120.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng để tăng động lực phát triển cho ‘đầu tàu’ phía Nam

CHÍNH SÁCH Đông Nam Bộ
16:30 - 09/07/2022
0:00 / 0:00
0:00
Vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có tiềm năng rất lớn, nhưng đang phát triển chưa tương xứng. Vì vậy, ưu tiên của Chính phủ trong thời gian tới là tạo thêm động lực bứt phá cho “đầu tàu” phía Nam này.

Sáng 9/7, tại TP HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29/8/2005, Kết luận số 27-KL/TW ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện các Bộ, ngành, địa phương đã đánh giá những kết quả đạt được, khó khăn vướng mắc đồng thời đề xuất các kiến nghị để phát triển Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong thời gian tới.

Kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng còn thiếu và yếu

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, sau thời gian triển khai Nghị quyết số 53 và Kết luận số 27, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và vùng Đông Nam Bộ nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Vùng tiếp tục tăng trưởng tích cực với quy mô GRDP chiếm tỷ trọng cao nhất trong GDP cả nước, thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng hiện đại, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng tăng; năng suất lao động đạt mức cao nhất cả nước; là địa bàn thu hút FDI, phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất lớn nhất cả nước; dần trở thành "bệ đỡ" cho phát triển vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

Diện mạo đô thị và các lĩnh vực văn hoá xã hội, khoa học công nghệ đạt nhiều thành tựu.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VGP

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VGP

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra nhiều chỉ tiêu đặt ra chưa đạt được. Công nghiệp của Vùng phát triển nhanh nhưng thiếu tính bền vững và đồng bộ; chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp; phân bố các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa hợp lý; các ngành dịch vụ cao cấp, chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, tính kết nối và đồng bộ còn yếu. Hệ thống giao thông quá tải, tắc nghẽn; tình trạng ngập úng thường xuyên. Một số công trình trọng điểm như sân bay Long Thành (giai đoạn 1), di dời cảng trong khu vực TP HCM, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có... còn chậm tiến độ so với mục tiêu đề ra.

Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của hội nhập quốc tế. Tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa đạt mục tiêu, chưa thực sự trở thành động lực để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội…

Địa phương và Trung ương cùng hợp lực giải quyết vấn đề giao thông

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cũng nhận định, trong những năm qua, tốc độ phát triển hạ tầng giao thông chậm hơn tốc độ phát triển kinh tế và đây là một nguyên nhân dẫn tới tốc độ tăng trưởng của Vùng chậm lại. Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm bố trí khoảng 120.000 tỷ đồng vốn ngân sách để đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông chiến lược trong Vùng và liên Vùng, cùng với đó là một số dự án hợp tác công tư (PPP).

Từ nay tới năm 2025 sẽ hoàn thành đưa vào khai thác tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, tuyến TP HCM - Cần Thơ (đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2), tuyến cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu; thu xếp nguồn vốn để khởi công các tuyến đường Vành đai 4, tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài, tuyến cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, tiếp tục đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Về các sân bay, Bộ trưởng cho biết các cơ quan đang triển khai các giải pháp đồng bộ để nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu hành khách mỗi năm; đồng thời quyết liệt thúc đẩy dự án sân bay Long Thành để đưa vào khai thác giai đoạn 1 vào năm 2025 với 25 triệu khách.

Bộ trưởng cho rằng, địa phương và Trung ương cần cùng hợp lực để giải quyết vấn đề giao thông. Các địa phương cần tập trung các nguồn lực để xây dựng các tuyến đường giải quyết vấn đề ách tắc giao thông tại các cảng lớn trong Vùng như Cái Mép - Thị Vải; nâng cấp luồng hàng hải từ phao số 0 vào cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, luồng Xoài Rạp; kêu gọi đầu tư các cảng biển, trung tâm logistic Cái Mép Hạ, các cảng cạn trong Vùng để hình thành các trung tâm logistic lớn…

Cần sớm triển khai lập quy hoạch vùng Đông Nam Bộ

Về phía địa phương, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thừa nhận, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam Bộ đang gặp nhiều thách thức, nghiêm trọng nhất là việc phát triển dưới mức tiềm năng, chưa phát huy tốt vai trò trung tâm kinh tế - xã hội của cả nước. Riêng TPHCM đóng góp đến trên 50% vào tăng trưởng của Vùng nhưng trong những năm gần đây, việc Thành phố tăng trưởng chậm đã ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng của Vùng.

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, lãnh đạo Thành phố cho rằng, thể chế hiện hành chưa đủ mạnh để khuyến khích chính quyền địa phương chủ động, sáng tạo và tăng cường liên kết Vùng. Quy hoạch từng địa phương hiện nay đang tạo nên "lực kéo", thay vì "lực đẩy" cho phát triển. Hạ tầng giao thông, đô thị không theo kịp và đang cản trở sự phát triển nhanh, bền vững.

Để tạo động lực mới cho phát triển Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ông Phan Văn Mãi đề nghị nhanh chóng triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Đông Nam Bộ theo quyết định số 463/QĐ-TTg ngày 15/4/2022; hoàn thiện cơ chế liên kết, điều phối phát triển Vùng và bộ máy giúp việc.

Đẩy mạnh liên kết triển giao thông Vùng với các tuyến đường bộ (vành đai, quốc lộ, cao tốc kết nối), đường thuỷ (hệ sông Sài Gòn, Đồng Nai, Vàm Cỏ; kết nối ĐBSCL - Campuchia), đường sắt; liên kết trong vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ các hệ sông; xử lý chất thải công nghiệp, sinh hoạt; thích ứng biến đổi khí hậu. Cùng với đó là liên kết phát triển nguồn nhân lực và xây dựng thị trường lao động chung như trung tâm đại học - đào tạo nghề, trung tâm công nghiệp-dịch vụ nền tảng của thị trường lao động…

Chủ tịch UBND TPHCM cũng đề nghị hoàn thiện cơ chế đặc thù phát triển Thành phố và đầu tư phát triển Thành phố để giữ vững vai trò đầu tàu của Vùng và cả nước, tập trung đầu tư để TPHCM là trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; trung tâm logistics; trung tâm khoa học, đổi mới sáng tạo; trung tâm chăm sóc sức khỏe, đào tạo nhân lực khu vực và quốc tế; chuyển đổi số TP HCM.

Trước đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 463/QĐ-TTg ngày 15/4/2022 phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm cụ thể hóa phát triển vùng Đông Nam Bộ thành vùng năng động, đi đầu trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Theo Quyết định, quy hoạch vùng Đông Nam Bộ với phạm vi ranh giới về hành chính gồm toàn bộ lãnh thổ đất liền, các đảo, quần đảo, lòng đất, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia thuộc địa phận 6 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh.

Tin liên quan

Đọc tiếp