Ngành thủy sản 'vượt vũ môn' thành công trong đại dịch

XNK Việt nAM
06:00 - 04/02/2022
0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 với thời gian giãn cách xã hội kéo dài chưa từng có, ngành thủy sản Việt Nam vẫn có một năm thành công, mở ra kỳ vọng đạt kết quả lạc quan hơn trong năm 2022.

Vấn đề chi phí, thiếu hụt nhân lực, giãn cách xã hội đã tác động không nhỏ đến doanh nghiệp thủy sản năm 2021. Dù vậy, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), năm qua xuất khẩu của ngành thủy sản Việt Nam đã cán mốc 8,89 tỷ USD, vượt so với kỳ vọng đạt 8,8 tỷ USD trước đó và tăng 6% so với năm 2020.

Trong quý III/2021, khi các tỉnh thành phía Nam bùng phát dịch, hầu hết các nhà máy chế biến chỉ duy trì được 30 – 50% sản xuất. Xuất khẩu thủy sản các tháng quý III/2021 giảm tới 25 – 30% so với cùng kỳ năm 2021. Lực lượng lao động thiếu hụt nghiêm trọng, có doanh nghiệp chỉ hoạt động được 30% công suất nhà máy. Do vậy, nhiều doanh nghiệp đã phải từ chối hợp đồng xuất khẩu do lo ngại không đảm bảo giao hàng đúng hạn từ việc thiếu lao động.

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp phải tăng thêm chi phí để đầu tư trang bị cho người lao động thực hiện “3 tại chỗ”, chi phí kiểm tra dịch bệnh cho người lao động... Chuỗi cung ứng bị gián đoạn cũng gây áp lực lên các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.

Trong 3 tháng cuối năm 2021, tình hình xuất khẩu thủy sản có sự phục hồi. Nguyên nhân xuất phát từ việc TP HCM và các tỉnh phía Nam tháo gỡ giãn cách. Cùng với đó, chiến dịch “phủ vaccine” hiệu quả đã khiến tình hình sản xuất trở nên khả quan hơn.

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu cá tra, basa đứng vị trí đầu bảng xuất khẩu thủy sản năm 2021 với 740 nghìn tấn. Đứng thứ 2 là tôm đạt 415 nghìn tấn; thứ 3 là cá đông lạnh đạt 198 nghìn tấn; thứ 4 là cá ngừ các loại đạt 160 nghìn tấn…

Năm 2021, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ đạt kỷ lục 2 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ. Thị trường chiếm thị phần lớn nhất về nhập khẩu thủy sản tại Mỹ - Ấn Độ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trong quý II/2021, đã làm sụt giảm lượng xuất khẩu vào thị trường này.

Bên cạnh đó, Mỹ đã tăng gấp đôi thuế chống bán phá giá đối với tôm xuất khẩu từ Ấn Độ (từ 3% lên 7,15%), gây ảnh hưởng đến thị phần thủy sản của nước này tại Mỹ. Chính vì vậy, Việt Nam đã tận dụng và nâng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, trở thành thị trường xuất khẩu đứng thứ 5 vào Mỹ.

Trong báo cáo phân tích của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, thị trường Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ nhu cầu cao trong khi sản lượng nội địa của Mỹ giảm và giá thủy sản tại nước này có xu hướng tăng. Điều này góp phần vào tăng trưởng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường Mỹ.

Tại thị trường châu Âu, mức tăng trưởng diễn ra chậm hơn do sự cạnh tranh cao từ các nước xuất khẩu khác và những quy định hạn chế mới đối với biến thể Omicron. Năm 2021, xuất khẩu thủy sản sang EU đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng 6%, một số nước trong khối hiệp định CPTPP như Australia tăng 16%, Mexico tăng 49%. Với thị trường Nga, số doanh nghiệp Việt được xuất khẩu sang thị trường này thêm 25 – 50 doanh nghiệp trong năm qua, nâng kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào thị trường này tăng 21%.

Đặc biệt, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm. Chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc đã ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu hàng thủy sản của nước ta sang thị trường này. Việc Trung Quốc kiểm tra chặt chẽ, truy vết virus đối với hàng thủy sản qua các cửa khẩu đường biển, đường bộ và cả đường hàng không, gây ách tắc giao thương và thông quan hàng nhập khẩu vào thị trường này trong gần hết cả năm 2021.

Mặt khác, Trung Quốc đang là một trong nước xuất thủy sản lớn của thế giới. Theo China Business Inteligent Network, ngành thủy sản Trung Quốc phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Từ năm 2017 đến năm 2020 sản lượng thủy sản tăng từ 64,4 triệu tấn lên 65,4 triệu tấn. Trong năm 2021, sản lượng đạt 65,7 triệu tấn.

Do vậy, trong năm 2021 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc và Hongkong đã sụt giảm, chạm mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua khi chỉ đạt 1,1 tỷ USD.

Dù bị ảnh hưởng sản xuất bởi đại dịch, doanh thu của doanh nghiệp vẫn đạt kết quả cao do giá trung bình xuất khẩu thủy sản sang các thị trường lớn năm qua tăng trung bình 10 -30%. Năm 2021, giá tôm trung bình của thế giới ở mức 12,7 USD/kg, tăng 10% so với năm 2020.

Giá cá tra và tôm Việt Nam năm 2021 - Nguồn: VDSC, Ảnh: ITC

Giá cá tra và tôm Việt Nam năm 2021 - Nguồn: VDSC, Ảnh: ITC

Giá trung bình nhập khẩu tôm Việt Nam vào thị trường Mỹ tăng từ 11 USD/kg (cuối năm 2020) lên 12 – 13 USD/kg (cuối năm 2021). Nhờ vậy, năm 2021 xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ đạt 2,05 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm khoảng 27% trong tổng giá trị xuất khẩu tôm năm qua.

