Ấn Độ cam kết đưa phát thải về 0 vào năm 2070

COP26 Khí hậu
10:37 - 02/11/2021
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu COP26 của Liên Hợp Quốc. Ảnh: AFP
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu COP26 của Liên Hợp Quốc. Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Narendra Modi ngày 1/11 tuyên bố lập trường chính thức của New Delhi tại COP26 về cam kết đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2070, trong khi đó các nhà khoa học tính toán rằng thế giới cần đạt mục tiêu này vào năm 2050 mới có thể cứu trái đất.

Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow (Anh) được kỳ vọng là cơ hội cuối cùng để các nhà lãnh đạo trên thế giới đưa ra kế hoạch hành động cụ thể nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn tại kể từ khi ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.

Sự kiện này cũng là cơ hội cho các nước bàn cách thúc đẩy những nỗ lực nhằm khống chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở 1,5 độ C trong thế kỷ này so với thời kỳ tiền công nghiệp, một cột mốc để có thể cứu vãn thế giới trước khi biến đổi khí hậu nằm ngoài khả năng kiểm soát của con người.

Cam kết của Ấn Độ

Phát biểu tại COP26, Thủ tướng Narendra Modi cam kết: “Đến năm 2070, Ấn Độ sẽ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0”. Đây là kế hoạch nhận được nhiều quan tâm vì Ấn Độ đang là quốc gia phát thải carbon lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Trung Quốc. Trước đó, Trung Quốc tuyên bố sẽ đạt được mục tiêu này vào năm 2060, còn Mỹ và Liên minh châu Âu là năm 2050.

Ông Modi cũng cho biết, Ấn Độ đại diện cho 17% dân số thế giới và đồng nghĩa với việc sẽ chịu trách nhiệm 5% lượng khí thải carbon.

Trong khi đó, để đạt được các mục tiêu khí hậu, các quốc gia trên thế giới cũng cần quyết tâm giảm gần một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong vòng 8 năm tới để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Ấn Độ đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070. Ảnh: Reuters

Ấn Độ đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070. Ảnh: Reuters

Bên cạnh mục tiêu trên, Thủ tướng Modi cũng đưa ra các cam kết khác của Ấn Độ tại COP26 như nâng mục tiêu đến năm 2030 đạt công suất lắp đặt năng lượng tái tạo (chủ yếu là năng lượng mặt trời) từ 450 lên 500 gigawatt, đáp ứng 50% nhu cầu năng lượng nhờ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2030 và giảm tổng lượng phát thải carbon dự kiến một tỷ tấn từ nay đến năm 2030.

Tuy nhiên, lãnh đạo Ấn Độ cũng nhắc lại quan điểm các quốc gia giàu có nên hỗ trợ các nước nghèo thông qua hỗ trợ nguồn tài chính nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh.

“Ấn Độ kỳ vọng các quốc gia phát triển sẽ cung cấp một nghìn tỷ USD cho lĩnh vực khí hậu càng sớm càng tốt”, ông Modi nói. Con số mà ông đưa ra cao gấp 10 lần so với khoản tiền tài trợ các dự án khí hậu hàng năm mà các nước giàu đặt ra.

Trong bài phát biểu của mình, người đứng đầu chính phủ Ấn Độ cũng kêu gọi toàn cầu chung tay áp dụng lối sống bền vững. Người tiêu dùng cần đưa ra lựa chọn xanh trong việc sử dụng bao bì, cho đến chế độ ăn uống hợp lý. “Những lựa chọn này nếu được thực hiện bởi hàng tỷ người, có thể đưa cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của toàn nhân loại tiến thêm một bước nữa”, ông chia sẻ.

Mỹ và Trung Quốc “không thể làm ngơ”

Ngoài Ấn Độ, hai nước có lượng khí phát thải gây ô nhiễm môi trường lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc, cũng đưa ra tuyên bố nhấn mạnh đến năng lượng xanh là giải pháp để đạt cam kết về mức giảm phát thải.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu. Ảnh: Getty Images
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu. Ảnh: Getty Images

Với Mỹ, quốc gia này thể hiện quyết tâm đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh, giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển kinh tế và đang là vấn đề cấp bách, không còn thời gian để chần chừ.

Ông Biden khẳng định, Washington có thể hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 giảm từ 50 đến 52% lượng khí phát thải so với năm 2005. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết muốn có thêm nhiều hành động để hỗ trợ các nước đang phát triển thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh.

Mặc dù vậy, tuyên bố trên của ông Biden được đưa ra khi kế hoạch 555 tỷ USD chi tiêu cho vấn đề khí hậu của chính quyền Mỹ vẫn chưa được Quốc hội thông qua do xuất hiện chia rẽ sâu sắc.

Phía Trung Quốc dù không trực tiếp tham dự COP26 nhưng Chủ tịch nước này Tập Cận Bình cũng đưa ra lời kêu gọi các nước cần “hành động mạnh mẽ hơn” để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong tuyên bố gửi tới hội nghị COP26, ông Tập nhấn mạnh các quốc gia cần tập trung vào “hành động cụ thể" với "mục tiêu và tầm nhìn thực tế”, đồng thời tận dụng đổi mới trong khoa học công nghệ để “đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh”.

“Tôi hy vọng tất cả các bên sẽ có những hành động mạnh mẽ hơn để cùng nhau giải quyết thách thức khí hậu và bảo vệ hành tinh, ngôi nhà chung của tất cả chúng ta”, ông Tập cho biết.

Ngoài mục tiêu đưa lượng phát thải ròng về con số 0 vào năm 2060, Trung Quốc chưa đưa ra thêm bất kỳ cam kết mới nào về biến đổi khí hậu. Phía Bắc Kinh tiết lộ đang có chiến lược tăng cường phát triển trong lĩnh vực năng lượng xanh, quy hoạch xây dựng các trang trại gió quy mô lớn và các dự án quang điện, trong nỗ lực giảm khí phát thải trong tương lai.

Tin liên quan

Đọc tiếp