Vừa báo lãi 330 tỷ, vì sao Cenland của Shark Hưng tiếp tục huy động vốn 2.000 tỷ?

bđs Việt nAM
12:33 - 23/12/2021
Shark Hưng hiện là Phó Chủ tịch HĐQT của CenLand.
Shark Hưng hiện là Phó Chủ tịch HĐQT của CenLand.
0:00 / 0:00
0:00
Cenland dự định tiếp tục phát hành 201,6 triệu cổ phiếu. Nếu hoàn tất 100%, vốn điều lệ doanh nghiệp này dự kiến sẽ tăng gấp 2,3 lần, lên mức 4.637 tỷ đồng.

CTCP Bất động sản Thế Kỷ (CenLand, mã chứng khoán CRE) vừa thông báo sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2022, vào ngày 10/1 tới đây. Trong đó, một nội dung đáng chú ý là sẽ trình cổ đông thông qua việc điều chỉnh phương án sử dụng vốn chi tiết từ đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2021.

Số liệu cho thấy, Cenland đang có 201,6 triệu cổ phiêu lưu hành, tương đương vốn điều lệ 2.016 tỷ đồng. Công ty này đang muốn phát hành thêm 262,08 triệu cổ phiếu. Trong đó, 201,6 triệu cổ phiếu chào bán thêm ra công chúng với tỷ lệ 1:1, giá 10.000 đồng/cổ phiếu), còn 60,58 triệu cổ phiếu phát hành tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (tỷ lệ phát hành 30%). Nếu tăng vốn thành công, vốn điều lệ của Cenland sẽ lên 4.637 tỷ đồng.

Về mục đích tăng vốn, Cenland cho biết sẽ dùng hơn 2.000 tỷ đồng này để thanh toán khoản nợ gốc các trái phiếu đã phát hành của công ty, trả nợ ngân hàng và nhận chuyển nhượng một phần các sản phẩm bất động sản, nhà ở hình thành trong tương lai thuộc dự án Khu dịch vụ và nhà nghỉ Xuân Thành. Trong đó, nợ trái phiếu là 950 tỷ, nợ ngân hàng là 265,99 tỷ.

Hồi tháng 11, Cenland vừa thông báo kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh trong 9 tháng đầu năm. Báo cáo tài chính quý 3 CRE cho thấy, doanh thu trong kỳ ghi nhận 842,56 tỷ đồng, tăng trưởng 40% so với cùng kỳ năm trước. Lãi ròng thu về trong quý 3 đạt 78,23 tỷ đồng tăng 26% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, doanh thu đạt 4.668 tỷ, tăng gấp 3,5 lần so với doanh thu cùng kỳ năm 2020 và đạt 95% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 328,43 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ.

Đặc biệt trong thời kỳ dịch Covid-19 này, việc tiêu thụ bất động sản chậm dẫn đến các doanh nghiệp gánh nợ nhiều thiếu vốn trầm trọng. Thống kê kết quả kinh doanh quý 2/2021 cho thấy, 20 doanh nghiệp bất động sản vay và nợ thuê tài chính lớn nhất sàn chứng khoán vay nợ 292.200 tỷ đồng, tăng 7% so với con số vay nợ đầu năm là 272.187 tỷ đồng.

Động thái huy động vốn trả nợ trong khi lãi ròng lớn của Cenland khiến nhiều người thắc mắc. Tuy nhiên thực tế, gánh nặng nợ vay của doanh nghiệp bất động sản vốn là vấn đề nhìn thấy rõ. Vì bất động sản là mặt hàng vốn lớn, nếu “tồn kho” nhiều thì dòng tiền kinh doanh bị âm cũng là điều dễ hiểu.

Như Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (BCM), số tiền vay nợ 6 tháng đầu năm là 16.052 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Nợ phải trả của doanh nghiệp này lên tới 31.947 tỷ đồng, gần gấp đôi vốn chủ sở hữu 16.516 tỷ đồng.

Hay tại Khang Điền, gánh nặng vay nợ cũng tăng hơn 40% so với đầu năm, lên mức 2.590 tỷ đồng. Trong 6 tháng, công ty này ghi nhận âm 843 tỷ đồng tiền từ hoạt động kinh doanh, trong khi cùng kỳ dương 454 tỷ đồng.

Theo Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA), hiện nay, thiếu dòng tiền là cái khó trực tiếp lớn nhất và đáng quan ngại nhất đối với doanh nghiệp bất động sản. Có những doanh nghiệp không còn tiền trả lãi vay, trả nợ, không còn tiền để duy trì bộ máy, giữ chân người lao động. Việc “chết trên đống tài sản của chính mình” là nguy cơ hoàn toàn có thể xảy ra.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Ly (thứ 2 từ phải sang) chủ trì đại hội. Ảnh: Minh Phong - MekongASEAN

ĐHĐCĐ API: Mục tiêu có lãi trở lại

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của CTCP Đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (HNX: API) được tổ chức ngày 10/5 tại Tòa nhà Grand Plaza, số 117 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.