6 vướng mắc chính của các dự án giao thông trọng điểm quốc gia

DỰ ÁN giao thông
19:53 - 10/08/2022
6 vướng mắc chính của các dự án giao thông trọng điểm quốc gia
0:00 / 0:00
0:00
Tại Hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm ngành giao thông sáng 10/8, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã đề cập tới những vướng mắc chính mà các dự án giao thông trọng điểm đang gặp phải.

Đầu tiên là vướng mắc giải phóng mặt bằng, theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể, đây được xem là khâu khó khăn, phức tạp nhất, ảnh hưởng lớn đến tiến độ, chất lượng các dự án.

Mặc dù các địa phương đã quyết liệt, tập trung thực hiện, tuy nhiên do khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, trải dài, quá trình thực hiện có nhiều vấn đề phát sinh nên tiến độ chưa đáp ứng yêu cầu.

Ảnh tác giả

"Các địa phương cần đặc biệt quan tâm đến khâu lựa chọn đơn vị tư vấn lập dự án và bàn giao mốc để giải phóng mặt bằng. Đây là khâu vô cùng quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ các dự án. Phải lựa chọn đơn vị tư vấn tốt, đạt 70% khối lượng giải phóng mặt bằng mới khởi công dự án"

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể

Ví dụ như dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, triển khai từ giữa năm 2019, đến nay vẫn còn một số công trình hạ tầng kỹ thuật chưa di dời. Dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Tham Lương triển khai từ năm 2011 đến nay giải phóng mặt bằng mới đạt 84%...

Tiếp theo là nguồn cung vật liệu đắp nền đường còn hạn chế, thủ tục cấp phép khai thác mất nhiều thời gian dẫn đến một số thời điểm xuất hiện tình trạng khan hiếm, nâng giá, ép giá ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai dự án. Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, vật liệu đắp nền đường là cát với nguồn cung rất hạn chế và tập trung chủ yếu tại các tỉnh An Giang và Đồng Tháp.

"Phải cố gắng tận dụng các nguồn cát ở gần những dự án để tiết kiệm chi phí, tránh đội giá. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm có các đoàn phối hợp với địa phương để rà soát, giám sát việc khai thác cát"

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành

Theo Bộ trưởng GTVT, mặc dù Chính phủ đã có nhiều nghị quyết để tháo gỡ vướng mắc về thủ tục triển khai cấp phép nhưng nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, sự chuẩn bị kỹ lưỡng của chủ đầu tư thì vấn đề vật liệu sẽ là nút thắt lớn cho các dự án.

Bên cạnh đó, thời gian qua, giá nhiên, nguyên, vật liệu có biến động lớn ngoài khả năng dự báo của các bên liên quan. Việc tính toán chi phí trượt giá theo công thức điều chỉnh giá thông thường chưa bù đắp được mức độ biến động giá quá lớn, dẫn đến thiếu hụt tài chính và thua lỗ cho nhà thầu, gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.

Ngoài ra, năng lực của một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tư vấn, thiết kế, giám sát, nhà thầu thi công xây dựng còn hạn chế, chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai.

Đồng thời, các dự án có phạm vi, quy mô đầu tư lớn, yêu cầu kỹ thuật cao, thời gian triển khai ngắn như hiện nay. Một số dự án triển khai với các nguồn vốn khác nhau nên cần sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc bố trí vốn, triển khai các dự án, dự án thành phần.

Hơn nữa, những dự án sử dụng vốn vay của tổ chức quốc tế như: đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP HCM, cao tốc Bến Lức - Long Thành… thủ tục triển khai phức tạp đan xen giữa các thông lệ quốc tế và quy định của pháp luật Việt Nam, dẫn đến việc điều chỉnh dự án, bổ sung vốn, quản lý hợp đồng khá phức tạp, kéo dài.

Phát biểu kết luận tại hội nghị nói trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu rõ yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ ngành, đơn vị, địa phương phải nâng cao hơn nữa, phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, tuân thủ quy định trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, thực hiện các công việc một cách chủ động, tích cực.

Cần một sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, làm việc nào dứt việc đó, khó khăn, vướng mắc ở đâu thì tháo gỡ ở đấy, tăng cường nắm bắt tình hình, giải quyết các vấn đề đặt ra, tăng cường kỷ luật kỷ cương, kiểm tra, giám sát, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ.

Tại Hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải sáng 10/8. Ảnh: VGP

Tại Hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải sáng 10/8. Ảnh: VGP

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của các dự án này, rút kinh nghiệm từ những cách làm hay và cả những hạn chế, bất cập trong nhiều năm qua, trong đó khâu yếu nhất vẫn là tổ chức thực hiện.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc triển khai hiệu quả các dự án này là hành động thiết thực triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, góp phần thực hiện 3 đột phá chiến lược, các mục tiêu Đại hội đã đề ra. Đồng thời cũng tạo ra không gian phát triển, động lực phát triển mới ở các vùng miền, địa phương và cả nước, tạo điều kiện hình thành các khu công nghiệp, dịch vụ, đô thị mới; góp phần giải quyết nút thắt về giao thông vận tải; thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo việc làm cho người dân; thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực…

Các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải gồm 9 dự án và 31 dự án thành phần, gồm: Ðường Hồ Chí Minh; các dự án đường bộ cao tốc: Bắc - Nam phía Ðông, Bến Lức - Long Thành, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 TP HCM; Ðường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; các tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội và TP HCM; Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các dự án đường bộ cao tốc hoặc dự án hạ tầng giao thông khác mà Ban Chỉ đạo thấy cần thiết...

Theo Bộ Tài chính, tổng nguồn vốn cho các dự án này khoảng 734 nghìn tỷ đồng và cơ bản đã được cân đối.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.