Trong khi đó, mức giá cá tra phi lê đông lạnh trung bình xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong 2 tháng cuối năm tăng hơn 1 USD/kg.

Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản trong quý IV/2021 đạt 602.000 tấn, trị giá 2,7 tỷ USD (tăng 13,1% về trị giá). Tính chung cả năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 2,02 triệu tấn, tăng 5,6% về trị giá. Đây được ghi nhận là mức trị giá cao nhất từ trước đến nay về giá trị xuất khẩu thủy sản.

Đặc biệt trong năm 2021, cước tàu biển đi các thị trường tăng mạnh từ 4 – 10 lần so với thời kỳ trước dịch do ảnh hưởng bởi chuỗi cung ứng. Điều này tác động trực tiếp đến doanh thu của doanh nghiệp.

Theo chỉ số tổng hợp World Container Index (WCI), tính đến ngày 29/10/2021 chi phí vận chuyển hàng container bằng đường biển từ châu Á sang châu Âu ghi nhận mức tăng mạnh nhất với mức 300 – 500% so với năm 2020.

Từ quý I đến quý III/2021, vận chuyển từ châu Á đến Bắc Mỹ đối với container 20 feet và 40 feet tăng từ 500 – 700% (tương ứng với 13.000 USD và 20.000 USD).

Trong các tháng cuối năm 2021, giá container từ Việt Nam đi Mỹ, châu Âu, Australia, Nga đã tăng thêm từ 2.000 – 5.000 USD/container 40 feet. Trong đó, giá cước đi Mỹ đã đạt mốc 20.000 USD/container 40 feet; cước đi Nga đạt 15.000 USD/container 40 feet. Container lạnh cũng tăng gấp đôi, đạt 13.000 – 14.000 USD/container 40 feet.

Mặt khác, mặc dù cước tàu cao nhưng việc đặt trước container, đặt tàu cũng gặp khó khăn do thiếu container. Theo VASEP, các doanh nghiệp phải đặt tàu trước 15 – 20 ngày và buộc phải lên lịch sản xuất để phù hợp với thời gian giao hàng và lịch chạy của tàu. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp còn gặp phải tình trạng các hãng tàu tự động hủy đặt chỗ trước do doanh nghiệp khác trả giá cao hơn để thế chỗ, khiến doanh nghiệp rơi vào thế khó.

Ngoài ra, việc cập nhật giá tàu không thống nhất giữa các hãng khiến doanh nghiệp rơi vào tình huống thụ động trong quá trình tính giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến doanh thu xuất khẩu.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, chi phí logistics tăng cao đã tác động không nhỏ đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường thế giới và không ít doanh nghiệp đứng trước tình trạng thua lỗ nghiêm trọng, đình trệ sản xuất.

Chi phí container năm 2021 - Nguồn: VDSC, Ảnh: ITC

Chi phí container năm 2021 - Nguồn: VDSC, Ảnh: ITC

Theo WCI, giá cước vận tải đường biển năm 2022 khó trở lại ngưỡng trước đại dịch, song sẽ thấp hơn so với năm 2021. Đây là động lực cho các doanh nghiệp thủy sản đầu ngành đàm phán với đối tác chuyển hợp đồng vận chuyển từ CIF (người bán trả chi phí vận chuyển) sang FOB (người mua trả chi phí vận chuyển).

VDSC kỳ vọng việc doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất cùng với diễn biến giá bán tăng, cước vận tải hạ nhiệt sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu gia tăng doanh thu và biên lợi nhuận.

Nhu cầu nhập khẩu thủy sản toàn cầu năm 2022 dự báo tiếp tục tăng

Năm 2021, trị giá nhập khẩu thủy sản của hầu hết các thị trường lớn trên thế giới đều tăng so với năm 2020, trừ nhập khẩu của Đức giảm. Theo đó Bộ Công Thương dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2022 sẽ tiếp tục tăng, đạt 2,1 triệu tấn, trị giá 9,2 tỷ USD (tăng 3,9% về lượng và tăng 3,5% về trị giá so với năm 2021).

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2022 tăng nhờ nhu cầu nhập khẩu thủy sản thế giới ở mức cao và những ưu đãi từ các FTA. Theo đó, việc phục hồi kinh tế từ thị trường Mỹ và EU dự báo sẽ giữ nhu cầu tiêu dùng tại các nước này ở mức cao. Mặt khác, tính đến cuối năm 2021 lượng thủy sản dự trữ, tồn kho tại hai thị trường này lại ở mức thấp.

Tại Báo cáo Triển vọng Nông nghiệp 2021 – 2030, FAO dự báo mức tiêu thụ bình quân đầu người của thế giới sẽ đạt 21,2kg vào năm 2030. Con số này vào năm 2018 – 2020 là 20,5kg. Trong giai đoạn 2020 – 2030, nhu cầu tiêu dùng của thế giới về thủy sản sẽ tăng 3,6%.

Vào năm 2030, nuôi trồng thủy sản dự kiến sẽ cung cấp 57% lượng cá phục vụ cho con người, cao hơn 4% so với giai đoạn 2018 – 2020. Tiêu thụ thủy sản được kỳ vọng sẽ mở rộng ở tất cả châu lục, nhờ thu nhập tăng, đô thị hóa, mở rộng sản xuất, cải thiện kênh phân phối và đổi mới sản phẩm.

Tin liên quan

Đọc tiếp