ thuật, thị trường đang ở con sóng giảm cuối cùng của mô hình elliott (5 nhịp trong xu hướng giảm). Tâm lý tiêu cực và lực bán dự báo vẫn còn khiến cho thị trường khó có thể bật tăng mạnh ngay trở lại.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.