Xuất khẩu đón tin vui ngay tháng đầu năm 2022

XUẤT KHẨU Việt nAM
20:05 - 07/02/2022
Xuất khẩu đón tin vui ngay tháng đầu năm 2022
0:00 / 0:00
0:00
Trong tháng 1/2022, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 29 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu rau quả đạt 301 triệu USD, tăng 0,3% so với tháng 12/2021.

Nhiều tin vui cho xuất nhập khẩu

Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vnfruit) cho biết, xuất khẩu rau quả đạt mức tăng trưởng cao ngay trong tháng đầu năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 1 đạt 301 triệu USD, tăng 0,3% với tháng 12/2021.

Nhờ hoạt động xuất nhập khẩu vẫn được các doanh nghiệp duy trì ngay cả trong Tết Nguyên đán với những lô hàng được chuyển đi các thị trường từ Mỹ, EU, Australia, tới Trung Quốc, Hàn Quốc… góp phần tạo nên doanh thu xuất khẩu ấn tượng.

"Mở hàng" năm Nhâm Dần là ngày mùng 3 Tết (ngày 3/2/2022), nhiều xe container chở nông sản như chuối, thanh long… đã được làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây là tin tích cực đối với ngành rau quả Việt Nam, bởi trước đó, phía Trung Quốc thông báo nghỉ Tết dài ngày. Ngoài ra tình trạng nhiều xe chở hàng, trong đó phần nhiều là hàng nông sản, bị ùn ứ tại các cửa khẩu biên giới phía bắc nhiều ngày trước Tết.

Với dân số hơn 1 tỷ người và nhu cầu cao đối với các loại hoa quả nhiệt đới, Trung Quốc luôn là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ) và là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Đồng thời, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của ngành rau quả Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2021 sang thị trường này đạt 1,9 tỷ USD, chiếm đến 53,7% thị phần.

Mặc dù kể từ 1/1/2022, Trung Quốc đã có những chính sách thắt chặt và nâng cao yêu cầu về an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông sản nhập khẩu, Vnfruit vẫn kì vọng vào tình hình xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Trung Quốc sẽ tiếp tục giữ được tốc độ tăng trưởng tốt. Mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2022 là 3,8 đến 4 tỷ USD.

Trung Quốc khôi phục thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía bắc từ 3/2/2022. Ảnh: TTXVN

Trung Quốc khôi phục thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía bắc từ 3/2/2022. Ảnh: TTXVN

Không chỉ có tin vui từ Trung Quốc, ngay trong những ngày đầu năm 2022, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã làm thủ tục xuất 11.111 tấn gạo lứt cho đối tác Hàn Quốc.

Đồng thời, nhằm kết thúc năm 2021 và mở đầu cho năm 2022, cuối tháng 12/2021, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời cũng hoàn thành lô hàng xuất khẩu cuối năm của mình với khối lượng 4.170 tấn, gồm gạo thơm và gạo trắng sang châu Âu. Với kết quả này, Lộc Trời kỳ vọng vào kết quả kinh doanh quý 2022 sẽ tăng trưởng cao hơn, với việc có nhiều sản phẩm nông sản được sản xuất theo hướng "xanh”, bền vững nhằm đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của thị trường nhập khẩu.

Về phía ngành Dệt may, Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ đã có những đơn hàng có giá trị gia tăng cao như: đồ veston, đồng phục công sở, đồ bảo hộ lao động… xuất khẩu đi Mỹ. Hiện tại, công ty đã ký kết các hợp đồng để sản xuất đến hết quý II/2022.

Nhìn từ phía các cảng biển, từ ngày 1-6/2, cảng SP-ITC (TP. Thủ Đức) đón 8 tàu container xuất khẩu hàng hóa đi các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, trong đó có tàu Honiara Chief xuất khẩu gần 600 container đi trực tiếp đến cảng Seattle (Mỹ), hay tàu Ariana chở hàng xuất khẩu trực tiếp đến Australia.

Tại cảng Tân Cảng - Cát Lái, trong những ngày Tết, trung bình cảng đón hơn 10 chuyến tàu/ngày, sản lượng thông qua 118.097 TEU, tương đương hơn 1,65 triệu tấn hàng hóa. Đây là kết quả đáng mừng cho những ngày đầu năm mới.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, ước tính tháng 1/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 29 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng đầu tiên của năm 2022 đã có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Tiếp tục phát huy lợi thế trong năm 2022

Theo Vnfruit, tại thị trường Trung Quốc, để giữ được thị phần của hàng Việt Nam, các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng những yêu cầu đang ngày một nâng cao của thị trường này. Đồng thời, chính phủ Trung Quốc cũng khuyến khích Việt Nam giảm tỷ lệ xuất khẩu tiểu ngạch và gia tăng tỷ lệ xuất khẩu chính ngạch sang quốc gia này.

Chỉ tính riêng mặt hàng sữa, hiện cơ quan chức năng của Trung Quốc đã cấp Mã giao dịch cho phép 9 công ty/nhà máy của Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm sữa sang thị trường Trung Quốc, gồm TH True Mil, Công ty Bel Việt Nam, Nutifood, 3 nhà máy của Vinamilk và hai doanh nghiệp vừa được cấp phép là Công ty FrieslandCampina Hà Nam và Công ty FrieslandCampina Việt Nam.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mỗi năm thị trường sữa Trung Quốc có giá trị ước tính khoảng 30 tỉ USD. Nguồn cung sữa trong nước của Trung Quốc chỉ đáp ứng 75% nhu cầu sữa trên thị trường nội địa, và đây được xem là cơ hội cho các doanh nghiệp sữa của Việt Nam.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh xuất khẩu các loại nông sản chế biến thay cho nông sản tươi nhằm tăng thời gian bảo quản và đa dạng hóa các mặt hàng, giúp cho nông sản Việt Nam gây ấn tượng được với người tiêu dùng quốc tế.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA, UKVFTA… để tăng cường tốc độ xuất khẩu nhằm các thị trường này. Đồng thời khai thác tốt các thị trường nước ngoài, đưa hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Tin liên quan

Đọc tiếp