6 giải pháp phát triển đô thị vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung

Miền trung đô thị
12:42 - 14/07/2023
Hội thảo "Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững vùng đô thị ven biển miền Trung".
Hội thảo "Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững vùng đô thị ven biển miền Trung".
0:00 / 0:00
0:00
Với vị trí là "mặt tiền" của quốc gia, cửa ngõ ra biển của cả nước, Bộ Xây dựng yêu cầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung cần đẩy mạnh đô thị hóa, tận dụng tốt các tiềm năng và thế mạnh của mình.

Khái quát về tình hình đô thị hóa tại khu vực này, tại hội thảo "Quy hoạch và phát triển đô thị bền vững vùng đô thị ven biển miền Trung" sáng 14/7 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết:

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ có 14 tỉnh ven biển với 210 đô thị. Hiện nay, vùng có 6 đô thị loại I, 7 đô thị loại II, 10 đô thị loại III, 21 đô thị loại IV và 166 đô thị loại V. Các đô thị lớn là trung tâm tỉnh lỵ đóng vai trò động lực phát triển không chỉ trong tỉnh mà trong cả vùng miền Trung.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại hội nghị.

Khu vực này có nhiều đô thị được thiên nhiên ưu đãi về du lịch khi có nhiều bãi biển đẹp như Khánh Hòa, Phan Thiết... tạo tiền đề hình thành các đô thị du lịch ven biển. Hệ thống các đô thị được liên kết với nhau qua hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ như Quốc lộ 1A, 8 sân bay trong vùng đang hoạt động. Bên cạnh đó, 11/14 tỉnh có cảng biển là điều kiện thuận lợi phát triển các đô thị ven biển.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng cho biết việc phát triển hệ thống đô thị trong vùng vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn như 12/14 tỉnh trong vùng với 37 đô thị ven biển chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nguy cơ ngập, lụt, suy giảm nguồn nước do xâm thực mặn, là thách thức lớn cho mục tiêu phát triển bền vững.

Đây cũng là vùng có địa hình bị phân chia rõ rệt khu vực ven biển ở bờ Đông và khu vực miền núi, dốc ở bờ Tây, ảnh hưởng rất nhiều đến công tác đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng đô thị. Các đô thị hạt nhân, trung tâm cấp vùng chủ yếu nằm phía Đông, ven biển, thuận lợi hơn trong phát triển so với các đô thị phía Tây.

Để khắc phục những khó khăn trên, Bộ Xây dựng đã đưa ra 6 giải pháp để phát triển đô thị vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung gồm:

Thứ nhất, các địa phương cần thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp trong quy hoạch và phát triển đô thị theo Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 148/NQ-CP của Chính phủ, chú trọng đối với các đô thị là hạt nhân và trung tâm cấp vùng.

Cùng với đó là triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ hai, cần chú trọng công tác quy hoạch, xây dựng các chương trình phát triển đô thị để tích hợp nguồn lực thực hiện quy hoạch, đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm.

Thứ ba là đẩy mạnh kết nối hệ thống các đô thị hạt nhân và đô thị trung tâm cấp vùng trong khu vực nói riêng và với hệ thống đô thị toàn quốc Bắc - Trung – Nam nói chung; hỗ trợ liên kết phát triển trục đô thị Đông - Tây.

Các đô thị lớn như Đà Nẵng, Huế, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Vinh...nâng cao hơn nữa khả năng kết nối, trong vùng cũng như trên cả nước.

Thứ tư, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hình thành nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch nghỉ dưỡng gắn liền đô thị.

Thứ trưởng cho biết khu vực miền Trung mới chỉ tập trung phát triển đô thị, chưa quan tâm đúng mức đến phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp vì vậy trong thời gian tới cần đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực này. Có khu công nghiệp thu hút lao động, người dân đến làm việc sinh sống thì mới có thể hình thành nên các đô thị.

Giải pháp thứ năm là tăng cường quản lý đầu tư phát triển đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ; giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội như chỗ ở, việc làm...

Cuối cùng, các tỉnh miền Trung cần chọn lọc và khai thác sự khác biệt của từng đô thị, tạo sự đa dạng và hỗ trợ phát triển lẫn nhau.

Các đô thị như Huế, Hội An với yếu tố di sản hay Nha Trang, Phan Thiết... với đường bờ biển dài và đẹp cần được xây dựng thành những điểm đến, những đô thị di sản, du lịch tầm cỡ khu vực quốc tế.

Các đô thị ven biển các tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận và Bình Thuận... cần được thúc đẩy để trở thành điểm đến thu hút nguồn đầu tư lớn cho các dự án năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời), đi kèm với đó là dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Sự đa dạng này chính là ưu điểm của hệ thống các đô thị khu vực Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ.

Bên cạnh việc quy hoạch, phát triển các đô thị, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển lưu ý các tỉnh miền Trung cũng cần chú ý ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng các đô thị theo tiêu chí bền vững bởi đây là khu vực dễ bị tổn thương với khí hậu khắc nghiệt "sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, khó tránh khỏi các loại hình thiên tai như bão lũ, xâm nhập mặn.

Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển phát biểu tại sự kiện.

Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển phát biểu tại sự kiện.

Phó Trưởng Ban Kinh tế cho biết, tình hình biến đổi khí hậu tại miền Trung đang ngày một gay gắt, 1,53% diện tích ven biển bao gồm hành lang kinh tế ven biển, đô thị, khu vực trọng điểm nông nghiệp của miền Trung có nguy cơ bị ngập lụt, xâm nhập mặn.

Tình trạng nguồn nước vừa thiếu vừa thừa gây ra lũ lụt, sạt lở đất vào mùa mưa, hạn hán vào mùa khô khiến hơn 269.000 ha đất bị sa mạc hóa do thiếu nước. Theo Nhóm 2030-WRG1 và tính toán cân bằng nước đến năm 2030 vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ sẽ thiếu hụt khoảng 2,1 triệu m3, đặc biệt nghiêm trọng vào mùa khô. Cường độ và tần suất bão ngày càng tăng với các diễn biến khó lường.

Môi trường và biến đổi khí hậu đang trở thành thách thức lớn trong tiến trình phát triển, vì vậy ông Hiển đề nghị các đại biểu và các địa phương cần phân tích, đánh giá các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực của vùng để nâng cao quản lý rủi ro thông qua việc xây dựng quy hoạch và thực hiện các chính sách phát triển đô thị phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Bên cạnh đó, làm rõ các giải pháp trọng tâm tăng cường khả năng chống chịu ở cấp địa phương đối với các tỉnh, thành phố thuộc vùng Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.
Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Quý đầu năm 2024, Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng, giảm 92% so với mức 11.917 tỷ đồng của quý cùng kỳ năm ngoái. Lý giải nguyên nhân, doanh nghiệp này cho biết do chưa đến kỳ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cho các sản phẩm đang xây dựng dở dang.