ADB: Thị trường trái phiếu chứng kiến tình trạng rút vốn đầu tư gián tiếp

TRÁI PHIẾU Đông Á
14:55 - 25/11/2022
Thị trường trái phiếu Việt Nam thời gian qua ghi nhận sự sụt giảm. Ảnh minh họa
Thị trường trái phiếu Việt Nam thời gian qua ghi nhận sự sụt giảm. Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết, việc thắt chặt tiền tệ quyết liệt ở các nền kinh tế phát triển đã đẩy lãi suất trái phiếu tăng và làm trầm trọng thêm rủi ro suy thoái tài chính ở các nền kinh tế Đông Á mới nổi.

Khu vực Đông Á mới nổi bao gồm các nền kinh tế thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) và Hàn Quốc.

Theo Báo cáo giám sát trái phiếu châu Á của ADB công bố ngày 25/11, các đồng tiền trong khu vực giảm giá so với đồng USD, chứng khoán sụt giảm và phí bảo hiểm rủi ro tăng trong giai đoạn từ 31/8 - 4/11/2022.

Hầu hết các thị trường trái phiếu khu vực đều chứng kiến tình trạng rút vốn đầu tư gián tiếp. Lạm phát toàn cầu, tăng trưởng chậm hơn ở Trung Quốc, rủi ro suy thoái kinh tế, xung đột Ukraine...tiếp tục đe dọa những triển vọng ngắn hạn của khu vực.

Trong quý 3/2022, việc phát hành trái phiếu bằng đồng nội tệ ở Đông Á mới nổi giảm 1,1% so với quý trước, xuống còn 2.200 tỷ USD, trong bối cảnh tâm lý đầu tư ảm đạm. Tổng lượng trái phiếu bằng đồng nội tệ đang lưu hành tăng 2,3% lên 22.000 tỷ USD.

Tổng lượng phát hành trái phiếu chính phủ giảm 4,5% so với quý trước, trong khi lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng 5,7%, chủ yếu là nhờ việc các công ty Trung Quốc tận dụng những biện pháp nới lỏng tiền tệ trong nước. Lãi suất tăng đã dẫn tới mức sụt giảm 2% trong lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp ở các thị trường ASEAN.

Thị trường trái phiếu bền vững ở khu vực ASEAN cùng với Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) và Hàn Quốc đã tăng 1,7% lên 521,6 tỷ USD vào cuối tháng 9. Mặc dù tăng trưởng chậm hơn so với quý trước, phân khúc này đã chứng kiến sự cải thiện trong việc đa dạng hóa danh mục thị trường và loại hình trái phiếu.

Theo ADB, tại Việt Nam, sau khi tăng trưởng mạnh trong quý trước, thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ đã giảm 0,2% do thị trường trái phiếu sụt giảm và trái phiếu doanh nghiệp tăng chậm hơn. So với cùng kỳ năm trước, thị trường tăng 21,1% lên 97,4 tỷ USD.

Trái phiếu chính phủ giảm 2% do lượng tín phiếu ngân hàng trung ương đang lưu hành giảm 70,3% so với quý trước. Dư nợ trái phiếu chính phủ đạt 67,3 tỷ USD. Tăng trưởng trái phiếu doanh nghiệp giảm 4,1% so với quý trước, đưa phân khúc này lên 30,1 tỷ USD.

Ông Albert Park - chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB nhận định: “Các điều kiện tài chính ở Đông Á mới nổi đã suy yếu với tốc độ nhanh hơn trong tháng 9 và tháng 10, so với 8 tháng đầu năm 2022, do việc thắt chặt tiền tệ quyết liệt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Tuy nhiên cho tới nay, khu vực này về cơ bản vẫn có khả năng chống chịu, bất chấp nhiều yếu tố bất lợi”.

Sau quý 3/2022 giảm đều về số đợt lẫn quy mô, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam trong tháng 10 chỉ ghi nhận một đợt phát hành riêng lẻ nội địa. Hoạt động phát hành trái phiếu tháng qua hoàn toàn vắng bóng 2 nhóm phát hành chủ lực là bất động sản và tổ chức tín dụng.

Báo cáo của FiinRatings lý giải cả hai ngành này đang gặp các yếu tố bất lợi như môi trường lãi suất tăng cao, những yêu cầu mới của Nghị định 65 và sự "quay đầu" của nhà đầu tư đối với trái phiếu sau những sự kiện vi phạm trên thị trường gần đây.

Trong khi đó, hoạt động mua lại trái phiếu tiếp tục gia tăng, khiến dư nợ trái phiếu nội địa giảm hơn 15.800 tỷ đồng trong tháng 10. Trong đó, giá trị mua lại và đáo hạn lần lượt là 5.810 tỷ và 10.230 tỷ đồng, theo thống kê của FiinRatings.

Tin liên quan

Đọc tiếp

TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.