Vũng Tàu: Lễ hội Nghinh Ông trở thành Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

DU LỊCH Vũng Tàu
21:36 - 30/09/2023
Lãnh đạo UBND thành phố Vũng Tàu và Ban Quản lý Di tích Đình thần Thắng Tam tiếp nhận Quyết định. Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu
Lãnh đạo UBND thành phố Vũng Tàu và Ban Quản lý Di tích Đình thần Thắng Tam tiếp nhận Quyết định. Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu
Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam tại Vũng Tàu được tổ chức nhằm thể hiện lòng tri ân của ngư dân với thần hộ mệnh cá Ông và cầu cho biển lặng, gió yên, mưa thuận gió hòa, nghiệp biển thuận lợi.

Ngày 30/9, tại Đình thần Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu, thừa ủy quyền của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã trao Quyết định ghi danh Lễ hội Truyền thống Nghinh Ông Thắng Tam vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cho lãnh đạo UBND TP Vũng Tàu và Ban Quản lý Di tích Đình thần Thắng Tam.

Việc lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đã góp phần giữ gìn sự phong phú, đa dạng của kho tàng Di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện để lan tỏa rộng rãi hơn về nét đẹp văn hóa của vùng đất ven biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam là lễ hội truyền thống tiêu biểu, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử và văn hóa của vùng đất Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngày nay, lễ hội này trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo cho du khách sự ngạc nhiên và thú vị về thành phố du lịch Vũng Tàu.

Theo quan niệm của ngư dân, cá Ông (hay còn gọi là cá voi) là một vị thần thiêng và là chỗ dựa tinh thần của ngư dân mỗi khi ra khơi, đặc biệt là lúc gặp sóng to, gió lớn và các mối nguy trên biển.

Do đó, Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu được tổ chức nhằm thể hiện lòng tri ân của ngư dân với thần hộ mệnh cá Ông và cầu cho biển lặng, gió yên, mưa thuận gió hòa, nghiệp biển thuận lợi.

Lễ cầu ngư trên biển Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam. Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Lễ cầu ngư trên biển Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam. Ảnh: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Hằng năm, lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam diễn ra vào ngày 16 - 18/8 Âm lịch đã được duy trì tổ chức hơn 100 năm qua. Năm nay, lễ hội càng thêm phần long trọng khi được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể.

Lễ hội được tổ chức trùng với ngày vía của cá Ông, bao gồm phần lễ và phần hội. Trong đó, phần lễ diễn ra nghi thức lễ gồm Lễ cúng Ông, Lễ Nghinh Ông trên biển, rước Ông, cúng giỗ tiền hiền, hậu hiền và các Anh hùng liệt sĩ, thỉnh sắc thần, cúng tế Ông Nam Hải, lễ xây chầu đại bội.

Du khách tham gia lễ hội sẽ được trải nghiệm những nghi thức mang theo văn hóa đặc trưng của miền biển và thưởng thức những phần lễ, phần hội độc đáo như lễ rước cá Ông từ biển về, thả hoa đăng, đánh trống, chiêng, hát bả trạo… và các trò chơi dân gian truyền thống cùng các hoạt động văn hóa, thể thao.

Tin liên quan

Đọc tiếp